Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết tỉ lệ phá sản đã tăng 25% từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Ảnh: Getty Images.

 
Mỹ Quyên Thứ Sáu | 22/12/2023 17:03

Tỉ lệ doanh nghiệp phá sản tăng vọt trên toàn cầu

Cho đến nay, các lĩnh vực khách sạn, vận tải và bán lẻ sử dụng nhiều lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

Các vụ phá sản doanh nghiệp đang gia tăng với tốc độ 2 con số ở hầu hết các nền kinh tế tiên tiến, khi chi phí đi vay tăng lên và các chính phủ ngừng hỗ trợ hàng ngàn tỉ USD như trong thời kỳ đại dịch cho các doanh nghiệp gặp khó khăn.

Theo dữ liệu của tòa án, sau một thập kỷ sụt giảm, tính đến tháng 9 số vụ phá sản doanh nghiệp ở Mỹ đã tăng 30% so với cùng kỳ năm trước.

Đức, nền kinh tế lớn nhất EU, cho biết tỉ lệ phá sản đã tăng 25% từ tháng 1 đến tháng 9 so với cùng kỳ năm trước. Văn phòng thống kê Destatis của nước này cho biết kể từ tháng 6, tốc độ phá sản hàng tháng đã tăng trưởng ở mức 2 chữ số.

Theo ông Neil Shearing, Nhà kinh tế tại Capital Economics, lãi suất cao hơn, cùng với sự sụp đổ của các công ty "zombie" (những công ty cần tiền cứu trợ để hoạt động, hoặc có khả năng trả lãi nhưng không trả được tiền gốc) sống sót nhờ sự hỗ trợ của chính phủ thời COVID-19, đã thúc đẩy xu hướng này.

Các nhà phân tích cho biết, các ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất do tỉ lệ vỡ nợ gia tăng bao gồm vận tải và khách sạn.

Theo ước tính của IMF cho năm 2020 và 4 tháng đầu năm 2021, các doanh nghiệp đã vượt qua thời kỳ suy thoái nhanh chóng do đại dịch gây ra nhờ các chương trình hỗ trợ lớn của chính phủ dành cho các công ty và hộ gia đình, lên tới hơn 10.000 tỉ USD.

Theo các nhà phân tích, sự gia tăng các vụ phá sản sẽ ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế toàn cầu và tăng trưởng việc làm trong vài năm tới.

Bà Susannah Streeter, Nhà phân tích đầu tư cấp cao tại công ty quản lý tài sản Hargreaves Lansdown, cho biết mặc dù sự gia tăng một phần là do các công ty zombie phải đóng cửa, mối lo ngại là việc thắt chặt chính sách tiền tệ nhanh chóng cũng sẽ đẩy nhiều công ty khởi nghiệp và doanh nghiệp vừa và nhỏ, đẩy triển vọng hơn đến bờ vực thẳm, có thể gây ra hậu quả lâu dài cho tăng trưởng.

Cơ quan xếp hạng Moody dự đoán tỉ lệ vỡ nợ cấp độ đầu cơ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng vào năm 2024 sau khi đạt 4,5% tính đến tháng 10, cao hơn mức trung bình lịch sử là 4,1%. Trong khi đó, công ty dịch vụ tài chính Allianz của Đức dự báo tốc độ tăng trưởng vỡ nợ toàn cầu sẽ đạt 10% vào năm tới, sau khi tăng 6% vào năm 2023.

Tại Pháp , Hà Lan và Nhật, số vụ phá sản đã tăng hơn 30% trong tháng 10 so với cùng kỳ năm trước, theo các cơ quan thống kê quốc gia. Nhóm OECD gồm hầu hết các quốc gia giàu có có trụ sở tại Paris gần đây đã lưu ý rằng ở một số quốc gia bao gồm các quốc gia Bắc Âu như: Đan Mạch, Thụy Điển và Phần Lan, tỉ lệ phá sản doanh nghiệp đã vượt quá mức trong cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008-2009.

Tại Anh và xứ Wales, tình trạng mất khả năng thanh toán trong khoảng thời gian từ tháng 1 đến tháng 9 cũng đạt mức cao nhất kể từ năm 2009, theo Cơ quan Dịch vụ Phá sản. Cho đến nay, các lĩnh vực khách sạn, vận tải và bán lẻ sử dụng nhiều lao động đã bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Các ngành công nghiệp nhạy cảm hơn với việc tăng lãi suất, chẳng hạn như bất động sản và xây dựng, cũng sẽ chịu nhiều áp lực.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho biết, trợ cấp năng lượng và các biện pháp khác sẽ giúp nhiều doanh nghiệp trụ vững, có nghĩa là đỉnh điểm của tình trạng mất khả năng thanh toán khó có thể cao như những đợt suy thoái trước đây.

Nhiều doanh nghiệp đã tích lũy được nguồn tiền mặt tốt và đảm bảo được các hợp đồng tài trợ giá rẻ khi lãi suất thấp. Nền kinh tế toàn cầu được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng và tỉ lệ thất nghiệp sẽ ở mức thấp lịch sử ở hầu hết các nền kinh tế lớn.

Các nhà phân tích cho biết thêm, số lượng phá sản vẫn còn khiêm tốn so với tiêu chuẩn lịch sử ở các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Đức và Pháp.

Có thể bạn quan tâm: 

Vương quốc Anh áp dụng thuế carbon đối với hàng hóa nhập khẩu vào năm 2027

Nguồn FT