Hơn 12 triệu cử nhân Trung Quốc trong năm nay phải đối mặt với sự quay lưng của các doanh nghiệp nước ngoài, vốn tuyển dụng mạnh tay. Ảnh: Yoshiko Kawano.

 
Hải Miên Thứ Bảy | 05/08/2023 11:05

Tỉ lệ cử nhân thất nghiệp liên tục lập kỷ lục ở Trung Quốc

Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tạo ra số lượng sinh viên tốt nghiệp gấp đôi so với 10 năm trước, với gần 12 triệu người trong năm nay.

Anh Glonee Zhang, một sinh viên vừa tốt nghiệp, đã ôm nhiều hy vọng khi tìm được việc làm tại một công ty sản xuất pin lithium ở Thâm Quyến vào mùa hè năm ngoái. Giờ đây, giống như hơn 1/5 thanh niên tại Trung Quốc, anh đã thất nghiệp.

Là một sinh viên chuyên ngành tiếng Anh bước vào thị trường việc làm hậu Covid, anh Zhang nghĩ rằng đại dịch kết thúc sẽ mang lại một tương lai tươi sáng hơn. Sáu tháng sau, anh ấy và một nửa trong số 400 sinh viên mới tốt nghiệp tại công ty đã bị sa thải, khi doanh số bán hàng giảm 10% so với cùng kỳ năm ngoái.

"Đôi khi tôi thấy não lòng", anh Zhang ủ rũ nói, trong khi tạm thời làm những công việc lặt vặt.

Tỉ lệ thất nghiệp liên tục lập kỷ lục

 

Bị mắc kẹt giữa cuộc đàn áp kéo dài theo quy định của Bắc Kinh đối với doanh nghiệp tư nhân và sụt giảm tuyển dụng của các công ty nước ngoài trong nước, những người trẻ Trung Quốc hiện phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục là 21,3%. Vì con số chính thức chỉ bao gồm những người tích cực tìm kiếm việc làm, nên một số nhà kinh tế cho rằng tỷ lệ thanh niên không có việc làm có thể cao hơn đáng kể.

Mặc dù đại dịch có thể đã qua đi, nhưng lại phơi bày một vấn đề khác. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đang tạo ra số lượng sinh viên tốt nghiệp gấp đôi so với 10 năm trước, với gần 12 triệu người trong năm nay.

“Trong những năm qua, Trung Quốc đã mở rộng các trường đại học, nhưng quốc gia này vẫn là một nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất và dịch vụ,” ông Robin Xing, nhà kinh tế về Trung Quốc tại Morgan Stanley ở Hồng Kông, cho biết.

Vào tháng 12/2019, trước khi Covid xảy ra, tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên là 12,2%. Những sinh viên tốt nghiệp như anh Zhang hiện buộc phải xem xét tiếp tục học cao hơn hoặc cố gắng tìm kiếm những công việc chính phủ có tính cạnh tranh cao nhưng ổn định, phù hợp với trình độ học vấn của mình. Học tập hoặc làm việc ở nước ngoài cũng là một lựa chọn cho một số người .

Khi sự bi quan của sinh viên tốt nghiệp ngày càng tăng do tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên cao gần gấp 3 lần so với tại Mỹ và cao hơn nhiều so với 14% của khu vực đồng euro, quá trình phục hồi kinh tế hậu Covid lại ngày càng trầm trọng.

Và khi hàng triệu sinh viên ra trường thất nghiệp không có tiền lương để chi tiêu, doanh số bán lẻ chỉ tăng 3,1% trong tháng trước kể từ tháng 6/2022. Con số này cũng giảm mạnh so với mức tăng 12,7% trong tháng 5.

Tháo gỡ nút thắt

Trong bối cảnh lo ngại về giảm tốc, Bắc Kinh tuần trước đã tiết lộ kế hoạch tháo gỡ các rào cản thị trường và tiếp cận tài chính, một trong những biện pháp nhằm nâng cao niềm tin của khu vực tư nhân. Cơ quan kế hoạch nhà nước của Trung Quốc cho biết họ muốn thu hút thêm vốn tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia trong các lĩnh vực từ giao thông đến năng lượng sạch, cơ sở hạ tầng, sản xuất tiên tiến và nông nghiệp.

Động thái này diễn ra sau nhiều năm giữ lập trường cứng rắn với các doanh nghiệp tư nhân, vốn bị Trung Quốc coi là dư thừa trong các lĩnh vực như công nghệ, giáo dục và bất động sản.

Nhưng ngoài các cuộc đàn áp theo quy định của Bắc Kinh, các doanh nghiệp tư nhân nước ngoài cũng dần rút khỏi thị trường, khi phương Tây tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Dữ liệu của Ngân hàng Thế giới cho thấy đầu tư trực tiếp nước ngoài ròng vào Trung Quốc năm ngoái đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ năm 1990.

Cứ mỗi 5 người trẻ thì sẽ có một người thất nghiệp.
Cứ mỗi 5 người trẻ Trung Quốc thì sẽ có một người thất nghiệp.

Trước khi Bắc Kinh siết chặt quy định, công nghệ và giáo dục là một trong những lĩnh vực được sinh viên đại học mong muốn nhất khi tìm kiếm công việc được trả lương cao. Năm 2019, có hơn 80% nhân viên ngành giáo dục dưới 35 tuổi và hơn 90% có bằng cử nhân hoặc thạc sĩ, theo một cuộc khảo sát việc làm được công bố bởi nền tảng tìm việc Liepin của Trung Quốc.

Ngành giáo dục đã tạo việc làm cho khoảng 10 triệu người trước khi dịch vụ dạy kèm tư nhân cho học sinh tiểu học và trung học cơ sở ở các thành phố lớn bị cấm vào năm 2021. Hành động này được xem là nỗ lực kiềm chế chi tiêu cho các hộ gia đình.

Các nhà quan sát cho biết, cho đến nay, phản ứng của Trung Quốc đối với thách thức thanh niên thất nghiệp là kiên quyết theo kiểu cũ.

Bà Michelle Mengsu Chang, một thành viên về kinh tế Trung Quốc tại Hiệp hội Châu Á, cho biết Bắc Kinh đã sử dụng chiến thuật tương tự vào những năm 1970 khi hàng triệu thanh niên trở về thành phố sau các chương trình phục hồi nông thôn trên khắp đất nước. Trung Quốc không có khu vực tư nhân vào thời điểm đó và các doanh nghiệp tập thể thuộc sở hữu nhà nước không thể tiếp nhận nhiều công nhân thất nghiệp.

Nhưng đối với thời đại mới thì phản ứng cũng cần phải khác đi, theo bà Chang.

Có thể bạn quan tâm: 

"Mua một tặng một": Bất động sản Trung Quốc sụt giảm sâu

Nguồn Nikkei Asia