Nhà kinh tế học người Pháp Jean Tirole là chủ nhân của giải thưởng Nobel Kinh tế năm nay. Và Ủy ban Nobel đã dành ra 52 trang báo cáo khoa học tóm tắt của mình chỉ đều liệt kê những ý tưởng tuyệt vời của Tirole. Ngay cả khi đó, các tác giả biên tập báo cáo này vẫn ngỏ ý xin lỗi: "Thật khó để nói hết những công việc đồ sộ của ông (Tirole) chỉ với vài dòng mở đầu ngắn ngủi".
Một trong những ý tưởng tuyệt vời rút ra từ công việc đồ sộ của Tirole là lý thuyết về "hội nhập dọc" và "hội nhập ngang" của doanh nghiệp có sức mạnh trên thị trường.
Thông thường, mối lo ngại chính của các Chính phủ là hiện tượng "hội nhập ngang", khi một công ty mua một hoặc nhiều công ty khác có hoạt động kinh doanh tương tự trong ngành.
Tuy nhiên, rủi ro cũng xuất hiện đối với hình thức "hội nhập dọc" khi công ty độc quyền trong một công đoạn nào đó trong chuỗi sản xuất liên kết với các công ty ở những công đoạn khác để gia tăng sức mạnh trên thị trường.
Trong những năm 1970 và 1980, trường phái kinh tế Chicago đã đưa ra lập luận rằng, cho phép tăng cường độc quyền bằng "hội nhập dọc" là điều không hợp lý vì khi đó, một công ty có thể thu được tất cả lợi nhuận nhờ sức mạnh thị trường của mình mà không cần sáp nhập với bất kỳ nhà cung cấp nào khác. Lý thuyết của trường phái Chicago đã tác động mạnh mẽ và khiến cho Bộ Tư pháp Mỹ chuyển "hội nhập dọc" từ trạng thái xem xét cẩn trọng sang đối tượng bắt buộc phải tuân theo những hướng dẫn sáp nhập hoặc mua lại cụ thể.
Tirole là một trong số các nhà kinh tế đã vận dụng lý thuyết trò chơi để chứng minh rằng, trong thực tế doanh nghiệp có thể tạo ra lợi nhuận lớn hơn bằng cách tăng cường sức mạnh thị trường bằng cách tăng cường liên kết với chuỗi sản xuất trên thị trường.
Chẳng hạn, một công ty sở hữu bằng sáng chế về một công nghệ đổi mới giúp cắt giảm chi phí. Nếu bằng sáng chế đó được bán cho tất cả các công ty khác, thì toàn xã hội sẽ thu được lợi ích. Tuy nhiên, chủ sở hữu bằng sáng chế đó có thể kiếm được nhiều lợi nhuận hơn bằng cách bán sáng chế độc quyền cho một công ty đối tác duy nhất. Sau đó, công ty này vận dụng công nghệ, cắt giảm chi phí và định giá bán thấp hơn so với các đối thủ cạnh tranh để chiếm lĩnh thị trường. Theo Tirole, cuối cùng có thể công ty sở hữu bằng sáng chế đầu tiên sẽ phải mua lại chính đối tác duy nhất của mình.
Kết quả tiêu cực của hành vi trên là sẽ có ít cạnh tranh hơn trên thị trường và giá bán ra có thể cao hơn. Ngược lại, mặt tích cực đó là "hội nhập dọc" có thể khuyến khích đổi mới. "Do đó, Luật Cạnh tranh phải cân nhắc hai tác động trái ngược này", theo báo cáo về giải thưởng Nobel Kinh tế 2014 của Ủy ban Nobel.
Ủy ban Nobel giải thích: "Những phân tích của Tirole về quan hệ trong thỏa thuận hội nhập dọc nhanh chóng được giới học thuật chấp nhận và những phân tích đó đã đóng góp một phần quan trọng cho các chính sách cạnh tranh, đặc biệt tại Mỹ".
Lawrence White (nguyên kinh tế trưởng bộ phận chống độc quyền của Bộ Tư pháp Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Reagan trong hai năm 1982 và 1983) đánh giá: Nobel Kinh tế 2014 trao cho Tirole "là giải thưởng rất xứng đáng".
Ông White cho biết, lý thuyết của Tirole và các đồng nghiệp trong cùng lĩnh vực nghiên cứu về Tổ chức ngành đã ảnh hưởng đến luật chống độc quyền tại Mỹ và thương vụ mua lại NBC Universal của Comcast. Comcast là doanh nghiệp có sức mạnh thị trường cung cấp tín hiệu, đã mở rộng tầm ảnh hưởng của mình bằng cách mua lại một nhà cung cấp nội dung lớn - NBC Universal.
Theo Bloomberg, thỏa thuận giữa NBC Universal và Comcast đã được phê duyệt của Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ phê duyệt vào năm 2011. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu Comcast từ bỏ quyền kiểm soát dịch vụ video trực tuyến Hulu mà NBC cùng chia sẻ với Fox và ABC. Đồng thời, Bộ Tư pháp Mỹ cũng thiết lập các điều kiện để Comcast chia sẻ các chương trình của NBC với các đối thủ cạnh tranh trực tuyến cũng như các đối thủ cạnh tranh truyền thống như Dish Network và DirecTV.
Nguồn Theo DVO/ Businessweek