Thứ Hai | 28/05/2012 08:07

Thụy Sĩ lên kế hoạch cho sự đổ vỡ của eurozone

Thụy Sỹ đang xem xét việc kiểm soát vốn để kiềm chế sự tăng giá mạnh của nội tệ trong trường hợp khu vực đồng euro (eurozone) sụp đổ.
Mối lo ngại về sự bất ổn của khu vực đồng euro tăng cao trong những tuần gần đây đã đặt áp lực lên đồng nội tệ của Thụy Sĩ. Trong nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng và tình trạng giảm phát do đồng tiền lên giá, Ngân hàng trung ương Thụy Sỹ (SNB) đã thiết lập tỷ giá 1,20 franc/euro từ ngày 6/12 năm ngoái. Tuy nhiên, đồng franc vẫn cao hơn 30% so với giai đoạn trước khủng hoảng, tác động tiêu cực tới người xuất khẩu và ngành du lịch.

Thụy Sỹ đang xem xét việc kiểm soát vốn để kiềm chế sự tăng giá mạnh của đồng nội tệ trong trường hợp khu vực đồng euro (eurozone) sụp đổ.

Kiểm soát vốn - công cụ tác động trực tiếp đến luồng vốn vào là một biện pháp triệt để mà quốc gia này đã không sử dụng từ những năm 1970. Kiểm soát vốn cũng là cách làm truyền thống giúp Thụy Sĩ có nơi trú ẩn an toàn trong thời gian bất ổn kinh tế và chính trị.

Nick Hayek, CEO của Swatch Group, hãng sản xuất đồng hồ nổi tiếng của Thụy Sĩ hôm thứ 7 (26/5) đã nhận định đồng franc nên ở mức 1,30-1,35 franc/euro. Tuy nhiên, SNB đã mất đi cơ hội thay đổi mức trần trong cuộc chuyển giao quyền lực thời gian trước.

Trong những năm 1970, Thụy Sĩ đã sử dụng biện pháp tiêu cực như cấm nước ngoài đầu tư vào chứng khoán và bất động sản, giảm lãi suất tiền gửi nước ngoài nhưng cả 2 biện pháp này đều không ngăn chặn được sự tăng giá của đồng nội tệ.

Thụy Sĩ - quốc gia không phải là thành viên của liên minh châu Âu - từng được xem như là thiên đường của sự ổn định kinh tế và chính trị giờ đây đang đứng trước nguy cơ bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro. Tăng trưởng của quốc gia này phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu, đồng franc tăng sẽ cản trở hoạt động xuất khẩu, nhất là trong khi kinh tế khu vực đồng euro - đối tác thương mại lớn nhất của Thụy Sĩ rơi vào suy thoái.

Do mối đe dọa từ sự sụp đổ của khu vực đồng tiền chung châu Âu, đầu năm 2012 Thụy Sĩ đã thiết lập một nhóm các chuyên gia để đánh giá các tình huống nếu kịch bản này xảy ra và các biện pháp kiểm soát đồng nội tệ. Nhóm này bao gồm Thống đốc ngân hàng trung ương Thụy Sĩ Thomas Jordan, Bộ trưởng Tài chính Evelyne Widmer-Schlumpf và Trưởng bộ phận điều chỉnh ngành dịch vụ tài chính Anne Héritier Lachat.

Thống đốc ngân hàng Jordan cũng cho biết các bộ trưởng Tài chính từ 17 quốc gia châu Âu đang đẩy mạnh kế hoạch dự phòng cho kịch bản Hy Lạp rời khỏi đồng euro.

Hy Lạp đóng góp chỉ hơn 2% kinh tế eurozone, nhưng theo ước tính của Viện Tài chính quốc tế (IIF), những thiệt hại từ sự kiện nước này rời eurozone sẽ không thể kiểm soát được và rất có thể chi phí sẽ vượt 1 nghìn tỷ euro (tương đương 1,25 nghìn tỷ USD).  

Giới phân tích nhận định việc Hy Lạp rời eurozone có nguy cơ sẽ tạo hiệu ứng domino sang một số thành viên cũng đang gặp khó khăn như Italia, Bồ Đào Nha hay Tây Ban Nha và gây ra thảm họa về kinh tế không chỉ đối với khu vực mà còn cả thế giới.

Trong khi đó, Didier Reynders, Ngoại trưởng kiêm Phó Thủ tướng Bỉ cảnh báo: "Chưa có cuộc họp tầm cỡ toàn khu vực nào được tổ chức để thảo luận về vấn đề. Chúng ta phải làm gì nếu Hy Lạp ra đi. Hiện giờ, việc các ngân hàng trung ương và doanh nghiệp chưa sẵn sàng cho kịch bản Hy Lạp ra đi sẽ gây ra sai lầm vô cùng nghiêm trọng".

Hầu hết các nhà kinh tế đều đồng ý rằng các biện pháp thắt lưng buộc bụng của Hy Lạp là không thể thực hiện bởi điều này chỉ khiến Hy Lạp lấn sâu hơn vào cơn suy thoái và các món nợ sẽ khó thanh toán hơn.

Peter Bofinger – 1 trong 5 tư vấn viên kinh tế cho chính phủ Đức cho rằng châu Âu nên đàm phán lại các gói cứu trợ cho Hy Lạp bởi nếu không kiểm soát được việc rời khỏi eurozone của nước này, rất có thể thị trường tài chính châu Âu sẽ phải gánh chịu “cú sốc Lehman Brothers”.

Nguồn CNBC/DVT


Sự kiện