Trong vài thập kỷ qua, người Thái đã thể hiện sự yêu thích ngày càng tăng đối với thực phẩm Nhật Bản. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Hải Miên Thứ Năm | 07/12/2023 10:20

Thủy sản Nhật tràn ngập tại Thái Lan

Nhu cầu đối với cá tươi Nhật từ khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng mạnh nhờ người tiêu dùng, kinh tế và cơ sở hạ tầng phát triển.

Nỗ lực mở rộng thị trường tại Đông Nam Á của ngành thủy sản Nhật đang được chào đón nồng nhiệt tại Thái Lan, trong bối cảnh nhu cầu nội địa suy yếu vì dân số giảm.

 

Theo Bộ Nông nghiệp, Lâm nghiệp và Thủy sản, xuất khẩu hải sản của Nhật sang Thái Lan lên tới 23,5 tỉ yen (158 triệu USD) vào năm 2022, tăng 14,6% so với năm trước. Tuy nhiên chỉ bằng 27% giá trị xuất khẩu hải sản của Nhật sang Trung Quốc và cũng thấp hơn giá trị xuất khẩu sang Mỹ và Đài Loan.

Trong vài thập kỷ qua, người Thái đã thể hiện sự yêu thích ngày càng tăng đối với thực phẩm Nhật. Theo văn phòng JETRO, tổ chức xúc tiến thương mại của Nhật, Thái Lan có 5.325 nhà hàng Nhật vào năm 2022, tăng mạnh so với 745 nhà hàng vào năm 2007.

Ông Hiroki Taniguchi, Giám đốc JETRO tại Bangkok cho biết: “Có dữ liệu cho thấy ẩm thực yêu thích thứ 2 của người Thái là món Nhật, sau món Thái”.

Uoriki, một công ty bán buôn và bán lẻ Nhật kinh doanh cá tươi và sushi, ngày 30/10 đã khai trương một cửa hàng trong siêu thị lớn Lotus's ở Bangkok. Nhím biển, sashimi sò điệp, sushi các loại, mà cửa hàng này cung cấp đã thu hút sự chú ý của người mua.

Uoriki và Tập đoàn Charoen Pokphand của Thái Lan đã thành lập liên doanh để mở và vận hành các cửa hàng cá và hải sản tươi sống tại nước này. Chủ tịch Uoriki Masayuki Yamada cho biết: “Thái Lan có hứng thú với hoạt động kinh doanh của chúng tôi vì người Thái thích cá tươi và đồ ăn Nhật".

Theo Uoriki, Tập đoàn CP dự kiến ​​mở 10 cửa hàng vào năm tới và 100 cửa hàng trong vòng 5 năm tới.

Thế mạnh của cá Nhật là chất lượng cao, bao gồm cả độ tươi ngon. Có vẻ như cá hồi Nhật đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng Thái Lan vì loại cá này có thịt chắc và nhiều mỡ, đặc biệt khi được nuôi ở eo biển Tsugaru giữa Aomori và Hokkaido. 

CP-Uoriki ở Bangkok bán các đĩa sushi đóng gói cùng với các sản phẩm tươi sống.
CP-Uoriki ở Bangkok bán các đĩa sushi đóng gói cùng với các sản phẩm tươi sống.

Trang trại cá hồi Nhật, một công ty ở Fukaura, quận Aomori, cho biết vùng biển lạnh giữa Aomori và Hokkaido thích hợp để nuôi cá hồi. Công ty sử dụng các kỹ thuật độc quyền để duy trì độ tươi và cải thiện hương vị, đồng thời phát triển thức ăn riêng và đưa ra công nghệ tái tạo màu sắc tươi của thịt khi cá được vận chuyển sang các quốc gia khác và rã đông.

Trang trại cá hồi Nhật, nơi đã sản xuất 1.600 tấn cá hồi trong năm nay, đang nhắm mục tiêu 3.000 tấn vào năm tới. Công ty mẹ của Trang trại cá hồi Nhật là Okamura Foods, một doanh nghiệp nuôi cá hồi và chế biến hải sản; được niêm yết trên Sở Giao dịch Chứng khoán Tokyo vào tháng 9.

Ông Koichi Okamura, Chủ tịch của Okamura Foods, cho biết: “Mặc dù ngành đánh bắt cá được cho là đang suy giảm ở Nhật nhưng nó lại được coi là đang phát triển trên toàn cầu".

Công ty đặt mục tiêu một ngày nào đó sẽ bán được 20% sản phẩm của mình với số lượng lớn tại các nhà hàng và cửa hàng bán lẻ ở nước ngoài, chủ yếu ở Đông Nam Á.

Ông Naotomo Nakahara, Giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Hàng hải Tokyo, nhận thấy các dấu hiệu cho thấy nhu cầu hải sản Nhật của khu vực Đông Nam Á sẽ tăng lên.

Ông nói: “Nhu cầu đối với cá tươi Nhật từ khu vực Đông Nam Á dự kiến tăng mạnh nhờ một số yếu tố, chẳng hạn như sức mua của người tiêu dùng ngày càng tăng và khẩu vị ngày càng đa dạng đi kèm với sự phát triển kinh tế, chưa kể đến cơ sở hạ tầng được cải thiện hỗ trợ vận chuyển, có thể giữ cho thực phẩm được tươi ngon".

Có thể bạn quan tâm:

 Bước ngoặt chuyển đổi xanh cho ngành dầu

Nguồn Nikkei Asia