Thủ tướng Thụy Điển, bà Magdalena Andersson cho biết: "Những người theo Đảng Dân chủ nghĩ rằng điều tốt nhất cho an ninh của Thụy Điển là tham gia NATO".

 
Mỹ Quyên Thứ Hai | 16/05/2022 12:59

Thụy Điển và Phần Lan sẽ nộp đơn gia nhập NATO

Việc gia nhập sẽ tăng gấp đôi biên giới tiếp giáp giữa liên minh NATO và Nga, đồng thời thay đổi địa chính trị của châu Âu.

Thụy Điển sẽ từ bỏ 200 năm không liên kết quân sự (không thuộc hoặc chống lại bất kỳ khối cường quốc lớn nào) và xin gia nhập NATO cùng với nước láng giềng Phần Lan, một động thái có thể thay đổi địa chính trị của châu Âu và nhấn mạnh những hậu quả không mong muốn của cuộc tấn công Ukraine của Tổng thống Vladimir Putin.

Trong một ngày quan trọng đối với các quốc gia Bắc Âu, hôm 15/05, Phần Lan cho biết họ sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO trong những ngày tới, trong khi Thụy Điển phá vỡ truyền thống và nói rằng họ sẽ làm theo.

Cuộc chiến tranh tàn bạo ở Ukraine đã làm đảo lộn tư duy an ninh trong nhiều thập kỷ ở hai nước Bắc Âu. Tổng thống Phần Lan, ông Sauli Niinistö gọi đó là “ngày lịch sử”, nói rằng “một kỷ nguyên mới đang mở ra”.

Thụy Điển bày tỏ quan điểm dè đặt trước việc triển khai vũ khí hạt nhân và các nước ngoại quốc đặt căn cứ trên đất của họ. Phần Lan cho biết họ sẽ không áp đặt bất kỳ điều kiện nào.

Việc Phần Lan và Thụy Điển trở thành thành viên của NATO sẽ là một trong những hậu quả quan trọng và sâu rộng nhất của cuộc chiến tranh quy mô toàn diện của Nga chống lại Ukraine, với dư luận ở cả hai quốc gia đồng loạt ủng hộ động thái như vậy kể từ tháng Hai.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO
Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg. Ảnh: NATO

Việc gia nhập tiềm năng của hai quốc gia sẽ thay đổi kiến trúc an ninh ở Bắc Âu và giúp liên minh bảo vệ các nước Baltic dễ dàng hơn. Đồng thời tăng gấp đôi chiều dài biên giới của NATO với Nga.

Tổng thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg, cho biết trong giai đoạn tạm thời, NATO sẽ xem xét đảm bảo an ninh, bao gồm tăng cường sự hiện diện của NATO ở khu vực Baltic, trong và xung quanh Phần Lan và Thụy Điển.

Các ngoại trưởng NATO đã dành ngày 15/05 để thảo luận về cuộc chiến ở Ukraine và cách tăng cường viện trợ cho chính quyền ở Kyiv, đồng thời trao đổi về chiến lược mới của NATO trước hội nghị thượng đỉnh của liên minh ở Madrid vào tháng Sáu.

Điều này sẽ xác định những thách thức an ninh mà Nato phải đối mặt và vạch ra các nhiệm vụ chính trị và quân sự mà NATO sẽ thực hiện để giải quyết chúng.

Có thể bạn quan tâm:

 Các nhà khoa học trồng cây thành công với đất lấy từ Mặt trăng.