Thương mại Thái Lan suy yếu do bất ổn chính trị
Cụ thể, xuất khẩu nông sản trong tháng 5 giảm 3,5% và 6,4% trong 5 tháng đầu năm 2014 do nhu cầu trên thị trường quốc tế suy yếu; giá cao su, đường giảm, và nguồn cung tôm thiếu.
Trong khi đó, xuất khẩu cao su giảm 23% do các thị trường nhập khẩu như Trung Quốc, Malaysia và Nhật Bản ngừng đặt hàng trong bối cảnh lượng tồn kho cao. Xuất khẩu đường giảm 23%.
Thái Lan là một trong những nước xuất khẩu tôm lớn nhất thế giới nhưng dự trữ tôm của nước này lại bắt đầu giảm kể từ năm 2012 do bị nhiễm bệnh EMS - hiện tượng tôm chết sớm.
Theo Hiệp hội Tôm Thái Lan, năm 2013, sản lượng tôm của nước này giảm 54% xuống 250.000 tấn, kéo thị phần tôm trên thị trường Mỹ giảm xuống 22% trong năm 2013 so với 36% năm 2011.
Gần đây, ngành thủy sản của Thái Lan phải đối mặt với thách thức mới khi bị tố cáo đã lạm dụng lao động, đặc biệt là trong lĩnh vực sản xuất tôm xuất khẩu. Tuy nhiên, các hãng chế biến hải sản và thực phẩm lạnh của Thái Lan lại phủ nhận cáo buộc này.
Tuần trước, Mỹ đã hạ chất lượng hàng thủy sản của Thái Lan xuống mức thấp nhất cùng với Hàn Quốc, Cuba và Iran nhưng theo một số chuyên gia, việc này sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu của Thái Lan trong ngắn hạn.
Mặc dù nhìn chung, xuất khẩu hàng hóa nông sản của Thái Lan giảm nhưng xuất khẩu gạo lại tăng 14,8% xét về giá trị và 67,3% xét về khối lượng giao dịch so với cùng kỳ năm ngoái nhờ giá cả cạnh tranh và đồng baht suy yếu.
Bên cạnh đó, nhập khẩu của Thái Lan giảm 9,32% xuống 20,2 tỷ USD do nhu cầu tiêu thụ xe cơ giới và các phụ tùng, hàng hóa vốn giảm, ghi nhận10 tháng giảm liên tiếp. Tuy nhiên, tốc độ giảm đã chậm lại từ tháng 4 nhờ nhập khẩu nhiên liệu và hàng hóa tiêu dùng tăng.
Xuất khẩu và nhập khẩu của Thái Lan đều giảm khiến thâm hụt thương mại tháng 5 giảm xuống 809 triệu USD, thấp hơn nhiều so với 1,45 triệu USD trong tháng 4.
Đơn vị chiến lược kinh tế TISCO của Thái Lan nhận định, xuất khẩu sẽ phục hồi trong nửa sau của năm 2014 nhờ nền kinh tế toàn cầu được cải thiện.