Thương mại Nhật - Trung không còn phụ thuộc vào đồng USD
Phương thức giao dịch trực tiếp giữa Nhật Bản và Trung Quốc sẽ có khác biệt so với các thị trường khác. Trung Quốc sẽ xác định tỷ giá theo ngày với biên độ dao động là 3% (biên độ dao động tỉ giá giữa đồng NDT và USD được ấn định là 1%). Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cùng ngày cũng đưa ra tỷ giá 7,948 NDT đổi lấy 100 yên. Trong khi đó, trên thị trường Tôkyô, tỷ giá giữa đồng NDT - yên lại được thả nổi.
Chấm dứt sự lệ thuộc vào đồng USD
Thỏa thuận trao đổi trực tiếp tiền tệ đã được các nhà lãnh đạo hai nước thông qua từ tháng 12 năm ngoái. Thỏa thuận cũng cho phép Nhật Bản mua lại nợ chính phủ Trung Quốc và bao gồm một số điều khoản nhằm thúc đẩy thương mại tự do giữa Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc.
Cho đến nay, tỷ giá đồng yên và nhân dân tệ vẫn được tính toán đồng USD. Do đó, động thái mới này của Bắc Kinh và Tokyo được kỳ vọng sẽ thu hẹp sự chênh lệch trong thương mại, làm giảm chi phí giao dịch đồng thời cho phép giải quyết trực tiếp thêm nhiều hợp đồng thương mại.
Đây cũng là lần đầu Trung Quốc cho phép một loại ngoại tệ ngoài đồng USD được giao dịch trực tiếp với đồng nhân dân tệ. Ước tính, khoảng 60% thương mại hai chiều hiện vẫn được tính bằng đồng USD. Nhờ trao đổi trực tiếp giữa đồng yên và nhân dân tệ, doanh nghiệp Nhật Bản và Trung Quốc có thể giảm rủi ro gắn với những biến động tỷ giá liên quan đến đồng USD và giảm chi phí giao dịch trung gian qua đồng USD.
Động thái lần này không những tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động thương mại hai nước mà còn giúp Trung Quốc nâng cao vị thế của đồng nhân dân tệ trở thành đồng tiền quốc tế, ngang hàng với đồng USD.
Bên cạnh ý nghĩa kinh tế, ý nghĩa chính trị của việc giao dịch trực tiếp tiền tệ cũng rất đáng kể. Vào thời điểm quan hệ Trung Quốc và Nhật Bản vẫn còn nhiều tranh chấp trong thương mại và chính trị, việc hợp tác về tiền tệ như trên buộc hai nước phải tăng cường sự tin cậy lẫn nhau.
Tham vọng của Bắc Kinh
Chuyên gia kinh tế tại Credit Agricole CIB, ông Dariusz Kowalczyk cho biết: "Động thái này là một phần trong chiến lược rộng hơn của Trung Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc vào USD. Sở dĩ đồng yên được chọn làm đối tượng giao dịch trực tiếp với đồng nhân dân tệ là do Nhật Bản và Trung Quốc có lượng giao dịch thương mại khá lớn."
Các phân tích cho rằng Bắc Kinh đang có tham vọng biến đồng nhân dân tệ thành một loại tiền tệ dự trữ quốc tế cạnh tranh với đồng USD. Trung Quốc hiện đã ký thoả thuận trao đổi tiền tệ với 16 ngân hàng trung ương trên thế giới, trong đó có các thành viên khối BRIC (gồm Braxin, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc).
Theo các chuyên gia kinh tế, lợi ích của việc trao đổi trực tiếp tiền tệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản không chỉ gói gọn trong khuôn khổ quan hệ song phương, mà còn làm suy giảm vai trò của USD và euro, vừa tạo đà gây dựng vai trò mạnh mẽ hơn nữa trên thế giới cho đồng tiền Trung Quốc.
Ngân hàng HSBC dự đoán đến năm 2015, đồng nhân dân tệ sẽ trở thành đồng tiền phổ biến thứ ba trong các dịch vụ thương mại quốc tế.
Hiện tại, Bắc Kinh cũng đang cố gắng đạt được thảo thuận với một số quốc gia khác như Malaysia, Belarus, Argentina về việc sử dụng đồng nhân dân tệ trong giao dịch và các hoạt động thương mại.
Nguồn Reuters/DVT