Doanh số của Apple tại Trung Quốc còn lớn hơn thị trường Mỹ. Ảnh: Bloomberg

 
Kim Minh Thứ Ba | 01/05/2018 12:56

Thương mại Mỹ-Trung: "Lạc quan trong dè dặt"

Vì đây là cuộc chiến của hai siêu cường để thống trị trong một thế giới ngày càng phân cực và không ai muốn thua cuộc.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho biết ông “lạc quan một cách dè dặt” về những cuộc thảo luận thương mại giữa giới chức Hoa Kỳ và Bắc Kinh tại Trung Quốc vào ngày 3 và 4 tháng 5 năm nay.

Ông Mnuchin cho biết các giới chức Mỹ dự trù nêu lên quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ chung và liên doanh với các giới chức Trung Quốc dịp này. “Chúng ta mong muốn có những cuộc thảo luận thẳng thắn về thương mại, về các vấn đề mất cân bằng mậu dịch,” ông Mnuchin phát biểu.

Trung Quốc cho biết sẵn sàng thương thuyết với Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Donald Trump đề nghị áp đặt thuế quan lên 50 tỉ USD hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc và đe dọa áp đặt thuế quan bổ sung thêm 100 tỉ USD. Trung Quốc đáp trả rằng sẽ đánh thuế nhập khẩu lên các sản phẩm của Mỹ. 

Bộ trưởng Tài chính Mỹ sẽ cùng với Đại diện Thương mại Robert Lighthizer, cố vấn thương mại Tòa Bạch Ốc Peter Navarro và cố vấn kinh tế Nhà trắng Larry Kudlow tham gia chuyến đi quan trọng tới Bắc Kinh lần này. Ông Mnuchin cũng cho biết Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cũng tham dự hội nghị tuần này.

Tâm điểm của cuộc đối đầu thương mại với Trung Quốc làn này là Hoa Kỳ cảm thấy không công bằng và cho rằng chính công nghệ của Mỹ đã tạo cho Trung Quốc một lợi thế không công bằng trong cuộc chơi đổi mới toàn cầu.

Quay trở lại những năm cuối thập niên 80, khi Trung Quốc mở cửa dưới sự lãnh đạo của Đặng Tiểu Bình đã đạt được nhiều thành tựu như Viện Nghiên cứu Kinh tế Quốc tế Petersen chỉ ra:

-GDP tăng trung bình 10% hằng năm biến Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới

-800 triệu người thoát nghèo

-Tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi giảm một nửa từ 2006 đến 2015.

Trong số những mức tăng trưởng này, có rất nhiều thứ bắt nguồn từ sự bùng nổ sản xuất những năm 1970 và 80. Hoa Kỳ cho rằng Trung Quốc ép các công ty Mỹ muốn tiếp cận lao động giá rẻ phải liên kết với các công ty trong nước - điều này cho phép họ sao chép và ăn cắp ý tưởng của Mỹ một cách hiệu quả.

Nhưng thực tế là Trung Quốc đang dẫn đầu cuộc đua mà không cần sự cho phép của Mỹ. Trong Kế hoạch 5 năm lần thứ 13 công bố năm 2016, Trung Quốc tuyên bố tầm nhìn của nước này là trở thành một "quốc gia của những sáng chế" năm 2020, một "quốc gia đi đầu trong lĩnh vực sáng chế quốc tế" năm 2030, và một "siêu cường thế giới về khoa học và sáng chế công nghệ năm 2050".

Trung Quốc đang chi nhiều tiền hơn cho nghiên cứu và phát triển, và đang đăng ký cấp hàng ngàn bằng sáng chế. Một số công ty Trung Quốc đang là công ty hàng đầu thế giới về đổi mới, trí tuệ nhân tạo và tham gia nghiên cứu công nghệ mới.

Thuong mai My-Trung:

Trung tâm Thương mại Châu Á nhận định rằng Trung Quốc phải quan tâm đến những áp đặt thuế quan của Hoa Kỳ. Bởi vì, những áp thuế này sẽ tác động đến người dân và một số công ty Trung Quốc có thể sẽ phá sản nếu mức thuế 25% được thực thi và nếu biện pháp "ăn miếng trả miếng" xảy ra.

Liệu áp thuế của Mỹ sẽ thúc đẩy Trung Quốc thay đổi? Về ngắn hạn, mức thuế quan "có khả năng gây tổn hại cho Trung Quốc do thiếu tiếp cận thị trường," nhưng sẽ không làm thay đổi nhiều luật sở hữu trí tuệ của Trung Quốc. Về dài hạn, nó có thể sẽ thúc đẩy Bắc Kinh từ bỏ một số quy định, bao gồm những yêu cầu với các công ty nước ngoài muốn liên doanh và chuyển giao công nghệ. 

Tuy nhiên, đây là cuộc chiến của hai siêu cường để thống trị trong một thế giới ngày càng phân cực và không ai muốn thua cuộc. Vì thế, sự "dè dặt" của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin là có thể hiểu được.