Thứ Năm | 30/08/2012 08:45

Thương mại châu Á đối mặt với “thập kỷ mất mát”

Các công ty phương Tây trong lĩnh vực sản xuất có xu hướng chuyển về gần thị trường bản địa khi chi phí vận tải và giá nhân công châu Á tăng.
Xu hướng này có thể coi là bất lợi không chỉ cho các doanh nghiệp vận tải châu Á mà cho thương mại của châu Á nói chung. Giới phân tích cảnh báo, trong những năm tới, lượng trao đổi thương mại ở châu Á hoặc giữ nguyên hoặc thậm chí giảm mạnh.

Trong báo cáo mới công bố tuần này, ngân hàng đầu tư Australia, Macquarie, cảnh báo, thương mại châu Á, đặc biệt là ngành dịch vụ vận tải biển sẽ đối mặt với “thập kỷ mất mát”. Chi phí nhân công và các chi phí khác ở châu Á đồng loạt tăng khiến các trung tâm sản xuất của châu Á không còn hấp dẫn như trước kia.

Theo Macquarie, tình trạng các công ty của Mỹ và châu Âu chuyển về gần thị trường bản địa sẽ diễn ra ở diện rộng hơn và giai đoạn chuyển gia công sản xuất từ Bắc Mỹ, châu Âu sang châu Á hiện giờ gần như kết thúc. Chuyên gia kinh tế tại Société Générale ở Hong Kong, ông Yao Wei nhận định, ngày càng nhiều doanh nghiệp Mỹ cho biết họ muốn chuyển hoạt động của họ về Mỹ.

Trung Quốc, nước vốn được coi là công xưởng của thế giới, có thể là nơi xu hướng chuyển dịch diễn ra mạnh mẽ nhất. Các doanh nghiệp nước ngoài bắt đầu rút dần khỏi Trung Quốc để trở lại phương Tây hoặc chuyển sang các nước có chi phí rẻ hơn ở Đông Nam Á.

Điều này sở dĩ do chi phí tiền lương ở Trung Quốc tăng, trong khi nhân dân tệ cũng tăng giá so với hầu hết các đồng tiền chủ chốt khác.

Việc các doanh nghiệp chuyển hướng sản xuất ra khỏi châu Á giải thích cho tình trạng thời gian gần đây, lượng vận tải biển ở các tuyến Đông-Tây giảm mạnh. Thực tế, trong tháng 6, lượng vận tải qua các tuyến đường châu Á sang châu Âu giảm tới 9% một phần do nhu cầu tiêu thụ ở châu Âu giảm vì khủng hoảng, mặt khác do xu hướng chuyển dịch sản xuất.

Nguồn Marketwatch/Khampha


Sự kiện