Thứ Tư | 22/08/2012 20:38

Thượng Hải không thể phục hồi nếu gặp lũ lụt lớn

Thượng Hải đứng đầu danh sách các thành phố bị tàn phá và không thể phục hồi khi hứng chịu các trận lụt lớn.
Trong khi đó, các thành phố châu Âu nằm trong danh sách chịu ảnh hưởng nặng nề của lũ lụt lớn lại đứng đầu nhóm phục hồi nhanh chóng sau thiên tai, theo một công trình nghiên cứu mức độ tổn thương trước lũ lụt tại 9 thành phố ven biển lớn nhất thế giới.

9 thành phố được xây dựng trên các vùng châu thổ ven sông gồm Casablanca (Morocco), Calcutta (Ấn Độ), Dhaka (Bangladesh), Buenos Aires (Argentina), Osaka (Nhật Bản), Thượng Hải (Trung Quốc), Manila (Philippines), Marseille (Pháp) và Rotterdam (Hà Lan).

Nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan và Đại học Leeds (Anh) không chỉ xem xét khả năng 9 thành phố trên sẽ phải hứng chịu một trận lụt lớn trong 100 năm tới mà còn tính tới những yếu tố xã hội và kinh tế chịu tác động từ thảm họa tự nhiên.

Chỉ số đánh giá mức độ ảnh hưởng của các trận lụt lớn tới các thành phố trên được chia thành 19 yếu tố bao gồm tình hình hoạt động kinh tế trong thành phố, tốc độ phục hồi sau thảm họa và cả những vấn đề xã hội như số lượng khu tránh lũ cho người dân, nhận thức của người dân về nguy cơ hứng chịu lũ lụt, số lượng người khuyết tật trong dân số, cùng khả năng kiểm soát lũ lụt của chính quyền.

Kết quả nghiên cứu chỉ ra rằng siêu đô thị giàu có Thượng Hải của Trung Quốc là thành phố bị tàn phá nặng nề nhất khi hứng chịu lũ lụt lớn. Mức độ ảnh hưởng mà Thượng Hải có nguy cơ đối mặt lớn hơn rất nhiều so với các thành phố có tốc độ phát triển kinh tế chậm hơn như Dhaka của Bangladesh.

Mức độ tổn thương không chỉ tính tới khả năng hứng chịu lũ lụt mà còn đề cập tới tác động của thiên tai tới cộng đồng và hoạt động kinh doanh cũng như mức độ lũ lụt gây gián đoạn hoạt động kinh tế. Ngoài ra cần phải tính tới mức độ chuẩn bị đối mặt với trường hợp xấu nhất như hệ thống chống lũ, các tòa nhà có được thiết kế để dễ dàng dội rửa và sửa chữa, đặc biệt là tốc độ phục hồi sau khi lũ rút.

Thượng Hải đứng đầu trong danh sách chịu thiệt hại nặng nề từ lũ lụt lớn do thành phố này đang phải hứng chịu liên tiếp các trận bão lớn và nền đất đang ngày càng sụt lún nghiêm trọng dưới tác động của hiện tượng mực nước biển dâng.

Ngoài ra, việc phần lớn cư dân sống dọc bờ biển đều nằm trong vùng ngập lụt song Thượng Hải lại dường như không được trang bị các công trình chống lũ đặc biệt là lũ lớn và thiếu khu định cư tạm thời cho người dân khi xảy ra thiên tai.

Trong khi đó, thành phố Dhaka của Bangladesh - khu vực chỉ nằm cách mực nước biển vài mét lại thường xuyên phải hứng chịu các cơn lốc xoáy và lũ lụt, không hề có hệ thống chống lũ và khả năng phục hồi sau lũ là dường như không thể.

Thành phố Manila của Philippines và Calcutta của Ấn Độ cũng "chịu chung số phận" do 2 thành phố này tập trung đông dân cư và liên tiếp gặp bão.

Những thành phố tại châu Âu như Marseille và Rotterdam cũng thường trực nguy cơ hứng chịu lũ lụt cùng với các cơn bão mạnh khủng khiếp, mực nước sông dâng cao và nhiều khu vực nằm ở vị trí thấp.

Tuy nhiên, mức độ tổn thất do lũ lụt của 2 thành phố trên là rất thấp bỏi họ đã được trang bị các cơ sở hạ tầng chống lũ hiện đại và thi hành các quy định chặt chẽ trong hoạt động cấp phép xây dựng tại những khu vực có khả năng ngập lụt.

Bên cạnh việc nghiên cứu tác động của lũ lụt với 9 thành phố trên, các nhà khoa học còn sử dụng kết quả nghiên cứu để dự báo mức độ ảnh hưởng của hiện tượng biến đổi khí hậu tại các thành phố này trong tương lai.

Trong khi mực nước biển được dự báo tiếp tục dâng cao trong vòng 100 năm tới, các chuyên gia Hà Lan và Anh khẳng định Thượng Hải và Dhaka vẫn là 2 thành phố đứng đầu danh sách chịu tác động nặng nề của lũ lụt cho tới năm 2100.

Nguồn Infonet


Sự kiện