AP

 
Thái Bình Thứ Ba | 12/06/2018 08:38

Thượng đỉnh Mỹ-Triều: Ván bài trong tay Kim Jong-un?

Dù chưa biết bên nào sẽ thu về nhiều lợi ích hơn nhưng rõ ràng ván bài do CHDCND Triều Tiên bày ra này đang chứa nhiều yếu tố khó dự đoán.

Vị thế ngang hàng

Bối cảnh chính trị trên Triều Tiên bắt đầu có dấu hiệu thay đổi từ đầu năm 2018 khi nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un bất ngờ tuyên bố sẽ cử vận động viên tham dự Thế vận hội Mùa đông Pyeong Chang tại Hàn Quốc vào tháng 2/2018 và sẽ gặp Tổng thống Hàn Quốc Moon Jea-in vào tháng 4/2018.

Kể từ đó, tình hình trên Triều Tiên đã chuyển thái cực từ đối đầu sang việc tìm kiếm các biện pháp ngoại giao. Sự chuyển biến này có được phần lớn là do sự thay đổi chiến thuật của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un khi mở ra ván bài mới hòng kéo Mỹ vào cuộc chơi bằng cách tiến hành vụ thử tên lửa tầm xa có thể vươn tới lãnh thổ Mỹ vào tháng 11/2017.

Khi mà lợi ích của Mỹ bị đe dọa trực tiếp thì dưới chiếc ô chính sách “Nước Mỹ trên hết”, Tổng thống Donald Trump không thể làm gì khác ngoài việc can dự sâu hơn vào vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Và lời đề nghị đàm phán của Triều Tiên đưa ra vào đúng thời điểm này đã mở ra một cơ hội để Mỹ thể hiện sự can thiệp của mình.

Với Triều Tiên, cho dù chưa biết Hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ mang lại những kết quả cụ thể nào, song riêng việc Tổng thống Donald Trump đồng ý tới Singapore để gặp mặt nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã là một thắng lợi trên mặt trận ngoại giao lẫn đối nội của nước này.

Bằng cách kéo được Tổng thống Mỹ cùng ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên đã chứng tỏ vị thế ngang hàng, và như Tiến sỹ Euan Gramham, Giám đốc Chương trình nghiên cứu an ninh quốc tế của Viện Lowy (Australia) thì thay vì việc gây sức ép một chiều thì nay Mỹ đã phải ngồi vào bàn đàm phán và ‘tìm cách để đối xử với Triều Tiên với tư cách là một quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân”. Không cần bất kỳ sự công nhận hay tuyên bố nào nhưng bước đi chiến thuật mà Triều Tiên tiến hành đang mang lại những giá trị lớn đối với nước này.

Triều Tiên mong muốn gì khi bày ra ván bài này?

Không khó để thấy rằng, Triều Tiên đã đạt được mục đích đầu tiên đó là sự công nhận Triều Tiên là một quốc gia hạt nhân bằng cách Mỹ đồng ý ngồi vào bàn đàm phán song phương. Tiến sỹ Euan Grahm nhận định, bằng cách kéo nhà lãnh đạo Mỹ ngồi vào bàn đàm phán, Triều Tiên vừa có cơ hội để thay đổi quan hệ song phương với Mỹ lại vừa sử dụng Mỹ như là một yếu tố để cân bằng quan hệ giữa Triều Tiên với Hàn Quốc và Triều Tiên với Trung Quốc.

Mục tiêu thứ ba đó là mong muốn Mỹ Mỹ từ bỏ lệnh cấm vận để có thể tiếp cận với các nguồn hỗ trợ tài chính của cộng đồng quốc tế. Đây là mong muốn trong hàng chục năm qua của Triều Tiên song Tiến sỹ Euan Graham nhận định, khác với người tiền nhiệm là cha mình, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, người từng tiếp xúc với xã hội phương Tây trong thời gian học tập tại Thụy Sỹ khi đề cao vấn đề kinh tế hơn bằng cách đặt bên cạnh quân sự và coi đây là hai vấn đề trọng tâm cần được phát triển song hành.

Thuong dinh My-Trieu: Van bai trong tay Kim Jong-un?

Thực tế số liệu thống kê của Ngân hàng Trung ương Hàn Quốc công bố vào tháng 7/2017 cho thấy rõ điều này khi nền kinh tế Triều Tiên đã tăng trưởng 3,9%, tốc độ tăng trưởng cao nhất trong 17 năm qua. Điều đó cho thấy Triều Tiên không chỉ tập trung để tạo ra các kỳ tích trong việc phát triển vũ khí mà còn nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tiến sỹ Euan Graham cũng nhận định, Triều Tiên cũng rất muốn tìm mọi cách nhằm khiến quân đội Mỹ rời khỏi Hàn Quốc. Vì vậy, không loại trừ khả năng Triều Tiên cũng đặt mục tiêu tiến tới việc ký Hiệp định Hòa bình, thay thế cho Hiệp định đình chiến năm 1953 khiến cho quân đội Mỹ không còn vai trò và buộc phải rút quân khỏi Hàn Quốc.

Mục tiêu mà Triều Tiên đặt ra có thể là nhiều như vậy song từ từ việc muốn tới việc có thể làm là điều khác nhau và còn phụ thuộc vào cả Mỹ và Trung Quốc, đối tác không có mặt trên bàn đàm phán nhưng lại có tiếng nói rất quan trọng.