Ảnh: Bloomberg.
Thương chiến không dễ dàng như Trump từng hứa hẹn với cử tri Mỹ
Điều không dễ dàng
Vào tháng 6.2016, ứng cử viên tổng thống Donald Trump đã đứng giữa các kiện nhôm bị nghiền nát và đám đông những người ủng hộ trong một nhà máy bên ngoài Pittsburgh và đưa ra một lời hứa về thương mại mà ít ai nghĩ rằng ông có thể thực hiện được.
“Nếu Trung Quốc không dừng các hoạt động phi pháp của mình, bao gồm cả hành vi trộm cắp bí mật thương mại của Mỹ, tôi sẽ sử dụng mọi luật pháp - điều này là rất dễ dàng. Điều này thật dễ dàng. Tôi thích nói điều này”, ông đã nói với các công nhân tại công ty tái chế Alumisource ở Monessen, Pennsylvania. “Tôi sẽ sử dụng mọi quyền lực hợp pháp của tổng thống để giải quyết các tranh chấp thương mại”.
Ba năm sau, ông Trump dường như đang thực hiện được những cam kết đó. Cuộc tấn công thuế quan của ông Trump chống lại nền kinh tế số 2 thế giới đã cho thấy việc mở rộng quyền lực thương mại thực sự là một điều dễ dàng. Nhưng như các sự kiện trong tuần này cho thấy, việc giành chiến thắng trong một cuộc chiến thương mại chống lại Trung Quốc dường như là một điều khó khăn, chứ không phải dễ dàng như ông Trump từng tweet, và mất nhiều thời gian hơn dự kiến, khi Bắc Kinh hiện có nhiều dấu hiệu kéo dài hơn là đầu hàng”.
Phe diều hâu trong chính quyền Trump đã lý luận kể từ khi vị Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ nhậm chức rằng cách duy nhất để buộc Trung Quốc thực hiện những thay đổi có ý nghĩa là tiếp tục tấn công cho đến khi họ buộc phải đầu hàng. Tuy nhiên, một câu hỏi lớn đặt ra là liệu cách tiếp cận hiếu chiến đó có gây hậu quả lớn cho nền kinh tế toàn cầu hay không.
Thực tế, sau khi ông Trump leo thang chiến tranh thuế quan đối với hàng nhập khẩu của Trung Quốc hồi đầu tháng này và đưa Huawei vào danh sách đen, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi người dân đất nước mình chuẩn bị cho một cuộc Vạn lý Trường chinh mới, nghĩa là một cuộc chiến kéo dài.
Những hy vọng giờ đây dồn cả cuộc họp theo dự kiến giữa ông Trump và ông Tập bên lề Hội nghị thượng đỉnh 20 nhóm cuối tháng 6 tại Nhật Bản. Nhưng người ta cũng không rõ liệu cuộc họp này có diễn ra hay không. Ông Thôi Thiên Khải, đại sứ Trung Quốc tại Mỹ, nói với Bloomberg TV vào ngày 24.5 rằng vẫn chưa có bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào về một cuộc họp như vậy, mặc dù khả năng này vẫn luôn để mở.
“Nếu mọi thứ tiếp tục theo cách chúng đang diễn ra thì tại sao ông Tập lại muốn gặp ông Trump”, ông Jeffrey Schott, một thành viên cao cấp tại Viện kinh tế quốc tế Peterson cho biết. Mỗi ngày qua đi, chia rẽ giữa Mỹ và Trung Quốc dường như ngày một lớn hơn và không có dấu hiệu của bất kỳ sự thuyên giảm nào.
Trung Quốc cũng không phải là bên duy nhất chuẩn bị cho một cuộc chiến thương mại dài hơi. Trong tuần này, ông Trump đã công bố một chương trình viện trợ mới trị giá 16 tỷ USD cho nông dân của mình trong cuộc chiến thương mại, những người mà chỉ vài tuần trước ông đã hứa hẹn với họ rằng một thỏa thuận với Trung Quốc có nghĩa là sẽ có người mua cho các sản phẩm của họ.
Một rủi ro kinh tế và chính trị tiềm năng lớn hơn mà ông Trump hiện đang đối mặt là làn sóng áp thuế quan tiếp theo của ông sẽ tác động đến các mặt hàng tiêu dùng như quần áo trẻ em và điện thoại thông minh nhập khẩu từ Trung Quốc và do đó bao trùm toàn bộ nền kinh tế Mỹ.
Nỗi sợ về giá tăng khiến Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin nhấc điện thoại và nói chuyện với Giám đốc tài chính của Walmart, Brett Biggie, người đã cảnh báo rằng thuế đối với hàng nhập khẩu Trung Quốc sẽ tăng giá cho người tiêu dùng Mỹ.
“Tôi đang theo dõi tình hình này một cách chặt chẽ”, ông Mnuchin nói với Ủy ban Dịch vụ Tài chính Hạ viện Mỹ vào ngày 22.5.
Sự hoài nghi
Mặc dù nhiều người ở Washington tin rằng chính quyền có những lo ngại chính đáng về an ninh, nhưng những hạn chế đối với các công ty Trung Quốc, đặc biệt là Huawei, đã làm dấy lên lo ngại về một cuộc chiến công nghệ lan rộng, có thể phản tác dụng và không có lợi Mỹ.
“Người ta thực sự đang làm gì dưới cái cớ an ninh quốc gia? Chúng tôi không biết”, ông Thôi cho biết hôm 24.5. “Họ có thể thực sự ngăn chặn bước tiến công nghệ của Trung Quốc? Họ có thể tước đi của người khác quyền được hưởng lợi từ các tiến bộ công nghệ? Tôi không nghĩ là như vậy. Và liệu họ có hành động vì lợi ích của người dân Mỹ? Tôi cũng không nghĩ vậy”.
Cuộc chiến leo thang liên quan đến Huawei đã khiến các nhà cung cấp ở Mỹ rơi vào thế kẹt và đặt ra câu hỏi cho một số ngành về những gì mà một số người đã coi là thiệt hại lâu dài không thể tránh khỏi đối với vị thế của họ tại thị trường Trung Quốc béo bở.
John Neuffer, chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp bán dẫn, cho biết các nhà sản xuất chip ủng hộ nỗ lực của Mỹ để củng cố an ninh quốc gia. Nhưng các công ty bán dẫn của Mỹ cũng đã và đang phải đối mặt với “một tác động bất lợi đáng kể và ngay lập tức” từ việc đưa các công ty công nghệ Trung Quốc vào danh sách đen, ông nói.
Khi chơi trò kéo dài, Trung Quốc có thể đang nhìn vào số phiếu thăm dò yếu kém của ông Trump và cố gắng chờ đợi, với hy vọng rằng một ứng viên đảng Dân chủ có thể sẽ đánh bại ông trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông Trump và những người thân cận với ông coi đó là một tính toán sai lầm, miêu tả quan điểm cứng rắn của ông đối với Trung Quốc như một tài sản chính trị.
Sự tự tin đó dường như là quá cường điệu xung quanh thị trấn bên Sông Monongahela nơi ông Trump đề ra chiến lược thương mại của mình trong chiến dịch năm 2016. Ngay cả sau khi Mỹ áp thuế nhập khẩu thép từ Trung Quốc và các nước khác, sự tái sinh công nghiệp ở đó đã không xảy ra như ông đã hứa.
Leanna Spada, Giám đốc Phòng Thương mại Khu vực Mon Valley ở Charleroi, Pennsylvania cho biết: “Chúng tôi thực sự không cảm thấy quá nhiều sự thay đổi liên quan đến sự hồi sinh mà ông ấy đã nói. Có một số người cho rằng điều đó sẽ xảy ra, nhưng một số người vẫn không thể thấy điều đó - điều đó là không khả thi”.