Chủ tịch hội đồng châu Âu, ông Donald Tusk và Tổng thống Trump. Ảnh: AFP.

 
Bá Ước Thứ Năm | 30/05/2019 18:45

Thương chiến của Trump: Mặt trận châu Âu đang dần nóng lên?

Mỹ và Liên minh châu Âu còn quá nhiều bất đồng để có thể đạt được một thỏa thuận thương mại.

Mặc dù Tổng thống Donald Trump hồi đầu tháng này đã quyết định chưa áp thuế quan áp lên ô tô của châu Âu, điều có khả năng làm rúng động nền kinh tế đang gặp khó khăn của khu vực này, một loạt các tình huống khó xử ở cả hai bờ Đại Tây Dương đe dọa cản trở những nỗ lực của hai bên để đạt được một hiệp định thương mại.

Mười tháng sau khi ông Trump và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker thực hiện một thỏa thuận ngừng bắn tại Vườn hồng ở Nhà Trắng, nhằm dọn đường cho các cuộc đàm phán để giảm thuế đối với hàng hóa công nghiệp và xóa bỏ những rào cản pháp lý, những cuộc đàm phán gần đây cho thấy hai bên ít có khả năng đạt được một điều gì có ý nghĩa.

Các quan chức châu Âu đã đổ lỗi rằng chính quyền Trump đã có ít thời gian để đàm phán với Brussels. Ông Trump vốn bị phân tâm vào các sự cố trong các cuộc đàm phán với Trung Quốc và mong muốn đạt một thỏa thuận nhanh chóng với Nhật Bản để xoa dịu những người nông dân tại Mỹ.

“Tôi không nghĩ rằng Mỹ đã sẵn sàng bắt đầu các cuộc đàm phán về thuế quan”, bà Cecilia Malmstrom, Ủy viên thương mại Liên minh châu Âu (EU), nói với các phóng viên ở Paris hồi đầu tháng này sau cuộc gặp với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer.

Tuy nhiên, chính sự phân cực chính trị ngày càng tăng ở châu Âu là điều mà một số người ở Washington coi là dấu hiệu của những trở ngại lớn hơn ngăn hai bên đạt một thỏa thuận.

Heather Conley, người đứng đầu chương trình châu Âu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói rằng: "Những gì bạn thấy là một EU đang phải chiến đấu với những bất ổn về chính trị trên nhiều mặt trận đến nỗi tôi không nghĩ họ sẽ tự tin và có thể đàm phán một thỏa thuận".

Mối đe dọa thuế quan tăng lên

Tổng thống Trump đã đề ra thời hạn 180 ngày để đàm phán với EU và Nhật Bản về việc giảm xuất khẩu ô tô và phụ tùng của họ sang Mỹ, đây là phương thức gây áp lực tăng dần của vị Tổng thống Mỹ với các đối tác thương mại để đạt một thỏa thuận theo mong muốn của ông. Trong chuyến đi gần đây tới Nhật Bản, ông Trump thể hiện rõ là ông rất háo hức để đạt được một vài thỏa thuận nhanh chóng, trong lúc ông sẽ chay đua tái cử chức Tổng thống năm 2020.

Thuong chien cua Trump: Mat tran chau Au dang dan nong len?
Tỷ lệ nhập khẩu ô tô và phụ tùng của Mỹ từ các nước.

Với Nhật Bản, giới phân tích nhận định ông có thể dễ dàng đạt một thỏa thuận.  Tuy nhiên, đối với châu Âu, vấn đề sẽ khó khăn hơn. Hạn chót cho việc đạt thỏa thuận liên quan đến ô tô sẽ đến ngay sau khi ban lãnh đạo mới của Ủy ban châu Âu được thành lập.

Không ô tô và nông nghiệp

Hơn nữa, Đức và Pháp, hai nên kinh tế chủ chốt của EU, dường như ngày càng có nhiều quan điểm xung đột nhau về định hướng kinh tế mà họ muốn áp dụng với châu Âu.

Nước Pháp dưới thời ông Emanuel Macron đã lôi kéo một số quốc gia thành viên EU, phản đối những nỗ lực của Mỹ nhằm đưa nông nghiệp vào bất kỳ cuộc thảo luận xuyên Đại Tây Dương nào. Đàm phán về nông nghiệp là điều Mỹ đặc biệt quan tâm, nhưng với EU đó là một lằn ranh đỏ, như bà Cecilia Malmstrom từng nói rằng: “Nông nghiệp chắc chắn sẽ không nằm trong các cuộc đàm phán này”.

Đức, nước đã xuất khẩu 27,2 tỷ euro ô tô và phụ tùng trong năm 2018, quan ngại nhiều hơn đến mối đe dọa của ông Trump về thuế quan áp lên ô tô hơn là bảo vệ lợi ích cho ngành nông nghiệp của châu Âu. Nước Đức đã tạo ra khoản thặng dư 22 tỷ euro trong thương mại ô tô với Mỹ vào năm ngoái.

Những vòng đàm phán song phương gần đây chỉ đạt được rất ít bước tiến và các quan chức Mỹ đã thậm chí từ chối đàm phán về chủ đề ô tô, theo một nguồn thạo tin nói với Bloomberg.

Các quan chức châu Âu năm ngoái đã đề xuất một kế hoạch giảm thuế áp lên ô tô ở cả hai bờ Đại Tây Dương xuống 0, một sự nhượng bộ mà họ đã làm với Nhật Bản như một phần của hiệp định thương mại EU-Nhật Bản, có hiệu lực vào đầu năm nay. Nhưng điều đó đã bị ông Trump từ chối, cũng theo nguồn thạo tin của Bloomberg.

EU sẽ trả đũa nếu bị áp thuế

Trong các cuộc đàm phán ở Washington và Paris trong tháng này, hai bên đạt được rất ít tiến triển. Như để làm nổi bật khoảng cách giữa hai bên, các quan chức Mỹ trong các cuộc họp tại Washington đã đưa cho phía EU xem văn bản dài 150 trang liên quan đến việc đàm phán với Trung Quốc, theo nguồn thạo tin của Bloomberg. Điều đó có thể tao ra những sự leo thang hơn nữa.

Các quan chức EU đã làm rõ rằng họ sẽ trả đũa nếu bị áp thuế lên ô tô của mình. EU cho biết vào tháng 1 rằng họ sẽ đạt  áp thuế lên 20 tỷ euro sản phẩm của Mỹ nếu ông Trump áp dụng thuế quan lên mặt hàng ô tô.

Với việc Ủy ban châu Âu hiện tại bước vào giai đoạn cuối của nhiệm kỳ, ngành ô tô toàn cầu đối mặt với doanh số suy giảm ở các thị trường như Mỹ và Trung Quốc, và lo ngại về việc nền kinh tế thế giới tăng trưởng chậm lại đang ngày một lớn dần, hai bên sẽ cần đạt một thỏa thuận, Conley, người giám sát các mối quan hệ với EU tại Bộ Ngoại giao Mỹ trong chính quyền của George W. Bush, cho hay.

Thuế quan ô tô của Mỹ cũng sẽ cũng có thể gây ra tác dụng ngược lên chính nền kinh tế số 1 thế giới, nơi chúng bị General Motors và Ford Motors phản đối, và đó có thể là một cái giá mà ông Trump không muốn đối mặt, khi tham gia cuộc bầu cử năm 2020, đặc biệt là tại các bang quan trọng với ông như South Carolina, nơi có nhà máy của các công ty sản xuất ô tô lớn của châu Âu như BMW AG và Volvo AB.

Thuế quan sẽ gây ra những hậu quả to lớn đối với người lao động và nền kinh tế Mỹ cũng như nền kinh tế châu Âu. Ông Conley nói rằng: “Đó là một sự lựa chọn và chắc chắn sẽ gây nhiều hệ quả tiêu cực”.

Nguồn Bloomberg