Ảnh: NYT/Getty.

 
Thúy Nguyễn Chủ Nhật | 09/06/2019 18:25

Thuế quan sẽ chỉ có lợi cho giới giàu có tại Mỹ?

Lịch sử cho thấy các doanh nghiệp lớn thu lợi nhiều nhất khi thuế quan được áp dụng.

Nước Mỹ đang bước vào kỷ nguyên mới về thuế quan. Tổng thống Trump không vội giải quyết tranh chấp thương mại với Trung Quốc, nông dân và các doanh nghiệp đang tìm cách sống chung với điều này trong nhiều tháng hoặc nhiều năm chứ không phải hàng tuần nữa.

Điều này không phải là chưa từng xảy ra. Trong nửa đầu của lịch sử nước Mỹ, thuế quan bảo hộ cao được xem tiêu chuẩn. Ngay cả khi vào thời bấy giờ, thuế quan đã không được đạt những mục tiêu kỳ vọng. Thay vì bảo vệ công nhân và nông dân, theo thời gian, thuế quan đã làm điều ngược lại và các doanh nghiệp lớn là những người hưởng lợi.

Thuế quan đã từng được áp dụng vào thời nước Mỹ mới thành lập: Vào ngày 4/7/1789, Quốc hội thông qua việc áp dụng mức thuế 5% đối với hầu hết các hàng hóa nhập khẩu, với nhiệm vụ đặc biệt là bảo vệ các sản phẩm nội địa như rượu vang và nến. Quy mô và phạm vi áp thuế quan dần tăng vọt về từ sau Nội chiến Mỹ. Đến năm 1912, thuế quan tăng lên mức đỉnh điểm 40% và tạo ra gần một nửa doanh thu liên bang.

Thuế quan đã không tạo ra sự độc quyền của Thời đại Kim tiền (Gilded Age, 1870-1900), nhưng đã hỗ trợ chúng. Các ngành công nghiệp hùng mạnh vận động Quốc hội đưa ra những chế độ đặc biệt với họ, dẫn đến một chế độ thuế quan ủng hộ mạnh mẽ những người có nhiều tiền và địa vị chính trị.

► Mỹ đang triển khai một pháo đài kinh tế để duy trì sức mạnh của mình

Một ví dụ đặc biệt nổi tiếng là những nhà kinh doanh ủy thác đường, những người tao ra một hệ thống phân loại thuế quan, để kiểm soát gần như toàn bộ thị trường sinh lợi cho đường tinh luyện. Họ đã thâu tóm các đối thủ nhỏ hơn, đã hạn chế nguồn cung và đẩy giá lên cao.

Điều tương tự có thể xảy ra một lần nữa. Mặc dù các công ty lớn của Mỹ là luôn mạnh mẽ phản đối cuộc chiến thương mại, họ có nhiều tiền và sức ảnh hưởng để thuyết phục các nhà hoạch định chính sách đưa ra ngoại lệ. Người vận động hành lang cho cả lợi ích trong và ngoài nước đã thúc ép và giành được miễn trừ khỏi luật lệ mới (dù là tạm thời), trong nhiều mặt hàng từ nhôm đến Đồng hồ Apple. Trong khi đó, các nhà sản xuất nhỏ hơn đang phải gặp khó khăn để sắp xếp lại chuỗi cung ứng và giữ chân khách hàng.

Những nông dân trong Thời kỳ Vàng son ghét thuế quan, vì đã làm tăng phí vận chuyển hàng hóa và giá thiết bị, cũng như chi phí của hàng hóa gia dụng hàng ngày.

Điều khiến chủ nghĩa bảo hộ ngày càng có tác động tiêu cực với người dân là vào cuối những năm 1800, nông nghiệp đã gắn chặt với hệ thống tài chính toàn cầu. Hơn 60% hàng xuất khẩu của Mỹ - ngũ cốc từ Iowa và bông từ Arkansas - là nông nghiệp. Đối với nông dân trong thế kỷ 19, việc có thể tiếp cận vào thị trường nước ngoài hay không có thể đồng nghĩa tạo ra sự giàu có hay là lụn bại. Ngày nay, ngành nông nghiệp của Mỹ thậm chí còn gắn bó chặt chẽ hơn với thị trường toàn cầu.

Năm 1912, cơn giận dữ của các chủ trang trại và sự thất vọng người dân đã thúc đẩy không chỉ một cuộc trưng cầu dân ý về thuế quan, mà còn về vai trò của Chính quyền. Đảng Cộng hòa là những người ủng hộ thuế quan mạnh mẽ nhất. Đảng Dân chủ, là những người ủng hộ nông dân, đã phản đối điều này.

► Bất chấp lửa và cuồng nộ, Mỹ và Trung Quốc vẫn tìm cách nối lại đàm phán

Trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1912, Tổng thống Mỹ lúc bấy giờ và thuộc đảng Cộng hòa, ông William Howard Taft, đã phải đón nhận sự giận dữ từ cử tri. Ông đã không thực hiện những cải cách thuế quan mà ông đã hứa khi còn tranh cử.  Khi ấy, Đảng Dân chủ, với quan điểm phản đối thuế quan, đã tuyên bố “thuế quan là một hệ thống đánh thuế làm cho người giàu trở nên giàu hơn và người nghèo càng nghèo hơn”. Họ đã kêu gọi cải cách hệ thống thuế quan trên diện rộng để loại bỏ những bất công. Ông Woodrow Wilson, ứng cử viên Tổng thống của đảng Dân chủ, đã hứa, “và bây giờ chúng ta sẽ đi vào khu vườn này và nhổ cỏ dại”. Và ông Wilson đã đắc cử Tổng thống Mỹ.

Thông điệp từ cử tri Mỹ rất rõ ràng: Chủ nghĩa bảo hộ được thúc đẩy bằng thuế quan đã không còn phù hợp với nền kinh tế Mỹ. Nó góp phần gia tăng của cải và quyền lực vào tay những người đã giàu có, khuyến khích sự thiên vị chính trị và tham nhũng, và đã bỏ mặc công nhân và nông dân.

Năm sau, ông Wilson và Quốc hội Mỹ đã cắt giảm thuế quan từ 41% xuống còn 27%. Bối cảnh kinh tế ngày nay đã khác, nhưng bài học quá khứ vẫn còn rất giá trị. Vào một thời điểm nào đó, chủ nghĩa bảo hộ có thể thuyết phục được cử tri khi các công việc trong các ngành công nghiệp đơn giản được chuyển ra nước ngoài và các trang trại gia đình suy yếu. Nhưng các chính sách thương mại không thể đảo ngược các xu hướng này. Chúng ta không biết liệu cuộc bầu cử năm 2020 sẽ lặp lại những gì đã xảy ra vào năm 1912 hay không? Một điều rõ ràng: các giải pháp chính sách của thế kỷ 19 là không đủ để đáp ứng các vấn đề của nền kinh tế thế kỷ 20. Chúng chắc chắn không thể khắc phục các vấn đề của thế kỷ 21.

Bài viết thể hiện quan điểm của bà Margaret O’Mara, giáo sư lịch sử tại Đại học Washington, là tác giả của cuốn sách sắp xuất bản: “The Code: Silicon Valley and the Remake of America.”

Nguồn NYT