Mặc dù có lợi cho chính phủ, "thuế lạm phát" có thể gây gánh nặng cho người tiêu dùng với những đợt tăng giá không thể kiểm soát.

 
Gia Khánh Chủ Nhật | 04/09/2022 08:00

Thuế lạm phát đạt 4,5 nghìn tỉ USD ở Mỹ

Người tiêu dùng cuối cùng có thể trả ít nợ chính phủ hơn thông qua đồng tiền mất giá.

Khi lạm phát xảy ra, đồng tiền sẽ mất giá. Vậy phần mất đi của người nắm giữ tiền mặt sẽ đi đâu? Câu trả lời đơn giản nhất là sự thất thoát trên được gọi là "thuế lạm phát" và chính phủ của nước đó sẽ nắm giữ phần này.

Lạm phát cao hơn đang làm giảm nợ tồn đọng của Mỹ và các nước châu Âu vì tiền tệ mất giá, tổng cộng giảm đến 4,5 nghìn tỉ USD trong năm 2021 và 2022, theo phân tích dữ liệu kinh tế vĩ mô của Nikkei Asia.

Mặc dù có lợi cho tài chính của chính phủ, "thuế lạm phát" này đi kèm với rủi ro cho người tiêu dùng trừ khi lạm phát được kiềm chế.

Theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ, tổng nợ chính phủ của Mỹ và châu Âu lên tới 40 nghìn tỉ USD vào năm 2020. Dựa trên tỷ lệ lạm phát vào năm 2021 và 2022, Mỹ và Châu Âu đã chứng kiến ​​nợ quốc gia giảm lần lượt 3,2 nghìn tỉ USD và 1,3 nghìn tỉ USD trong hai năm.

 

Lạm phát chính ở Mỹ đã tăng 8,5% trong tháng 7 so với cùng tháng năm 2021, trong khi lạm phát của Eurozone đạt mức cao kỷ lục 8,9% vào tháng 7.

Mức giảm 4,5 nghìn tỉ USD tương đương khoảng 6% tổng sản phẩm quốc nội danh nghĩa* của Mỹ và châu Âu - tương đương với tỷ lệ thuế thu nhập trên GDP của các quốc gia phát triển, ở mức khoảng 8%.

*Tổng sản phẩm quốc nội GDP được tính theo giá thị trường hiện tại.

Ngược lại, Nhật Bản tiếp tục đối mặt với những lo ngại về tài chính khi tỷ lệ lạm phát thấp hơn ở Mỹ và châu Âu, làm giảm quy mô của thuế lạm phát. Với lạm phát xung quanh mức 2%, nợ chính phủ của Nhật Bản đã giảm 200 tỉ USD trong hai năm - ít hơn 1/20 so với tổng số nợ của Mỹ và châu Âu.

Thuế lạm phát bắt đầu trở thành mối quan tâm toàn cầu ngay sau khi Thế chiến thứ II kết thúc.

Nợ chính phủ ở Mỹ tăng cao vào thời điểm đó do chi tiêu chiến tranh khổng lồ. Năm 1946, dư nợ chính phủ tăng gấp 3 lần so với 5 năm trước đó, lên 119% GDP danh nghĩa. Khi chính phủ Mỹ và Cục Dự trữ Liên bang nỗ lực kiềm chế lãi suất, lạm phát tạm thời tăng lên 14%, giúp giảm nợ chính phủ một cách hiệu quả.

Mặc dù nợ chính phủ cũng tăng mạnh ở châu Âu sau Thế chiến thứ II, nhưng Chương trình Phục hồi châu Âu - còn được gọi là Kế hoạch Marshall - được thực hiện trong bối cảnh lạm phát gia tăng với sự hỗ trợ của Mỹ và các tổ chức khác. Tăng trưởng kinh tế đã tăng từ tốc độ trung bình 1% trong những năm 1940 lên khoảng 5% trong những năm 1950 và giúp cải thiện tình hình tài chính ở châu Âu.

Tuy nhiên, vẫn còn phải xem liệu Mỹ và châu Âu có thể lặp lại sự thay đổi như sau chiến tranh hay không.

 

Ông Kazumasa Oguro, Giáo sư tại Đại học Hosei, cho biết: “Rất khó để cải thiện về mặt tài chính chỉ với thuế lạm phát."

Thuế lạm phát làm giảm nợ quốc gia một cách hiệu quả nhưng có thể trở nên nguy hiểm nếu không được xử lý đúng cách. Nếu lạm phát trở nên quá cao, thuế có thể đè nặng lên nền kinh tế và làm xấu đi sức khỏe tài chính tổng thể của một quốc gia.

Trong trường hợp của Mỹ, thuế lạm phát tương đương với mức trung bình 3,5% mỗi năm của GDP từ năm 2021 đến năm 2030. Tỷ lệ này có thể cao hơn tỷ lệ sau chiến tranh, tùy thuộc vào giá tiêu dùng trong tương lai. Ngoài ra còn có nguy cơ "đình lạm", như đã thấy trong cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu năm 1970, tạo ra sự kết hợp giữa giá cả tăng vọt và nền kinh tế đình trệ.

Tuy nhiên, tại Nhật Bản, nợ chính phủ - đã tăng lên 263% GDP danh nghĩa vào năm 2021 vì kích thích tài khóa trong bối cảnh khủng hoảng COVID - và con số này có thể tiếp tục tăng. Để đảo ngược xu hướng, giới quan sát cho rằng Nhật Bản phải thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. 

Có thể bạn quan tâm: 

"Tranh thủ" lúc châu Âu khủng hoảng, Ai Cập cắt điện trong nước để xuất khẩu

Nguồn Nikkei Asia