Thứ Bảy | 12/05/2012 12:02

Thực trạng kinh tế châu Âu qua trợ cấp lương thực ở Hà Lan

Đang là thời kỳ khó khăn do đó người dân Hà Lan phải học cách để mưu sinh với số tiền ngày một ít hơn.
Chỉ mới sau giờ ăn trưa và bất chấp mưa phùn, nhưng dòng người xếp hàng chờ nhận được lương thực, nước trái cây, khoai tây và bánh mỳ miễn phí tại Bos en Lommer, ngoại ô Amsterdam, ngày một dài hơn.

Cảnh tượng trên diễn ra tại một trong số 135 cơ sở dự trữ lương thực cứu trợ ở Hà Lan đang trợ cấp cho những người phải cố gắng mưu sinh với số tiền chưa đến 180 euro/tháng – mức chuẩn để xác định đủ điều kiện nhận trợ cấp. Theo các nhà tổ chức, nhu cầu cứu trợ trong quý IV/2011 tăng 20%.

Willem Lammers, 52 tuổi, công nhân đóng gói, mất việc làm 6 tháng trước, cho biết “Tuy giờ tôi nợ 4.000 euro, nhưng tôi độc thân, do vậy, tôi có thể xoay sở được, nhưng điều gì sẽ xảy đến với các gia đình, với lũ trẻ và mọi thứ. Tôi không biết họ xoay sở thế nào”.

Mặc dù Athens là tâm điểm của khủng hoảng nợ châu Âu, nhưng các thành phố khác khắp châu lục này đang cố gắng đối phó với mức sụt giảm thịnh vượng lớn nhất từ Thế chiến thứ 2. Theo một báo cáo tuần trước, tỷ lệ thất nghiệp tháng 4/2012 của khu vực đồng euro tăng lên mức cao nhất trong hơn 15 năm qua và nền kinh tế khu vực lần thứ 2 trì trệ trong vòng 3 năm qua.

Ngày 6/5 vừa qua, cử tri Pháp đã bầu ông Francois Hollande làm tổng thống sau khi ông này cam kết sẽ nới lỏng các biện pháp khắc khổ mà người tiền nhiệm, tổng thống Nicolas Sarkozy, ủng hộ. Trong khi đó Hy Lạp lại tiếp tục rơi vào một thời kỳ hỗn loạn khác sau khi kết quả cuộc bầu cử quốc hội có kết quả là không có đảng nào hội đủ đa số ghế tuyệt đối để có thể giành quyền tự đứng ra thành lập chính phủ.

Từ Lyon đến Valencia

Người châu Âu khắp nơi đang thay đổi việc làm, nhà ở và thói quen để thích nghi với mức lương thấp hơn, thị trường thay đổi và kinh tế trì trệ.

Tình trạng trì trệ đang tác động đến người dân Amsterdams sau khi chính phủ nước này giải tán hồi tháng, cũng như người dân Lyon, trung tâm của các công ty nhỏ, Dublin – khởi điểm của các khoản lỗ ngân hàng trong khu vực đồng euro năm 2008, và Valencia với số tiền hóa đơn chưa thanh toán lớn nhất so với các khu vực khác khắp nước Tây Ban Nha.

Ramon Congost Valles, 62 tuổi, giám đốc điều hành Aidico, Viện Công nghệ Xây dựng Valencia, cho biết “Chúng tôi phải tự điều chỉnh để thích nghi và quen với cái mà chúng tôi gọi là khủng hoảng và với cái mà sớm trở thành bình thường”.

Lương của Francisco Perez, 36 tuổi, giáo viên dạy kèn oboa ở Almussafes, ngoại ô Valencia, chỉ còn 850 euro/tháng sau khi nhà trường cắt đi 150 euro do chính phủ giảm 50% trợ cấp cho trường. Tuy vậy, ôpng Perez vẫn cho biết, “Mọi người vẫn tự coi mình may mắn khi có việc làm”.

Valencia đã nộp đơn lên chính phủ trung ương xin trợ cấp do không có khả năng thanh toán số hóa đơn 4,2 tỷ euro cho khoảng 10.000 nhà cung cấp. Thành phố này, từng là trung tâm bùng nổ bất động sản của Tây Ban Nha, đang cắt giảm phúc lợi xã hội, đầu tư và việc làm công trong khi tăng thuế, chi phí giáo dục và chăm sóc y tế.

Palmira Castellano, 52 tuổi, sống ở El Perrello, ngoại ô Valencia, với con gái tật nguyền 23 tuổi, cho biết, bà đang tìm việc sau khi người anh chồng bị mất việc làm trong ngành xây dựng và không thể hỗ trợ tài chính được nữa. Cha mẹ bà cũng không còn dư dả gì với khoản lương hưu 1.200 euro để giúp đỡ bà, và bà không thể xoay sở được với 500 euro tiền trợ cấp mà con gái mà được hưởng từ chính phủ.

Bà Castellano cho biết thêm “Tình hình hiện nay thực sự rất xấu. Chị gái tôi quá ốm yếu nên không thể làm việc. Chồng chị ấy thất nghiệp và họ còn phải trả tiền thế chấp, và cha mẹ tôi không thể chu cấp cho tất cả chúng tôi bằng khoản lương hưu”.

Diễn biến của Chỉ số Giá Euro Stoxx 50 cho thấy, 5 năm qua, 50 công ty thương mại lớn nhất ở khu vực đồng euro đã thua lỗ khoảng 1.000 tỷ euro. Trong khi đó theo Tạp chí Nhà ở Châu Âu 2012 của Viện Giám định Hoàng gia Anh phát hành tháng 2, giá nhà Châu Âu giảm 33% so với mức đỉnh năm 2007.

Rời bỏ quê hương

Theo số liệu mới nhất của Văn phòng Thống kê trung ương Ailen, số người di cư khỏi nước này tăng lên mức cao nhất trong 12 tháng qua kết thúc vào tháng 4/2011 kể từ thế kỷ 19 với 76.400 người.
Tây Ban Nha – nước vốn thu hút nhiều người nhập cư hơn bất kỳ nước nào ở khu vực đồng euro năm 2006 – hiện cũng đang chứng kiến tình trạng di cư. Năm ngoái, khoảng 50.090 người đã di cư khỏi nước này.

Giới trẻ Hy Lạp và Tây Ban Nha, trước tình trạng tỷ lệ thất nghiệp lên đến 50%, đang di cư về phía bắc và phía tây. Silvia Alvarez Ferri, 31 tuổi, không thể tìm được việc làm ở Tây Ban Nha, hiện đang làm kiến trúc sư tại Hamburg, thành phố lớn thứ 2 cùa Đức.

Ông này cho biết “Sau một năm không thể tìm được việc làm ở Tây Ban Nha, tôi quyết định sang Đức. Phần lớn các bạn đồng nghiệp (kiến trúc sư) của tôi ở lại Tây Ban Nha đều thất nghiệp, và tôi cũng sẽ như vậy nếu không rời khỏi đất nước mình”.

Nước Đức – miền đất hứa

Quý IV/2011, kinh tế Đức đạt mức tăng trưởng 2%/năm cho dù mức tăng trưởng trong 3 quý đầu năm chưa bằng ½ quý IV. Với tỷ lệ thất nghiệp đứng ở mức thấp nhất trong 2 thập niên qua, 6,8% trong tháng 4, người sử dụng lao động từ Berlin đến Munich đang tìm kiếm lao động nước ngoài, kể cả kỹ sư, bác sĩ và y tá, những người không thể tìm được việc làm tại đất nước của họ.

Theo Văn phòng Thống kê Destatis của Đức, năm 2011 số người đang sống ở Đức đến từ các nước khác trong Liên minh Châu Âu (không có quốc tịch Đức) là 2,6 triệu người, tăng 6,4% so với 2010. Số người Tây Ban Nha đang sống tại Đức tăng 4,5%.

Beate Raabe, phát ngôn viên của Văn phòng việc làm Đức, cho biết “Nước Đức ngày nay đang thiếu lao động lành nghề và trình độ cao. Chúng tôi đang tích cực thu hút lao động từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Đây là giải pháp đôi bên cùng có lợi vì người lao động thất nghiệp ở Nam Âu có thể tìm được việc làm ở Đức”.

Cuộc khủng hoảng sắp tới

Cuộc khủng hoảng hiện đang đang ngấp nghé ngưỡng cửa của các nước trước kia được coi là không thể bị tấn công như Hà Lan. Tháng trước, thủ tướng Hà Lan, Mark Rutte, đã nộp đơn từ chức sau khi Đảng Tự do không ủng hộ việc cắt giảm chi tiêu và tăng thuế với tổng số tiền lên đến 14 tỷ euro.
Sweder van Winjinbergen, giáo sư kinh tế học tại Đại học Amsterdam, cho biết “Chúng tôi biết khủng hoảng đang tới. Chúng tôi biết chúng tôi không giống Tây Ban Nha hay Italia, nhưng chúng tôi cũng không giống Đức”.

Trở lại vùng ngoại ô phía tây Amsterdam, cơ sở dự trữ lương thực cứu trợ đang ngày càng phổ biến hơn. Trong quý IV/2011, các hộ gia đình sử dụng ngân hàng thực phẩm ở thành phố này tăng lên 1.350, dự kiến số này sẽ tăng lên 3.000 vào cuối năm nay.

Ông Piet van Diepen, thành viên ban quản trị  cơ sở dự trữ lương thực cứu trợ cho biết “Dòng người xếp hàng ngày một dài hơn khi ngày càng nhiều người mất việc làm và gặp khó khăn trong việc thanh toán tiền thuê nhà hoặc tiền thế chấp”.

Tại Hà Lan, hơn 23.000 người nhận trợ cấp từ cơ sở dự trữ lương thực cứu trợ. Số này cũng tăng tại nhiều nước khác như Vương quốc Anh khi số liệu cho thấy nền kinh tế này lại rơi vào suy thoái.
Malanie van Egeren, 30 tuổi, cho biết, bà hy vọng nhận được trợ giúp của cơ sở dự trữ lương thực cứu trợ trong 3 tháng nữa, khi bà phải xoay sở mưu sinh với 800 euro/tháng cùng với đứa con trai 8 tuổi.

Nguồn Bloomberg/DVT


Sự kiện