Món Pizza tái chế từ "đồ bỏ đi" tại nhà hàng Shuggie's. Ảnh: Erin Ng.

 
Nguyên Hồ Thứ Sáu | 30/06/2023 16:09

Thực phẩm tái chế thách thức thực khách

Nếu biết cách, những nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi cũng có thể trở thành món ăn ngon.

Thành phố San Francisco tại Mỹ, được biết đến với nền ẩm thực đa dạng và sáng tạo, gần đây nơi này đã có thêm một tiệm bánh pizza có một không hai và mang lại cho thực khách thử một thứ khác thường, “bánh pizza rác”. Shuggie's Trash Pie, một nhà hàng lâu đời, đã thu hút được sự chú ý nhờ nỗ lực giảm lãng phí thực phẩm và tạo ra những chiếc bánh pizza thơm ngon từ những nguyên liệu mà nếu không dùng sẽ bị vứt bỏ vào thùng rác.

Những thực phẩm thừa có thể là những miếng ớt chuông hay nấm có bề ngoài kém tươi một chút, hay tim bò chưa được sử dụng hết trong ngày được xay ra để làm thành thịt viên. Tất cả các nguyên liệu này vẫn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và khi được khéo léo chế biến, nó hoàn toàn có thể trở thành một món ăn ngon.

Shuggie's Trash Pie hợp tác với nông dân và tiệm bánh địa phương để giải cứu các sản phẩm và bánh mì vẫn có thể ăn được nhưng nếu không sẽ bị loại bỏ nhằm giảm lãng phí thực phẩm. Những nguyên liệu được giải cứu này sau đó được chế biến thành những chiếc bánh pizza ngon lành với nhiều loại nhân phủ bên trên, bao gồm rau tươi, pho mát và thịt, theo Associated Press.

Shuggie's sẽ bán những chiếc bánh nướng được làm bằng những nguyên liệu khác thường/
Shuggie's sẽ bán những chiếc bánh nướng được làm bằng những nguyên liệu khác thường/"xấu xí" trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Joanna Fantozzi.

Shuggie's Trash Pie đã nhận được sự công nhận và khen ngợi trong thế giới ẩm thực vì cam kết bền vững. Nhà hàng đã được giới thiệu trên các ấn phẩm uy tín như The San Francisco Chronicle, Eater và Food & Wine, ca ngợi cách tiếp cận sáng tạo để chống lãng phí thực phẩm đồng thời cung cấp cho khách hàng những chiếc bánh pizza ngon lành. 

Shuggie's Trash Pie đã bước đầu thành công trong việc mời thực khách bước ra khỏi vùng thoải mái khi nói đến ẩm thực và đón nhận trải nghiệm ăn uống độc đáo, không chỉ thỏa mãn vị giác mà còn đóng góp cho một mục tiêu cao cả hơn. 

Trong khi đó, tại tiệm kem của ông Tyler Malek, rác của một đầu bếp lại là món ngon của một đầu bếp khác.

Kem chanh tái chế của Salt & Straw. Ảnh: Salt & Straw.

Kem chanh tái chế của Salt & Straw.

Ảnh: Salt & Straw.

Nhà sản xuất kem hàng đầu tại Salt & Straw có trụ sở tại Portland, Oregon sử dụng váng sữa còn sót lại từ các nhà sản xuất sữa chua ở ngoại ô New York để tạo ra hương vị cho kem chanh của mình. Đối với sữa lúa mạch socola, ông ấy trộn cùng gạo và ngũ cốc từ quá trình ủ bia còn dư lại, để tạo nên hương vị nhẹ nhàng và béo ngậy.

Ông Malek nói: “Thay vì gọi thực phẩm này là đồ bỏ đi, chúng ta cần bắt đầu giảm bỏ đi những thực phẩm như thế này.”

Chuỗi cửa hàng kem của ông Malek là một trong những chuỗi đi đầu trong phong trào tái chế, tạo ra các sản phẩm chất lượng cao từ thức ăn thừa. Các cửa hàng của ông từ Tây Bắc Thái Bình Dương đến Miami hiện có các hương vị như “Cacao Pulp & Chocolate Stracciatella Gelato,” được làm từ bột cacao còn sót lại từ quá trình sản xuất socola, mà thông thường sẽ bị bỏ đi.

Đó là một xu hướng ngày càng phổ biến khi người tiêu dùng dành nhiều thời gian hơn để đọc nhãn bao bì và thành phần thực đơn để tìm hiểu xem thực phẩm của họ đến từ đâu và ảnh hưởng đến môi trường như thế nào. Hơn 35 triệu tấn thực phẩm bị lãng phí mỗi năm ở Mỹ, khoảng 40% sản lượng lương thực của cả nước - gây thiệt hại hơn 200 tỉ USD cho nền kinh tế quốc gia, theo Hiệp hội Thực phẩm Tái chế.

Thực phẩm tái chế ngày càng trở nên phổ biến trong hỗn hợp bánh ngọt và khoai tây chiên tại các cửa hàng tạp hóa tự nhiên. Thành phần bao gồm trái cây và rau quả từ các trang trại trên toàn quốc hoàn toàn có thể ăn được nhưng thường bị các nhà hàng và cửa hàng tạp hóa từ chối vì hình dạng hoặc màu sắc của chúng, chẳng hạn như dâu tây trắng, rau héo và nấm xấu xí.

Hiệp hội Thực phẩm Tái chế sẽ cấp dấu chứng nhận “Chứng nhận Tái chế” chính thức cho các sản phẩm đủ điều kiện. Những con dấu này giúp nâng cao nhận thức của người tiêu dùng rằng công ty sản xuất thực phẩm đã sử dụng những nguyên liệu như vậy để làm nên món ăn của họ.

Hiệp hội ban đầu đã chứng nhận khoảng 30 sản phẩm vào năm 2021 và hiện có 450 sản phẩm mang nhãn dùng thực phẩm tái chế để sản xuất.

Nếu biết cách, những nguyên liệu tưởng chừng chỉ có thể bỏ đi cũng có thể trở thành món ăn ngon. Đó chính là thông điệp mà những nhà hàng tái chế thực phẩm này muốn gửi tới người tiêu dùng để có thể chống lãng phí, tiết kiệm hơn và bảo vệ môi trường tốt hơn.

Có thể bạn quan tâm:

 Câu chuyện đằng sau căn nhà ở xã hội giá 1,1 triệu USD của Singapore

Nguồn AP