Thứ Năm | 14/11/2013 06:45

Thúc đẩy 'con đường tơ lụa' xuyên Triều Tiên

Hiện thực hóa dự án đường sắt Á - Âu đi qua CHDCND Triều Tiên là mục tiêu hàng đầu trong chuyến thăm Hàn Quốc của Tổng thống Nga Putin.

Tổng thống Putin bắt tay Tổng thống Park trong cuộc hội đàm tại Seoul -Ảnh: AFP

Ngày 13.11, sau cuộc hội đàm tại Seoul, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp nước chủ nhà Park Geun-hye đã chứng kiến lễ ký kết 3 biên bản ghi nhớ về hợp tác xây dựng một tuyến đường sắt nối liền châu Á và châu Âu đi xuyên qua CHDCND Triều Tiên, theo AFP.

Dự án khổng lồ này được xem là một ưu tiên chính sách lớn về hạ tầng của ông Putin trong nhiều năm qua. Một khi được hoàn thành, “con đường tơ lụa” này sẽ tạo ra một tuyến vận tải thông suốt từ châu Âu đến tận bờ biển phía nam Hàn Quốc với nền tảng là hệ thống đường sắt xuyên Siberia (TSR) của Nga.

Trước đó, từ năm 2000, Nga và CHDCND Triều Tiên đã bắt tay xây dựng đoạn đầu của tuyến đường, nối cảng Raijin ở đông bắc Triều Tiên với thành phố Khasan của Nga. Nay với sự tham gia của Hàn Quốc, đoạn đường mới sẽ kéo dài từ Raijin đến cảng Busan, mở đường cho vận chuyển hàng hóa giữa Hàn Quốc với các đối tác châu Âu cũng như có thêm kênh để đầu tư gián tiếp vào miền Bắc.

Theo AFP, Tập đoàn thép POSCO, Công ty đường sắt Hàn Quốc và Công ty Hyundai Rotem có thể sẽ tham gia dự án. Một số nguồn tin cho hay Nga mong muốn Seoul đóng góp 34% cổ phần vào dự án trong khi Moscow góp 36% và Bình Nhưỡng góp 30%.

Ngoài ra, một kế hoạch khác không kém phần tham vọng được ông Putin và bà Park thảo luận là dự án xây dựng đường ống dẫn khí đốt nối liền Nga với 2 miền Triều Tiên. Theo đánh giá của chuyên gia, đường ống này có thể góp phần bảo đảm an ninh khu vực vì hai miền Triều Tiên sẽ bị ràng buộc bằng một công trình lớn xuyên quốc gia với Nga đứng giữa.

Bên cạnh đó, việc nhận được nguồn cung cấp năng lượng đầy đủ được hy vọng sẽ giúp Bình Nhưỡng hành động “bớt trái tính” hơn, Đài RT dẫn lời chuyên gia Georgy Toloraya thuộc Học viện Khoa học Nga nhận định.

Tuy nhiên, nhiều nhà quan sát tỏ ra nghi ngờ tính khả thi của cả hai dự án trên khi quan hệ Hàn Quốc - CHDCND Triều Tiên vẫn đang căng thẳng. “Xét về mặt kinh tế và thương mại, dự án thật hoàn hảo. Nhưng sẽ tốn hàng tỉ USD và liệu công ty nào dám liều lĩnh đầu tư số tiền lớn vào Triều Tiên trong tình hình hiện nay?”, Andrei Lankov, một chuyên gia Nga về Triều Tiên đang giảng dạy tại Đại học Kookmin ở Seoul, nhận định với AFP.

Đó là chưa kể giữa 2 miền Triều Tiên chưa có sự tin tưởng đủ để Hàn Quốc kết nối những cơ sở hạ tầng quan trọng như vậy với miền Bắc. Theo ông Lankov, Triều Tiên sẽ rất hoan nghênh vì ngoài lợi ích kinh tế, nước này sẽ có thêm “con tin” trong quan hệ với các bên khác.

Nguồn Thanh Niên


Sự kiện