Thủ tướng tạm quyền Thái Lan lên tiếng sau vụ thiết quân luật
Tuyên bố nhấn mạnh: “Bất cứ hành động nào cũng cần đi theo con đường hòa bình, không bạo lực, không phân biệt đối xử và đảm bảo công bằng dựa trên pháp quyền."
Trước đó, vào sáng cùng ngày, quân đội Thái Lan đã bất ngờ ban bố tình trạng thiết quân luật mà không tiến hành tham vấn chính phủ. Giới chức quân đội khẳng định đây "không phải là một cuộc đảo chính" mà chỉ là hành động nhằm khôi phục trật tự trong bối cảnh có nhiều lo ngại về tình trạng bạo lực chính trị leo thang.
Tư lệnh Lục quân Thái Lan, Tướng Prayuth Chan-ocha cho biết tình trạng thiết quân luật sẽ được duy trì đến khi hòa bình và trật tự được lập lại. Ông khẳng định quân đội sẽ có biện pháp bảo vệ dân thường, đồng thời hối thúc các phe phái chính trị đàm phán tìm giải pháp chấm dứt khủng hoảng.
Với việc áp dụng thiết quân luật, người dân Thái Lan sẽ bị hạn chế đi lại và bị cấm tụ tập. Ngoài ra, quân đội Thái Lan có quyền lục soát, áp đặt lệnh giới nghiêm và giam giữ những kẻ tình nghi tới 7 ngày.
Khủng hoảng Thái Lan rơi vào bế tắc sau khi cựu Thủ tướng Yingluck Shinawatra tuyên bố giải tán Hạ viện hồi tháng 12 năm ngoái. Khủng hoảng lên đến đỉnh điểm hồi đầu tháng này khi một tòa án Thái Lan cách chức bà Yingluck cùng 9 thành viên nội các vì cáo buộc lạm quyền.
Ngay sau khi phán quyết được đưa ra, phong trào "Áo đỏ" - ủng hộ Thủ tướng Yingluck - đã xuống đường biểu tình và cảnh báo về nguy cơ nội chiến nếu quyền điều hành đất nước được trao cho một thủ tướng không qua bầu cử.
Trong khi đó, những người biểu tình do ông Suthep Thaugsuban dẫn đầu cũng tuyên bố tiến hành "trận chiến cuối cùng" trong tuần này nhằm lật đổ chính phủ tạm quyền hiện nay.
Tuy nhiên, thủ lĩnh Thaugsuban cũng khẳng định sẽ chấm dứt hoạt động biểu tình nếu không tập hợp được 1 triệu người tham gia.
Nguồn Vnplus