Thứ Ba | 05/04/2016 23:46

Thủ tướng Iceland từ chức vì dính vào bê bối "hồ sơ Panama"

Chỉ trong vòng 2 ngày sau khi bộ hồ sơ mật của Mossack Fonseca được công bố, đã có một vị nguyên thủ quốc gia bị "ngã ngựa".

Vào hôm 5/4, thủ tướng Iceland là ông Sigmundur David Gunnlaugsson đã từ chức, theo thông báo từ Bộ trưởng Nông ngư nghiệp Sigurdur Ingi Johannsson, vốn cũng là phó chủ tịch Đảng Tiến bộ cầm quyền. Tin tức này sau đó đã được xác nhận bởi đài truyền hình quốc gia RUV.

Theo dự tính, ông Sigmundur vẫn sẽ tiếp tục giữ chức chủ tịch Đảng Tiến bộ, còn ông Sigurdur sẽ trở thành Thủ tướng mới. Tuy nhiên, điều này vẫn còn phải chờ đợi sự chấp thuận của đảng còn lại trong liên minh cầm quyền là Đảng Độc lập, cũng như của Tổng thống Iceland là ông Olafur Ragnar Grimsson.

Ông Sigmundur đã cho biết ông sẵn sàng giải tán quốc hội và cho bầu cử sớm để người dân Iceland chọn ra chính phủ mới. Tuy nhiên ông Olafur cho biết ông sẽ không đồng ý chuyện này cho tới khi đã nói chuyện với lãnh đạo cả 2 đảng Tiến bộ và Độc lập.

Trước đó vào hôm 4/4, một loạt cơ quan báo chí trên khắp thế giới đã đồng loạt công bố các thông tin mật từ bộ "hồ sơ Panama", bao gồm 2,6 TB dữ liệu rò rỉ từ công ty luật Mossack Fonseca (MS) tại Panama. Vốn là một trong các công ty chuyên về tư vấn tránh né thuế hàng đầu thế giới, các hồ sơ của Mossack Fonseca chứa đầy những quả "bom nổ chậm" liên quan tới rất nhiều chính khách tầm cỡ.

Ông Sigmundur đã bị phát hiện là cùng với vợ là bà Anna Sigurlaug Palsdottir thành lập một công ty vỏ bọc (shell company) mang tên Wintris tại quần đảo British Virgin Islands vào năm 2007, thông qua sự dàn xếp của MS.

Tới năm 2009, chỉ 1 ngày trước khi trở thành nghị sĩ và buộc phải công bố tài sản của mình, ông Sigmundur đã bán lại 50% cổ phần ở Wintris cho vợ với giá 1 USD.

Theo tuyên bố của Sigmundur, ông và vợ đã không hề che giấu tài sản hay trốn thuế. Tuy nhiên, trong đợt khủng hoảng kinh tế Iceland năm 2008, Wintris đã bị thiệt hại đáng kể từ các khoản đầu tư vào 3 ngân hàng lớn của nước này. Sau đó, Wintris đã yêu cầu một khoản bồi thường trị giá 4,2 triệu USD. Trong vai trò thủ tướng từ năm 2013, ông Sigmundur chính là một trong những nhân vật chủ chốt tham gia vào quá trình bồi thường cho những trường hợp như thế này. Vì vậy, ông đã bị buộc tội là có hành vi xung đột quyền lợi (conflict of interest).

Việc bị báo chí khui ra hồ sơ Wintris thật khá trớ trêu, vì Sigmundur trước đây cũng là một nhà báo nổi tiếng. Sau đó, ông nổi lên từ việc thành lập tổ chức InDefence, chuyên vận động chính phủ Iceland không nên thanh toán các khoản bồi thường cho các chủ nợ quốc tế sau đợt khủng hoảng 2008. Các chiến dịch của InDefence đã khiến tên tuổi của Sigmundur lên như diều gặp gió và giúp ông thắng cử năm 2013 ở tuổi 38, trở thành thủ tướng trẻ nhất lịch sử Iceland.

Vào giữa tháng 3, khi được các nhà báo Thụy Điển và Iceland truy hỏi về chuyện Wintris và đưa ra bằng chứng cụ thể, bao gồm cả chữ ký đồng ý bán lại cổ phần với giá 1 USD, ông Sigmundur đã đứng dậy và bỏ đi. Sau khi buộc tội các nhà báo là đã hẹn ông tới phỏng vấn "với lý do giả tạo", vợ chồng ông Sigmundur còn than phiền là đang bị báo chí xâm phạm đời sống riêng tư và họ không hề làm gì sai trái.

Thu tuong Iceland tu chuc vi dinh vao be boi
Sigmundur chuẩn bị "tháo chạy" khỏi cuộc phỏng vấn - Ảnh: Mirror Online

Tuy nhiên, xem ra người dân Iceland không tin vào điều đó. Ngay từ hôm 4/4, khoảng 10.000 người đã tràn ra biểu tình trước tòa nhà quốc hội ở thủ đô Reykjavik để yêu cầu ông Sigmundur từ chức và chính phủ phải tổ chức bầu cử sớm. Chiều ngày hôm đó, một bản kiến nghị trực tuyến về vấn đề này đã thu được 28.000 chữ ký, chiếm gần 1/10 dân số Iceland. Người tiền nhiệm của ông Sigmundur là bà Johanna Sigurdardottir cũng lên tiếng trên Facebook của mình là ông nên từ chức ngay lập tức để tránh bất ổn xã hội.

Thu tuong Iceland tu chuc vi dinh vao be boi
Hàng ngàn người biểu tình yêu cầu ông Sigmundur từ chức - Ảnh: Reuters

Được biết, kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính tài chính toàn cầu 2008, người Iceland vẫn thường hay tự hào rằng họ là một trong những quốc gia hiếm hoi đã cho bắt giam các chủ ngân hàng góp phần gây ra khủng hoảng, Cho tới nay, đã có 26 nhân vật có liên quan bị kết án tù, với tổng thời gian của các bản án là 74 năm. 

Từ trước khi vụ bê bối này xảy ra, tỷ lệ người dân không ủng hộ chính phủ hiện thời cũng đã lên tới gần 70%. Ngoài Sigmundur, Bộ trưởng Tài chính Bjarni Benediktsson cũng là một khách hàng của MS, thông qua việc mua công ty Falson & Co ở quần đảo Seychelles tại Châu Phi. Hồi năm ngoái, ông Bjarni từng trả lời phỏng vấn trên TV là "không hề có tài sản nào ở các thiên đường thuế".

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nội vụ Ólöf Nordal cũng sở hữu một công ty là Dooley Securities tại British Virgin Islands, được mua từ MS. Cố vấn cao cấp của Sigmundur kiêm giám đốc điều hành Đảng Tiến bộ Hrólfur Ölvisson thì mua tới 2 công ty là Selco Finance và Chamile Marketing.

Tuấn Minh

Nguồn NYT / CNN / Reykjavik Grapevine