Thủ tướng Hy Lạp đối mặt với những thách thức “khó nhằn”
Sáng sớm 16/7 (theo giờ Việt Nam), Quốc hội Hy Lạp đã bỏ phiếu tán đồng dự luật về những biện pháp khắc khổ theo yêu cầu của các chủ nợ để đổi lấy gói cứu trợ thứ ba trị giá 86 tỉ euro. Trong số những người ủng hộ các chính sách do châu Âu đưa ra có Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras.
Với 229 phiếu thuận, 64 phiếu chống và 6 phiếu trắng, quốc hội Hy Lạp đã chấp nhận những biện pháp cải cách của EU để nhận lấy gói cứu trợ. Điều kiện để nhận được gói cứu trợ này, Hy Lạp sẽ phải thực hiện một loạt các biện pháp cải cách “khó có thể nuốt trôi” về thuế má và hệ thống lương hưu.
Thủ tướng Tsipra tuyên bố, ông sẵn sàng thực hiện các điều khoản “không hợp lý” từ phía EU để cứu đất nước khỏi nguy cơ vỡ nợ và sụp đổ của hệ thống ngân hàng.
Trong một bài phát biểu ngay trước khi bỏ phiếu, ông Tsipras đã nhấn mạnh rằng: “Những người dân Hy Lạp đang hoàn toàn tỉnh táo và có thể hiểu được sự khác biệt giữa những người chiến đấu trong một cuộc chiến không công bằng và những người chỉ muốn hạ vũ khí”.
Các chuyên gia lo ngại, kết quả này có thể làm cho uy tín của ông Tsipras tại đất nước Hy Lạp bị giảm sút nghiêm trọng và ảnh hưởng tới việc điều hành đất nước. Một khi dân chúng không còn tin tưởng ở người lãnh đạo của họ, thì những chính sách đưa ra chưa chắc đã thực hiện được thành công.
Mới cách đây mấy ngày, Thủ tướng Hy Lạp Tsipras còn lên tiếng kêu gọi người dân nói “không” với các chính sách thắt lưng buộc bụng nhưng giờ đây, sự thay đổi ý định nhanh chống của ông khiến người dân Athens hết sức bất ngờ và bối rối.
Bộ máy chính quyền bất ổn
Ngay trong đảng Syriza của ông Tsipras, có đến 38 dân biểu phản đối quyết định mới của ông. Trong những số đó gồm có cả những nhân vật chủ chốt nắm giữ chức vụ cao như cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Yanis Varoufakis, người đã từ chức trước khi cuộc đàm phán cứu trợ diễn ra.
Bên cạnh đó, Chủ tịch Quốc hội Zoe Constantopoulo - người rời khỏi phòng họp giữa lúc tranh luận, cũng đã lên án gay gắt rằng, đây là “một ngày rất đen tối cho dân chủ ở châu Âu”. Bà Konstantopoulou nhấn mạnh: " Chúng ta không có quyền biến cái "Không" của nhân dân Hy Lạp thành cái "Có" (của chính phủ).
Một thành viên khác của đảng Syriza là bà Nadia Valavani, Thứ trưởng Tài chính Hy Lạp, cũng từ chức ngay trước khi bỏ phiếu. Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Euclid Tsakalotos than thở với các nghị sĩ: “Rõ ràng đó không phải là thỏa thuận tốt. Thế nhưng, chúng ta không có lựa chọn...”
Những cánh tay chủ chốt trong đảng Syriza lần lượt ra đi giáng đòn mạnh vào bộ máy chính quyền của ông Tsipras. Dự kiến thời gian tới, ông Tsipras sẽ buộc phải thực hiện bầu cử Quốc hội sớm sau khi tiến hành thay đổi nhân sự trong ngày 16/7. Nhiều khả năng ông sẽ loại bỏ những người phản đối trong đảng, nhưng sẽ gặp khó khăn trong việc điều hành đất nước.
Người dân mất dần niềm tin
Quyết định của Quốc hội Hy Lạp thổi bùng sự giận dữ trong dân chúng. Nhiều người dân nước này cho hay họ chống lại gói cứu trợ, muốn rời eurozone và quay lại với đồng drachma hơn là chấp nhận những điều khoản khắc khổ trên.
Khoảng 12.500 người đã tập hợp, biểu tình phản đối gói cứu trợ 86 tỉ euro trước của tòa nhà Quốc hội khi việc bỏ phiếu tại Quốc hội Hy Lạp đang diễn ra.
Ở quảng trường Syntagma, hàng trăm người đeo mặt nạ và ném đá, chai lọ về phía cảnh sát, miệng gào to: “Chúng tôi đã bị phản bội”. Cảnh sát đã phải dùng hơi cay để giải tán đám đông cuồng nộ.
Sau đó, biểu tình đã bùng phát thành những vụ bạo động nhỏ tại trung tâm thủ đô Athens. Rất nhiều trực thăng bay vòng quanh trên bầu trời quảng trường Syntagma, còn bên dưới là hàng chục quả bom xăng được ném đi, đánh dấu vụ bạo động nghiệm trọng nhất tại thủ đô Hy Lạp trong 2 năm qua.
Ít nhất 40 người đã bị bắt giữ trong vụ bạo động. Theo nguồn tin ban đầu, ít nhất bốn cảnh sát và một phóng viên ảnh AFP bị thương. Sau đó người biểu tình còn đập phá nhiều máy ATM và một số cửa hàng ở quảng trường Syntagma.
“Chính phủ của chúng ta là những kẻ phản bội. Chúng tôi bỏ phiếu chống nhưng Tsipras đồng ý với các điều kiện còn tồi tệ hơn. Quá điên rồ” - AFP dẫn lời người biểu tình Arsenios Pappas, 35 tuổi, bức xúc.
Giáo viên tiểu học Natasia Kokkoli, 53 tuổi, khẳng định thỏa thuận cứu trợ “là rất bất công”. “Nếu rời đồng euro có thể Hy Lạp sẽ tìm được con đường riêng của mình” - bà khẳng định.
Nhiều người kêu gọi ông Tsipras từ chức. “Ông ấy đã nói dối người dân. Nếu còn chút tự trọng thì ông ấy nên từ chức” - người biểu tình Andronicus Sarlakis, 28 tuổi, nói.
Ông Tsipras đã quên đi những lời cam kết?
Tháng 1/2015, sau nửa thập kỷ Hy Lạp phải thắt lưng buộc bụng, Đảng cánh tả Syriza đã có một chiến thắng bất ngờ với 36% số phiếu ủng hộ. Ông Tsipras lên nhậm chức Thủ tướng cam kết sẽ thay đổi cuộc sống khó khăn của người dân trước những điều khoản khắt khe của các chủ nợ quốc tế.
Trong bài phát biểu tuyên bố thắng cử, ông Tsipras nói rằng “lịch sử đang thay đổi” và “các gói cứu trợ thắt lưng buộc bụng sẽ bị hủy bỏ”, ảnh hưởng từ bộ ba chủ nợ (Hội đồng Châu Âu, Ngân hàng Trung ương Châu Âu và IMF) với Hy lạp đã là quá khứ.
Thật không may, kết quả mà chính quyền Athens hiện nay đạt được không như mong đợi. Thủ tướng Tsipras bị kẹt giữa những lời cam kết với những điều khoản không khoan nhượng từ các chủ nợ quốc tế.
Việc tổ chức trưng cầu dân ý mới đây cho thấy ông Tsipras bất lực trước sự cứng rắn của các định chế Phương Tây và buộc phải sử dụng người dân Hy Lạp nhằm tạo áp lực với chủ nợ.
Thế nhưng, ngay cả khi hầu hết người dân Hy Lạp nói “không”, thì ông Tsipras lại mềm lòng trước những điều kiện mà chủ nợ đưa ra để ở lại Eurozone. Phải chăng ông Tsipras đã quên đi những lời cam kết hay ông đang có những tính toán của riêng mình?
Bình luận về thay đổi đột ngột nói trên, bài viết trên trang Le Monde mang tựa đề "Trở lại với minh triết" khen ngợi chính phủ Hy Lạp "đã trở lại với lý trí, với thảo luận, từ bỏ các lập trường cực đoan, mơ hồ và chủ nghĩa nhị nguyên. Và tránh được điều mà không ai muốn: Grexit – tức khả năng Hy Lạp ra khỏi khối Euro".
Tờ Le Monde nhận định "Rồi Lịch sử sẽ đánh giá cuộc trưng cầu dân ý của ông Tsipras là một quyết định tuyệt vời được chuẩn bị kỹ lưỡng, hay một hành động tuyệt vọng".
Tờ báo Libération lại ghi nhận: "Sự thỏa hiệp cần thiết đang trên đường khẳng định, cho phép giữ Hy Lạp ở lại Châu Âu và giúp cho Athens có được khả năng hoàn nợ. Sự nhân nhượng này, có thể sẽ không làm ai thỏa mãn, nhất là cử tri Hy Lạp, bị buộc phải chấp nhận điều mà họ đã chối từ trước đó ít ngày trong một cuộc bỏ phiếu long trọng".
"Nếu kết quả cuối cùng tốt đẹp, người ta có thể nói bất cứ điều gì về Alexis Tsipras, chỉ trừ một điều: Ông ta không thiếu dũng khí. Ông ta đã cư xử như một lãnh đạo chính trị có trách nhiệm, đóng góp phần mình vì lợi ích quốc gia”, Libération cho biết.
Quyết định của Hy Lạp đúng hay sai, có lẽ cần thêm thời gian để trả lời câu hỏi này.
Nguồn VOV