Hiện tại, Trừng Hải có khoảng 60.000 doanh nghiệp sản xuất đồ chơi. Ảnh: Nikkei Asia.

 
Khánh Tú Thứ Sáu | 06/12/2024 17:54

“Thủ phủ đồ chơi thế giới” chuyển mình bằng công nghệ

Trung Quốc đẩy mạnh sản xuất công nghệ cao và A.I để vực dậy ngành đồ chơi trong bối cảnh xuất khẩu suy giảm và kinh tế toàn cầu ảm đạm.

Trừng Hải, một quận thuộc thành phố Sán Đầu, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc, được mệnh danh là "thủ phủ đồ chơi thế giới", đang nỗ lực thay đổi để thích nghi với bối cảnh xuất khẩu toàn cầu suy giảm. Công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo đang trở thành chìa khóa cho sự chuyển mình này.

Các con phố ở Trừng Hải, nơi đầy bụi bặm với những cửa hàng bán buôn nhỏ lẻ, phản ánh rõ những khó khăn của ngành. Dù vẫn duy trì hoạt động, lượng khách đến rất ít. Tại một cửa hàng, các sản phẩm như robot, ô tô, và súng nhựa kiểu cũ được bày bán. “Tình hình kinh doanh không mấy khả quan do kinh tế trong nước trì trệ”, một nhân viên chia sẻ. Cửa hàng chủ yếu mua lại hàng tồn kho giá rẻ từ các nhà sản xuất và bán lại làm phần thưởng cho các quầy đồ ăn uống.

Hiện tại, Trừng Hải có khoảng 60.000 doanh nghiệp sản xuất đồ chơi, chiếm khoảng một nửa sản lượng đồ chơi nhựa toàn cầu. Ngành này tạo việc làm cho hơn 300.000 lao động, tương đương gần 40% dân số địa phương.

Một trong những nhà sản xuất lớn ở khu vực này là Rastar, có tới 70% doanh thu đến từ thị trường nước ngoài, chủ yếu là châu Âu. Công ty nổi tiếng với các mô hình chi tiết của xe BMW và Mini. Các mô hình lớn từng bán chạy với giá khoảng 50 euro (53 USD), nhưng người tiêu dùng hiện ưu tiên các mô hình nhỏ gọn, giá chỉ bằng một nửa so với các sản phẩm lớn trước đây.

“Tiêu dùng toàn cầu đình trệ và chi phí vận chuyển tăng cao do tác động chính trị và xung đột. Điều kiện hiện tại không thuận lợi cho ngành đồ chơi”, bà Lin Meier, đại diện bộ phận kinh doanh quốc tế của Rastar, nhận định.

Theo Tổng cục Hải quan Trung Quốc, xuất khẩu đồ chơi của nước này từng tăng trưởng ổn định cho đến năm 2022, nhưng giảm 11% vào năm ngoái, chỉ đạt 285,8 tỉ nhân dân tệ (39,5 tỉ USD). Trên toàn thế giới, xuất khẩu đồ chơi cũng giảm 10% trong năm ngoái do suy thoái kinh tế toàn cầu, bao gồm cả Mỹ, thị trường nhập khẩu đồ chơi lớn nhất.

Ngoài ra, nhiều quốc gia nhập khẩu đã chuyển sang tìm nguồn cung cấp từ các nước khác ngoài Trung Quốc do chi phí lao động tăng và căng thẳng thương mại Mỹ-Trung. Tuy nhiên, ông Zhang Zhenqiang, Tổng thư ký Hiệp hội Đồ chơi Trừng Hải, tin rằng ngành công nghiệp này vẫn còn tiềm năng lớn nhờ sự đổi mới từ các doanh nhân trẻ.

Gooders Precision Technology là một minh chứng điển hình, được ví như “TSMC của ngành đồ chơi”. Công ty này vận hành 4 nhà máy công nghệ cao, sản xuất hơn 60.000 sản phẩm từ đồ chơi xếp hình đến linh kiện ô tô với độ chính xác 0,005 mm.

Trong khi đó, Công ty Công nghệ Tương tác Quần Ngọc Quảng Đông (Guangdong Qunyu Interactive Technology) đã vượt xa khái niệm đồ chơi truyền thống, ra mắt các robot thông minh có thể mô phỏng chuyển động con người và giao tiếp thông qua công nghệ A.I. Robot này có giá bán lẻ 2.380 nhân dân tệ tại Trung Quốc.

Theo ông Chen Ruifeng, CEO của Qunyu, doanh thu công ty dự kiến tăng 70% trong năm nay, đạt 100 triệu nhân dân tệ nhờ các sản phẩm đồ chơi giáo dục STEM (khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học). Ngoài ra, Qunyu cũng thành công với các sản phẩm truyền thống như mô hình Godzilla hay linh vật Kumamon, được tùy chỉnh theo nhu cầu từng thị trường. Ví dụ, xe đồ chơi nhỏ gọn được ưa chuộng tại Đông Nam Á, trong khi mô hình máy bay chiến đấu lại phổ biến ở Nga và Ukraine.

Ông Zhang cho biết đồ chơi vẫn cần thiết cho sự phát triển lành mạnh của trẻ em, ngay cả trong thời chiến.

Có thể bạn quan tâm:

Khí đốt Mỹ và "cuộc chiến thương mại" mới

Nguồn Nikkei Asia