Thứ Năm | 23/05/2013 16:09

Thời phục hưng của Keynes đã đến?

Sau hàng loạt thất bại của giới kinh tế học chính thống thời gian qua, không ít người tin rằng giờ là lúc quay trở lại với kinh tế học Keynes.
Cuối tháng 4 vừa qua, cả thế giới kinh tế học một phen chấn động trước thông tin nghiên cứu của 2 nhà kinh tế học nổi tiếng Harvard Carmen M. Reinhart và Kenneth S Rogoff về về quan hệ nợ công/GDP với tăng trưởng kinh tế thực tế là một tính toán sai lầm.

Trong nghiên cứu của mình, Reinhart và Rogoff viết khi tỷ lệ nợ công trên GDP của một quốc gia vượt quá 90%, GDP của nước đó sẽ giảm 0,1%, ngược lại, nếu tỷ lệ này dưới 90% thì tăng trưởng GDP bình quân đạt khoảng 3-4%. Những lập luận này được các nhà hoạch định chính sách thế giới sử dụng rộng rãi để biện minh cho việc cắt giảm chi tiêu.

Tuy nhiên, một nghiên cứu sinh đã phát hiện ra sai lầm lớn trong tính toán của Reinhart và Rogoff và cho rằng thay vì sụt giảm mạnh, tăng trưởng kinh tế chỉ giảm nhẹ xuống khoảng 2,2%, chứ không phải sụt tới âm 0,1% như Reinhart và Rogoff dự đoán.

Với những fan hâm mộ trung thành của nhà kinh tế học trứ danh đầu thế kỷ 20 John Maynard Keynes - với lý thuyết về cách thức các quốc gia có thể thoát khỏi suy thoái kinh tế - thì đây được coi là một chiến thắng vô cùng to lớn mà họ vẫn chờ đợi.
Thời phục hưng của học thuyết Keynes đã đến
Và họ còn vui mừng hơn nữa khi các nhà lãnh đạo châu Âu, trong cuộc họp tại Brussels tuần trước, tuyên bố nền kinh tế của khu vực đồng tiền chung châu Âu (eurozone) đang chìm sâu hơn vào suy thoái trong 3 tháng đầu năm 2013, và đây cũng là quý giảm thứ 6 liên tiếp của kinh tế khu vực.

Những sự kiện diễn ra liên tiếp càng khiến những người trung thành với học thuyết kinh tế Keynes khẳng định chắc chắn rằng: Khi người tiêu dùng và các doanh nghiệp tìm cách giảm nhẹ gánh nặng nợ nần, trong khi chi tiêu cá nhân và đầu tư chậm lại, đó chính là lúc chính phủ cần phải đẩy mạnh vay mượn, chi tiêu và nắm lấy cơ hội tăng trưởng.

Sự sụp đổ của nghiên cứu Reinhart và Rogoff càng khiến người ta tin rằng tăng trưởng kinh tế của các quốc gia chìm trong nợ nần càng lúc càng chậm lại vì thắt lưng buộc bụng. Chẳng những thế, nó còn khiến nhiều người hoài nghi liệu nợ công có thực sự là nguyên nhân kìm hãm tăng trưởng kinh tế như các nhà lãnh đạo châu Âu vẫn rêu rao.

Các nghiên cứu và số liệu từ châu Âu cùng nhiều nơi khác còn cho thấy các chương trình thắt lưng buộc bụng chẳng những không giúp mang lại tăng trưởng kinh tế mà còn khiến nợ công thêm chồng chất.

Những điều trên đây khiến nhiều người tin rằng: Đây chính là thời điểm tốt nhất cho sự trở lại của học thuyết kinh tế Keynes.

Tuy nhiên, các chuyên gia kinh tế học chính thống thì không tin vào điều đó, bởi có một sự thật dù vấp phải không ít chỉ trích, chính phủ nhiều nước trên thế giới, đặc biệt là châu Âu, vẫn sốt sắng áp dụng chiến dịch thắt lưng buộc bụng khắc nghiệt.

Mới đây, chính phủ Italia tuyên bố quyết tâm áp dụng thắt lưng buộc bụng để hạ thâm hụt ngân sách hàng năm từ 5% xuống 3% GDP. Chính phủ Ireland cũng cam kết hạ thâm hụt từ 13,9% xuống 7,6% GDP thông qua hàng loạt biện pháp cắt giảm chi tiêu. Ở Anh, chính phủ của thủ tướng David Cameron cũng đặt mục tiêu hạ thâm hụt từ 11,5% xuống 6,3% GDP. Thậm chí, cả chính phủ Mỹ cũng áp dụng chính sách cắt giảm chi tiêu tự động nhằm hạ thâm hụt xuống 7% GDP. Tất cả những nước kể trên gần như không tăng trưởng kinh tế, hoặc tăng rất khiêm tốn.

Vây đâu là nguyên nhân khiến các nước vẫn kiên quyết quay lưng với học thuyết Keynes?
Thời phục hưng của học thuyết Keynes đã đến
Nhiều người cho rằng việc các nước quay lưng với lời kêu gọi tăng cường chi tiêu để kích thích kinh tế chẳng qua chỉ là thủ đoạn về chính trị. Một số khác còn hài hước cho rằng đảng Cộng hòa Mỹ phản đối tăng cường chi tiêu đơn giản vì họ ghét đảng Dân chủ.

Tuy nhiên, các nhà kinh tế học lại có những cách lý giải khác. Một số cho rằng quyết định thắt lưng buộc bụng mà giới chức và người dân các nước đưa ra không dựa trên nghiên cứu kinh tế, mà xuất phát từ một truyền thống lưu truyền hàng thế kỷ qua, đó là: Buôn tàu bán bè chẳng bằng ăn dè hà tiện - cũng giống như câu chuyện ngụ ngôn "Kiến và Cào Cào" (Kiến chăm chỉ tiết kiệm nên mùa đông vẫn có cái ăn, Cào Cào ham chơi đến mùa đông bị chết vì đói rét).

Số khác nữa thì nhận định chính sách các nước chỉ nhằm phục vụ cho lợi ích của các chủ nợ - những kẻ chỉ chăm chăm sợ mất tiền nếu các nước vỡ nợ hay lạm phát cao khiến tiền mất giá, để rồi ép buộc các nước vay nợ phải thắt chặt chi tiêu nhiều hơn.

Những lý giải trên ít nhiều đều phản ánh một vài sự thật. Tuy nhiên, chúng lại chủ yếu dựa trên một số nhận định sai lầm về hoàn cảnh kinh tế hiện tại. Từ những kinh nghiệm trong quá khứ, có thể nhận thấy việc thắt chặt chi tiêu quá mức chỉ khiến con người nghèo hơn. Nếu mọi người dừng mua sắm và tập trung tiết kiệm tiền, kinh tế sẽ trì trệ hơn, việc làm được tạo ra ít hơn và chi tiêu tiêu dùng từ đó cũng ít hơn.

Ngoài ra, vẫn còn 2 cách lý giải khác ít dựa trên những nhầm lẫn về kinh tế hơn. Lý giải đầu tiên, xuất hiện chủ yếu ở châu Âu, đó là những nước đang chìm trong khủng hoảng như Hy Lạp, Tây Ban Nha buộc phải thắt lưng buộc bụng theo yêu cầu của Đức, đơn giản vì họ không thể làm khác. Muốn thực hiện học thuyết của Keynes, họ buộc phải có tiền của Berlin.

Cách lý giải thứ 2 thì ít thuyết phục hơn khi cho rằng các nước cắt giảm chi tiêu vì lo sợ chi phí an sinh xã hội và y tế sẽ tăng mạnh trong thập kỷ tới.

Mặc dù không thể xác định cách lý giải nào mới là đúng đắn nhất, song có một sự thật không thể phủ nhận: Học thuyết Keynes có thể sẽ trở lại vào một ngày nào đó, nhưng chắc chắn không phải là ngày mai.

Nguồn NYTimes/Dân Việt


Sự kiện