Thời kỳ phục hưng ngành công nghiệp Mỹ bắt đầu
Tổng thống Barack Obama đã đánh giá cao làn sóng sản xuất nội địa này, trong khi Hal Sirkin thuộc công ty tư vấn Boston dự báo ngành công nghiệp Mỹ sắp bước vào giai đoạn phục hưng.
Ngành công nghiệp ở tất cả các nước phát triển đều lâm vào tình trạng suy giảm. Giữa những năm 1980-2010, giá trị của ngành công nghiệp Đức giảm từ 30% xuống còn 21% GDP, trong khi của Nhật Bản giảm từ 27% xuống còn 19%, dữ liệu của World Bank chỉ ra. Chỉ có Thụy Điển, sau khủng hoảng tài chính, giá trị ngành công nghiệp tăng và duy trì suốt hơn 1 thập kỷ.
Câu hỏi đặt ra là liệu các điều kiện của Thụy Điển có tồn tại ở Mỹ không.Yêu cầu trước tiên đó là nội tệ yếu. Theo dữ liệu của Ngân hàng thanh toán quốc tế, sau khi đạt đỉnh vào năm 1992, tỷ giá nội tệ của Thụy Điển giảm 27%. Trong khi đó, kể từ khi đạt đỉnh năm 2002, USD giảm 21%, đủ để làm nên một sự khác biệt lớn.
Một yếu tố khác nữa làm nên điều kỳ diệu của Thụy Điển đó là sự bùng nổ về năng suất lao động. Năm 1995, Thụy Điển gia nhập EU và mở cửa kinh tế đón đầu tư nước ngoài. Ngành công nghiệp nước này nhanh chóng tăng trưởng nhờ lượng vốn đầu tư đổ mạnh vào. Giữa năm 1996-2009, theo thống kê của OECD, năng suất lao động của Thụy Điển tăng 57%, trong khi Đức chỉ tăng 17%.
Hơn nữa, sức cạnh tranh của ngành sản xuất Mỹ cũng tăng sau khi nước này tham gia Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ và Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Vị thế này còn được tăng cường bởi sức mạnh cải tiến công nghệ của Mỹ.
Điều quan trọng hơn, ngành công nghiệp Mỹ đang được tận dụng “dữ liệu lớn” nhờ công nghệ. Theo khảo sát quản lý tại 30.000 doanh nghiệp sản xuất của Mỹ mới công bố, doanh nghiệp Mỹ nhìn chung quản lý tốt hơn các đối thủ nước ngoài.
Khảo sát chỉ ra, các nhà sản xuất của Mỹ tiếp tục hoàn thiện tốt hơn đặc biệt trong việc thu thập và phân tích dữ liệu trên mọi khía cạnh từ hành vi khách hàng đến hiệu suất dây chuyền sản xuất.
Hay có thể nói, giai đoạn phục hưng của ngành sản xuất Mỹ đang manh nha mặc dù còn nhiều trở ngại và đây có thể sẽ là liều thuốc cho “căn bệnh” thất nghiệp ở Mỹ.
Nguồn FT/Khampha