Thứ Năm | 04/10/2012 14:52

Thời kỳ hoàng kim của dầu mỏ Nga sắp kết thúc

Thặng dư USD từ dầu mỏ của Nga sẽ cạn kiệt vào năm 2015 khi hoạt động xuất khẩu dầu không đủ bù đắp các khoản thâm hụt do nhập khẩu.
Trong hơn một thập kỷ qua, các khoản ngoại tệ, đặc biệt là USD, thu về từ xuất khẩu dầu mỏ, luôn là bình phong chắc chắn bảo vệ Nga khỏi những cú sốc kinh tế từ bên ngoài. Tuy nhiên, trong một báo cáo mới đây, Ngân hàng trung ương Nga cho biết các khoản thặng dư USD từ dầu mỏ của Nga sẽ nhanh chóng cạn kiệt vào năm 2015, khi chi tiêu dành cho nhập khẩu vượt quá các khoản thu từ dầu.

Báo cáo trên cũng chính là lời xác nhận chính thức rằng mô hình kinh tế dựa trên xuất khẩu dầu  - đặc trưng của Nga dưới thời tổng thống Vladimir Putin - bắt đầu bước vào giai đoạn kết thúc.

các khoản ngoại tệ, đặc biệt là USD, thu về từ xuất khẩu dầu mỏ, luôn là bình phong chắc chắn bảo vệ Nga khỏi những cú sốc kinh tế từ bên ngoài.
Các khoản ngoại tệ thu về từ xuất khẩu dầu mỏ luôn là bình phong chắc chắn bảo vệ Nga khỏi những cú sốc kinh tế từ bên ngoài.

Trong giai đoạn từ năm 2000 đến 2011, thăng dư thương mại từ dầu mỏ của Nga ước đạt vào khoảng 785 tỷ USD, tương đương hơn 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga trong năm 2011. Với số ngoại tệ dự trữ khổng lồ đó, Nga chính thức trở thành quốc gia dự trữ tiền tệ lớn thứ 3 thế giới.

Số tiền dự trữ cũng cho phép điện Kremlin bơm hơn 200 tỷ USD nhằm ổn định thị trường trước cơn bão tài chính toàn cầu năm 2008-2009. Bên cạnh đó, chính phủ Nga cũng đủ khả năng bơm tiền vào các quỹ phòng hộ như quỹ dự trữ 61 tỷ USD, quỹ phúc lợi quốc gia 88 tỷ USD, nhằm tạo vùng đệm an toàn cho nền kinh tế trước những cú sốc tài chính của thế giới.

Tuy nhiên, điều đó cũng biến kinh tế Nga thành một "nền kinh tế thâm hụt kép", khi cả ngân sách chính phủ và cán cân thương mại nước ngoài đều tụt giảm. Đó quả thực là một điều vô cùng đáng lo ngại đối với các nhà hoạch định chính sách Nga.

Kinh tế trưởng tại Ngân hàng đầu tư Renaissance Capital, ông Ivan Tchakarov, nhận định: "Đây thực sự là một mô hình kinh tế vĩ mô hoàn toàn mới đối với một quốc gia quen lệ thuộc vào các khoản thặng dư từ bên ngoài như Nga".

Mô hình kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga sẽ chấm dứt vào năm 2015?
Mô hình kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Nga sẽ chấm dứt vào năm 2015?
Theo chiến lược tiền tệ được trình lên quốc hội hôm qua 3/10, Ngân hàng trung ương Nga cho biết thặng dư tài khoản vãng lai - bao gồm từ thương mại và các khoản thanh toán khác - sẽ giảm từ 79,9 tỷ USD trong năm 2012 xuống 25,2 tỷ USD trong năm 2013, và bị thâm hụt 8,8 tỷ USD vào năm 2015. Dự báo trên của ngân hàng trung ương được đưa ra với kịch bản giá dầu sẽ ở mức 104 USD/thùng vào năm 2015.

Dự đoán trên của Ngân hàng trung ương Nga cũng phù hợp với dự đoán của một số tổ chức tài chính lớn. Chẳng hạn, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự đoán, Nga sẽ chuyển từ thặng dư thương mại sang thâm hụt thương mại nhẹ vào năm 2016.

Theo các chuyên gia kinh tế, thời đại hoàng kim của dầu mỏ Nga kết thúc sẽ khởi đầu cho một sự thay đổi lớn trong quản lý kinh tế đất nước, đồng thời là một thử thách không nhỏ cho đương kim tổng thống Putin, người từng cam kết dành 1.000 tỷ rúp cho chương trình tăng lương và ngân sách trong cuộc bầu cử diễn ra hồi tháng 3 năm nay.

Nhiều người cho rằng thay vì phải trả lời câu hỏi làm thế nào để tận dụng các khoản thu còn lại từ dầu mỏ, chính phủ Nga sẽ phải lựa chọn một trong ba biện pháp đi vay, hạ giá đồng tiền hoặc phải chi tiêu tiết kiệm hơn.

Mặc dù vậy, một số nhà kinh tế tranh luận rằng giá dầu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới, và với giá dưới 130 USD/thùng, chắc chắn Nga sẽ thặng dư khoảng 51 tỷ USD vào năm 2015. Tuy nhiên, Ngân hàng trung ương Nga đã nhanh chóng bác bỏ luận điểm này và cho biết chi tiêu nhập khẩu của Nga sẽ nhanh chóng vượt qua xuất khẩu vào năm 2015, nếu tốc độ tiêu dùng vẫn duy trì ở mức hiện tại.

Việc từ bỏ phụ thuộc vào các khoản thu ngoại tệ từ dầu sẽ buộc chính phủ Nga phải cải cách triệt để nền kinh tế cũng như hệ thống pháp luật, đồng thời tăng cường thu hút các khoản đầu tư nước ngoài để bù đắp thâm hụt ngân sách, các nhà kinh tế nhận định.

Nguồn CNBC/Khampha


Sự kiện