Thời khốn khó của các nhà quản lý quỹ quốc tế
Các nhà quản lý quỹ toàn cầu đang gặp hạn lớn khi các quỹ đầu tư quốc gia rút về hàng tỉ USD để tiếp sức cho nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của nước mình trong bối cảnh giá dầu giảm và thâm hụt quốc gia ngày càng lớn.
Thực vậy, việc giá dầu sụt giảm mạnh kể từ tháng 6 năm ngoái đang khiến cho ngành quản lý quỹ chao đảo, khi các quốc gia sản xuất dầu mỏ rút tiền từ quỹ đầu tư quốc gia để bù đắp cho khoản lỗ từ hoạt động xuất khẩu. Trong số 50 quỹ đầu tư quốc gia của thế giới, vốn tổng cộng quản lý tới 6.500 tỉ USD, đã có đến 1/3 quỹ báo cáo mức giảm trong tài sản được đầu tư của họ.
Tính từ đầu năm đến nay, Saudi Arabian Monetary Agency (SAMA) của Ả Rập Saudi, quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 3 thế giới với 661 tỉ USD giá trị tài sản được đầu tư, đã rút khoảng 70 tỉ USD từ các nhà quản lý quỹ bên ngoài. “Một câu hỏi lớn là khi nào họ sẽ trở lại vì các nhà quản lý quỹ thực sự phụ thuộc vào SAMA trong những năm gần đây”, ông Nigel Sillitoe, Tổng Giám đốc Insight Discovery, lo ngại.
Mặc dù số tiền rút về một phần để bù đắp vào mức thâm hụt đang ngày càng lớn, nhưng nhiều nhà điều hành trong ngành cho biết ngân hàng trung ương của Ả Rập Saudi đang tìm cách tái đầu tư vào các sản phẩm có tính thanh khoản cao hơn và ít rủi ro hơn. “Họ không hào hứng với việc tài sản của họ được rót vào thị trường cổ phiếu toàn cầu (trong bối cảnh thị trường này đang có nhiều biến động)”, một nhà quản lý quỹ cho biết.
Theo các nguồn tin thân cận, những nhà quản lý quỹ có sợi dây ràng buộc chặt chẽ với các quỹ đầu tư quốc gia vùng Vịnh như BlackRock, Franklin Templeton và Legal & General, đều đã nhận được thư thông báo rút tiền.
Khoản mất mát này càng trầm trọng hơn khi các quỹ đầu tư quốc gia muốn cắt giảm chi phí đầu tư và hạn chế mối quan hệ với các nhà quản lý bên thứ 3. Một số quỹ đầu tư quốc gia tin rằng họ có thể làm tốt hơn việc quản lý tiền của mình với chi phí chỉ bằng một phần nhỏ mức phí của các nhà quản lý quỹ bên ngoài.
Quỹ dầu mỏ của Azerbaijan, vốn quản lý 37 tỉ USD giá trị tài sản, cho biết trong báo cáo hằng năm rằng quỹ dự định sẽ đưa tất cả các tài sản về cho nội bộ quản lý. Hiện quỹ này có khoảng 662 triệu USD được quản lý bởi công ty dịch vụ tài chính Mỹ State Street và 664 triệu USD do ngân hàng Thụy Sĩ UBS quản lý.
Tương tự, Abu Dhabi Investment Authority, quỹ đầu tư quốc gia lớn thứ 2 thế giới với 773 tỉ USD giá trị tài sản, cũng đã phát triển đội ngũ quản lý quỹ trong nhà. Quỹ này đã giảm tỉ lệ tài sản giao cho các nhà quản lý đầu tư bên ngoài quản lý từ 75% xuống còn chỉ 65% vào năm ngoái.
5 quỹ đầu tư quốc gia lớn nhất thế giới về giá trị tài sản quản lý. Trong số này có tới 3 quỹ là của các nước xuất khẩu dầu khí: Ảrập Saudi, UAE và Na Uy |
Đáng buồn hơn, theo một báo cáo mới đây từ Moody’s, thiệt hại nguồn thu cho các nhà quản lý tài sản sẽ còn kéo dài. “Quan điểm của chúng tôi là nếu giá dầu ở mức như hiện tại thì những quỹ dầu mỏ này sẽ tiếp tục rút tiền về”, Rory Callagy, Phó Chủ tịch bộ phận các dịch vụ nhà đầu tư tại Moody’s, nhận xét. “Chúng tôi không cho rằng giá dầu sẽ tăng trở lại trong nhiều quý tới. Trong dài hạn hơn, đó là một xu hướng mà chúng tôi đánh giá là tiêu cực đối với ngành quản lý tài sản”, ông nói thêm.
Moody’s cũng khuyến cáo việc các quỹ đầu tư quốc gia đang đưa tiền về nội bộ quản lý là một xu hướng dài hạn và những quỹ mà vẫn sử dụng các nhà quản lý bên ngoài “đang ráo riết hơn về chuyện thương thảo mức phí”.
Gary Smith, đứng đầu bộ phận các quỹ đầu tư quốc gia tại nhà quản lý tài sản Anh Barings, cũng đồng tình với nhận định này. “Hầu hết các quỹ đầu tư quốc gia có kế hoạch dài hạn tự quản lý tiền của mình. Họ thuê các nhà quản lý tài sản để học về các sản phẩm và mục đích cuối cùng là tự quản lý tiền trong nội bộ”, ông nói.
Một báo cáo gần đây do Deutsche Bank thực hiện về các quỹ đầu tư quốc gia cũng đi đến kết luận rằng xu hướng này có thể sẽ làm cho hầu bao thu phí của các nhà quản lý quỹ bị vơi nhiều. “Đây có lẽ là một thách thức lớn đối với ngành quản lý tài sản”, báo cáo viết.
Vậy ai sẽ bị thiệt nhiều nhất? Amin Rajan, Tổng Giám đốc Create Research, một công ty tư vấn quản lý tài sản, cho rằng: “Các nhà quản lý tài sản lớn sẽ bị tác động mạnh nhất vì các quỹ đầu tư quốc gia có xu hướng thích các thương hiệu nổi tiếng. Họ sẽ bị thiệt kép: mất nguồn thu phí trong khi giá trị tài sản quản lý lại giảm xuống”.
State Street là một trong số những nhà quản lý quỹ bị ảnh hưởng nặng nề. Công ty bị rút tới 65 tỉ USD trong quý II năm nay. Công ty cho biết khách hàng đang cần rút tiền về một phần là “do giá cả hàng hóa thấp hơn”.
Tập đoàn đầu tư tư nhân BlackRock, quản lý nhiều nhất lượng vốn từ các quỹ vùng Vịnh, dường như cũng bị ảnh hưởng do các đợt rút vốn. Tập đoàn này cho biết vốn rút ròng đã lên tới 24 tỉ USD từ châu Âu, Trung Đông và châu Phi trong quý II năm nay, so với vốn chảy vào 17,7 tỉ USD trong quý I. Những người tham gia thị trường cho rằng một phần là vì quỹ đầu tư quốc gia của Ả Rập Saudi và các quỹ vùng Vịnh khác như Abu Dhabi rút tiền về.
Sau những gì diễn ra với BlackRock hồi đầu tháng 10, một chuyên gia phân tích đã yêu cầu tập đoàn này nói rõ hơn về “mức độ đa dạng hóa mà BlackRock thực hiện giữa các quỹ đầu tư quốc gia có liên quan đến hàng hóa (như dầu mỏ) với các quỹ không liên quan đến hàng hóa”. Khi đó, Chủ tịch Robert Kapito của BlackRock đã trả lời rằng: “Đây là một câu hỏi hay, nhưng tôi không trả lời câu hỏi này vì tôi không nói về các khách hàng của mình”.
Hầu hết các công ty quản lý quỹ đều do dự như vậy khi nói về việc rút vốn của các quỹ đầu tư quốc gia. Invesco, Baillie Gifford, Investec và Aberdeen, cũng như BlackRock, đều từ chối bình luận.
Các công ty quản lý tài sản thuộc JPMorgan, Deutsche Bank và UBS cũng không muốn nói đến vấn đề này. Một công ty quản lý quỹ lớn chỉ nói rằng việc các quỹ đầu tư quốc gia rút vốn “đã tác động không nhỏ đến chúng tôi”. Tương tự, các quỹ đầu tư quốc gia giàu về dầu mỏ ở Na Uy, Abu Dhabi, Qatar, Nigeria, Kuwait và Ả Rập Saudi cũng từ chối trả lời.
Trong số ít các nhà quản lý quỹ chịu “mở miệng”, thông điệp họ đưa ra là trấn an. Gavin Ralston, đứng đầu bộ phận các định chế chính thức tại Schroders, tập đoàn quản lý quỹ niêm yết lớn nhất châu Âu, khẳng định công ty ông không chứng kiến “bất kỳ đợt rút vốn nào từ các quỹ đầu tư quốc gia có liên quan đến dầu mỏ”. Ông Smith cũng phủ nhận chuyện Barings đang bị các quỹ đầu tư quốc gia rút vốn. Tuy nhiên, ông cho biết có sự “chậm lại trong hoạt động mới” từ các quỹ này.
Đàm Hoa