Thời hoàng kim của Activist investor
Điều này cho thấy chúng ta đang sống trong thời đại hoàng kim của các activist investor (nhà đầu tư mua số cổ phần lớn và có chân trong hội đồng quản trị của một doanh nghiệp với mục đích tác động nhằm tạo sự thay đổi ở doanh nghiệp đó).
Việc các activist investor mua lại cổ phần trong một công ty lớn nào đó đã trở thành chuyện thường ngày. Nếu ai thường xuyên đọc chuyên mục tài chính trên báo, sẽ thấy những cái tên quen thuộc như David Einhorn của Greenlight Capital, Nelson Peltz của Trian Partners, Dan Loeb của Third Point, Paul Singer của Elliot Management, hay Bill Ackman của Pershing Square.
Hoạt động của các nhà đầu tư này đang rất nhộn nhịp, nhất là khi họ đang nắm giữ lượng tài sản rất lớn. Theo Wall Street Journal, các quỹ đầu cơ activist investor hiện có 65,5 tỉ USD tài sản được quản lý so với chưa tới 12 tỉ USD cách đây 10 năm. Phần lớn số tiền này đến từ các nhà đầu tư tổ chức lớn, trong đó có các quỹ hưu bổng và các quỹ quyên trợ của trường đại học.
Trong giới activist investor, Carl Icahn là gương mặt nổi trội nhất. Ông từng bị gán với biệt danh “kẻ đột kích doanh nghiệp” (ông rất ghét biệt danh này). Điều này là có căn nguyên. Icahn đã nắm quyền kiểm soát TWA vào năm 1985, bán đi nhiều tài sản có giá trị của hãng hàng không Mỹ này. Kết cục là đẩy TWA đến bờ vực phá sản chỉ chưa đầy 1 thập kỷ sau khi ông nắm quyền kiểm soát.
Nhưng giờ Icahn thường được nhắc đến là một activist investor. Ông mua cổ phần trong những công ty hoạt động chưa hiệu quả và đề xuất các chiến lược để giúp gia tăng giá trị cổ đông. Một số người nhận xét ông hiện là người bạn thân của cổ đông. “Ông ấy rất thông minh và khả năng của ông trong việc tạo ra giá trị cho cổ đông là số 1”, Ken Squire, nhà sáng lập 13D Monitor và 13D Activist Fund, nhận xét.
Icahn Enterprises là một cỗ máy đầu tư rất quyền lực khi tạo ra mức lợi nhuận trung bình 20% mỗi năm trong thập kỷ qua. Nhiều nhà đầu tư thậm chí dõi theo nhất cử nhất động của ông để điều chỉnh danh mục đầu tư của mình. Việc giá cổ phiếu Apple quay trở lại mức hơn 500 USD/cổ phiếu nhờ có sự góp mặt của Icahn là một ví dụ cho sức nóng của ông.
Tại sao các activist investor lại bành trướng như vậy? Nelson Peltz, ông chủ của Trian Partners, cho rằng: “Thị trường trở nên quá hiệu quả. Do đó, thay vì cố dự đoán điều gì sẽ xảy ra, chúng tôi mua cổ phần và mục tiêu của chúng tôi là buộc công ty đó phải làm những điều vì lợi ích tốt nhất của cổ đông”, Peltz nói. Nói cách khác, thay vì ngồi dự đoán, các activist investor chủ động thay đổi diễn biến tương lai của cổ phiếu.
Đối tượng nhắm đến của các nhà đầu tư này hiện nay thường là các công ty rất lớn. Tính đến tháng 4.2013, gần 30% trong số các công ty mà activist investor mua cổ phần và có chân trong Hội đồng Quản trị là có mức vốn hóa thị trường hơn 1 tỉ USD, theo FactSet SharkRepellent.
Đáng chú ý là sau khi có sự góp mặt của các activist investor, diễn biến giá cổ phiếu của các công ty rất khả quan. Hồi tháng 7, ông Lucian Bebchuk, chuyên gia quản trị cổ đông của Trường Harvard, Giáo sư Alon P. Brav của Trường Kinh doanh Fuqua (Đại học Duke) và Giáo sư Wei Jiang của Trường Kinh doanh Columbia đã công bố một báo cáo nghiên cứu đối với 2.000 sự kiện can thiệp của các quỹ đầu cơ activist từ năm 1994 đến năm 2007.
Họ thấy rằng trong ngắn hạn, giá cổ phiếu tăng khoảng 6% khi các activist investor can thiệp vào. Điều thú vị hơn là nghiên cứu chỉ ra rằng mức tăng này hoàn toàn không hề mang tính tạm thời.
Trong khoảng thời gian 5 năm sau khi một activist investor nhảy vào can thiệp, giá cổ phiếu của các công ty có xu hướng duy trì mức tăng này và các doanh nghiệp đều không hề làm ăn kém hiệu quả.
Điều đó đúng thậm chí khi các activist investor sử dụng các chiến thuật “thù địch” như yêu cầu công ty phải tăng sử dụng đòn bẩy tài chính hoặc thúc giục phải trả khoản cổ tức lớn hơn cho cổ đông.
Những nghiên cứu trên đã đưa ra một kết luận hoàn toàn ngược lại với quan điểm xưa nay cho rằng các activist investor chỉ tìm kiếm lợi nhuận ngắn hạn bất chấp sức khỏe dài hạn của doanh nghiệp.
Thực tế cho thấy, các quỹ đầu cơ liên quan đến activitst investor không thực sự là các nhà đầu tư ngắn hạn. “Quỹ đầu cơ activist trung bình nắm giữ cổ phiếu tại một công ty trong 20 tháng, theo một nghiên cứu.
Ngược lại, một nghiên cứu khác chỉ ra rằng các nhà đầu tư tổ chức mới là những người tích cực giao dịch: 7% các giao dịch mua bán của họ là được thực hiện chỉ trong chưa đầy 1 tháng. Như vậy, các quỹ đầu cơ activist luôn tìm cách tạo ra giá trị dài hạn nào đó cho một doanh nghiệp để có thể thu hút các nhà đầu tư khác mua cổ phiếu của doanh nghiệp đó”, Steven M. Davidoff, Giáo sư trường Luật Michael E. Moritz, cho biết.
Thế nhưng, khả năng của các activist investor cũng có giới hạn. Thất bại tại JCPenny là một minh chứng. Nhà đầu tư Bill Ackman đã tìm cách để tái thiết JCPenney dưới sự lãnh đạo của Ron Johnson, từng là nhà điều hành tại Apple. Thế nhưng, dưới thời của Johnson, công ty này đã làm ăn rất bết bát và cuối cùng Johnson đã bị sa thải. Ackman gần đây đã rời khỏi Hội đồng Quản trị của JCPenney sau khi một nỗ lực khác của ông bị các thành viên hội đồng quản trị khác bác bỏ.
Stephen Bainbridge, Giáo sư Trường luật thuộc Đại học California, Los Angeles (UCLA), cho rằng các activist investor có thể là đi quá xa khi họ thay đổi cách doanh nghiệp làm kinh doanh.
Các quỹ đầu cơ có thể biết được khi nào nên tăng cổ tức, tài sản nào nên bán, nên mua lại công ty nào, nhưng nếu đưa ra các quyết định liên quan đến hoạt động doanh nghiệp thì dường như là quá sức đối với họ bởi bản chất của họ là nhà đầu tư tài chính, chứ không phải nhà điều hành doanh nghiệp.
Một nhà quản lý quỹ đầu cơ không tạo ra được một chiếc iPhone, nhưng là người có thể đưa một doanh nghiệp đi đến phá sản như Icahn đã làm đối với TWA.
Nguồn Đầu Tư Chứng Khoán