Một xu hướng đang lên là làn sóng đầu tư chủ động bắt đầu từ Mỹ đã trở thành chủ đạo ở châu Âu và nhanh chóng phổ biến ở nhiều nước châu Á. Ảnh: Worldfinance.com
Thời của nhà đầu tư chủ động
Không nhiều công ty có mức lợi nhuận ì ạch trong suốt thập niên qua lại chứng kiến giá cổ phiếu tăng mạnh gấp hơn 3 lần như hiện nay. Đó là cách Fujitec, một nhà sản xuất thang máy Nhật, bỗng dưng trở nên nổi tiếng. Lý do cho sự cuồng nhiệt này không phải vì kết quả kinh doanh vượt trội trong quá khứ của Fujitec mà do sự kỳ vọng về những thay đổi mạnh mẽ sẽ diễn ra ở công ty này qua chiến dịch ráo riết của nhóm nhà đầu tư chủ động tại đây.
Thực ra, Fujitec đã đối mặt với chiến dịch dài kỳ trong nhiều năm từ phía nhà đầu tư chủ động, vốn đã dẫn đến việc sa thải 3 thành viên Hội đồng Quản trị vào đầu năm nay, không lâu sau đó là thay thế vị Chủ tịch Hội đồng Quản trị - con trai của nhà sáng lập nên công ty này.
Fujitec chỉ là một trong vô số mục tiêu của các nhà đầu tư chủ động nhằm thúc đẩy những cải cách mạnh mẽ ở những doanh nghiệp mà họ góp vốn. Phát pháo mở màn cho năm 2023 gây rung chuyển cả thế giới kinh doanh là khi Hindenburg Research (Mỹ) cáo buộc Adani Group, một trong những tập đoàn kinh tế lớn nhất Ấn Độ, “đã trắng trợn thao túng cổ phiếu và gian lận kế toán”, thậm chí tuyên bố đây là “vụ lừa đảo lớn nhất trong lịch sử doanh nghiệp”. Chiến dịch của Hindenburg chống lại Adani đã khiến vốn hóa thị trường của tập đoàn này bốc hơi 108 tỉ USD chỉ trong vài ngày.
Chiến dịch đầu tư chủ động đã tăng nhanh kể từ năm 2017, sau đó đạt kỷ lục vào năm 2022 với 929 công ty trở thành mục tiêu công khai của các chiến dịch đầu tư chủ động mới, tăng 6% so với năm 2021 (theo báo cáo Shareholder Activism Annual Review của Insightia). Năm 2023 tiếp tục chứng kiến các chiến dịch ngày càng ráo riết của các nhà đầu tư chủ động gây khốn đốn cho ban quản trị tại nhiều doanh nghiệp từ HSBC (Ken Lui yêu cầu phải chia tách ngân hàng này) cho đến Bayer (Jeff Ubben gây áp lực buộc Bayer sa thải CEO), hay BP (các nhà đầu tư chủ động đệ trình nghị quyết thúc giục hãng dầu mỏ này phải đặt ra các mục tiêu thải khí nghiêm ngặt hơn nữa).
Theo báo cáo của Barclays, ngày càng nhiều nhà đầu tư chủ động yêu cầu các doanh nghiệp phải thực hiện M&A... Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2023, có tới 46% trong tổng số chiến dịch đã đưa ra yêu cầu M&A như bán lại toàn bộ hoặc một bộ phận công ty, cao hơn con số 42% trung bình 4 năm (2019-2022). Các nhà đầu tư chủ động cũng ráo riết giành ghế trong ban quản trị, khi giành được 81 ghế trong 6 tháng đầu năm nay, cao hơn mức trung bình 4 năm là 78 ghế.
Một xu hướng đang lên là làn sóng đầu tư chủ động bắt đầu từ Mỹ đã trở thành chủ đạo ở châu Âu và nhanh chóng phổ biến ở nhiều nước châu Á, nơi việc cải tổ những công ty lâu đời, có tính bảo thủ, nằm trong tay các gia tộc đang ngày càng dễ dàng hơn. Bằng chứng là số công ty chịu sự “quấy rầy” của các chiến dịch đầu tư chủ động trên khắp châu Á đã tăng đáng kể trong những năm gần đây, từ 102 vào năm 2017 lên tới 188 công ty vào năm ngoái và 167 công ty chỉ trong 6 tháng đầu năm 2023, theo dữ liệu của Diligent Market Intelligence. Điều đó đã nâng tỉ trọng của châu Á trong toàn cầu từ 10% lên 23%, vượt qua cả châu Âu.
Cơ hội cho các nhà đầu tư chủ động là rất lớn, khi trong thập niên qua hàng loạt quy định pháp luật được ban hành theo hướng thân thiện với cổ đông nhiều hơn, cùng sự trỗi dậy của một tầng lớp mới các nhà đầu tư chủ động châu Á. Trong khi đó, mức định giá cổ phiếu khắp châu Á nhìn chung ở mức thấp, đặc biệt với những công ty tầm trung. Lượng tiền mặt cũng dồi dào hơn. Các công ty phi tài chính ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương trị giá hơn 10 tỉ USD đang ngồi trên lượng tiền khổng lồ 1.940 tỉ USD, gấp hơn 50% so với cách đây 5 năm. Các doanh nghiệp giàu tiền lắm bạc với kiểu quản lý thâm căn cố đế cùng mức định giá thấp là loại hình ưa thích của các nhà đầu tư chủ động, vì đang ở giai đoạn chín mùi để thực hiện cuộc cải tổ mạnh mẽ.
Fujitec là một ví dụ điển hình cho những lợi ích của việc cải tổ dàn quản lý hiện hữu. Trong 3 năm qua Hội đồng Quản trị Fujitec đã không ngừng bị chất vấn bởi Oasis Management, một quỹ đầu tư chủ động có trụ sở tại Hồng Kông, nhằm mục đích thúc đẩy thay đổi trong việc phân bổ vốn và trả cổ tức cao hơn cho cổ đông...
Những thay đổi trong cách mà các công ty niêm yết Nhật được điều hành, thông qua việc sửa đổi luật quản trị doanh nghiệp, đã giúp cho Nhật trở nên một trung tâm mới cho các chiến dịch đầu tư chủ động. Làn sóng này cũng đã nhanh chóng vượt ra khỏi biên giới nước Nhật. Trong nửa đầu năm 2023, các công ty Hàn Quốc đã đối mặt với số chiến dịch đầu tư chủ động cao thứ 3 trên thế giới, từ vị trí thứ 5 vào năm ngoái và thứ 7 năm 2021. Singapore cũng đã có 7 chiến dịch đầu tư chủ động trong 6 tháng đầu năm nay.
Mặc dù các quy định quản trị doanh nghiệp đã thay đổi theo hướng thân thiện với cổ đông hơn rất nhiều trong thập niên qua nhưng thực tế cũng có nhiều khác biệt. Theo nhận định của Gen Goto (Đại học Tokyo), Alan K. Koh (Đại học Công nghệ Nanyang) và Dan W. Puchniak (Đại học Quản lý Singapore), dù Hồng Kông, Ấn Độ, Malaysia, Singapore, Đài Loan và Thái Lan đã ban hành các quy định quản trị doanh nghiệp của riêng họ, nhưng sự ủng hộ rộng rãi đối với quyền can thiệp lớn hơn của cổ đông thì vẫn còn xa vời. 3 vị chuyên gia này cho rằng các quy định không thực sự được ban hành cho mục đích phá vỡ tình trạng hiện tại ở doanh nghiệp và thiếu "sức nặng” về pháp lý để thực hiện điều đó.
Hơn nữa, cấu trúc của các thị trường trong khu vực cũng rất khác nhau. Tại phần lớn châu Á, cơ cấu sở hữu doanh nghiệp có tính tập trung cao và một loạt nhà đầu tư có mối quan hệ chính trị và có sức ảnh hưởng cũng khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn. Thời điểm cuối năm 2020, tỉ lệ sở hữu trung bình của 3 cổ đông lớn nhất tại các công ty niêm yết ở thị trường Hồng Kông và Singapore là 62%, so với 72% ở Indonesia, 41% ở Nhật và 48% ở Hàn Quốc, theo OECD và Diligent Market Intelligence.
Hiện hầu hết các nước ở châu Á vẫn chưa “mở khóa” được thậm chí một phần nhỏ tiềm năng từ hoạt động đầu tư chủ động. Ấn Độ đến bây giờ vẫn chứng kiến số lượng yêu cầu thay đổi từ nhà đầu tư chủ động chỉ 1 con số mỗi năm (theo Diligent Market Intelligence). Invesco (Mỹ) đã bán ra số cổ phần nắm giữ tại Zee Entertainment Enterprises (Ấn Độ) vào đầu năm nay sau một chiến dịch thất bại. Tại Trung Quốc, các chiến dịch thỉnh thoảng cũng thành công, nhưng đó là vì đề xuất cải cách từ phía nhà đầu tư chủ động không đe dọa đến sức ảnh hưởng của chính quyền đối với bức tranh tổng thể doanh nghiệp.
Có thể bạn quan tâm
Hàng tỉ USD lợi nhuận của doanh nghiệp phương Tây bị "đóng băng" ở Nga
Nguồn Tổng hợp