Thứ Ba | 09/06/2015 20:30

Thời bùng nổ của Trung Quốc đã qua

Theo hãng Gavecal Dragononics, lạm phát tại Trung Quốc giảm trong tháng 5, tăng khả năng nền kinh tế này sẽ thực hiện thêm các biện pháp kích thích.

Theo báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia, lạm phát theo năm của Trung Quốc đã giảm xuống 1,2% trong tháng 5 từ mức 1,5% của tháng 4 do giá thực phẩm giảm mạnh, đặc biệt là giá thịt lợn. Con số trên cũng thấp hơn mức dự báo là 1,3%.

Chỉ số giá sản xuất (PPI) vẫn đứng ở mức âm 4,6%, đồng nghĩa với việc giá sản xuất của nước này đang hướng tới năm giảm phát thứ tư liên tiếp.

Các chuyên gia kinh tế cho rằng tình trạng giảm phát giá sản xuất đang là mối quan tâm đặc biệt vì giá hàng hóa đang phục hồi nhưng giá sản xuất vẫn giảm.

Theo chuyên gia kinh tế Xie Dongming của ngân hàng OCBC Bank, áp lực quay lại lạm phát vẫn còn rất xa đối với Trung Quốc và chỉ số CPI có thể sẽ tiếp tục đứng ở mức thấp, tạo dư địa cho việc tiếp tục giảm lãi suất cũng như giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

Hồi tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã giảm lãi suất lần thứ ba trong vòng 6 tháng sau khi giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với các ngân hàng 2 lần. Tuy nhiên, các biện pháp trên gần như không tác động gì đến tình hình giảm phát.

Một số chuyên gia kinh tế tin rằng Trung Quốc có thể bị dính “bẫy thanh khoản” do lượng cung tiền tăng nhưng lại không mang lại hiệu quả từ hoạt động đầu tư.

Trong một môi trường mà lợi nhuận từ hoạt động đầu tư thấp hơn mức lãi suất cho vay danh nghĩa là 5,1%/năm hiện nay, và lãi suất cho vay dài hạn thực tế còn cao hơn nhiều, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp sẽ thấy không có động lực để đầu tư.

Một số người cho rằng tác động của việc nới lỏng chính sách chỉ được ghi nhận trên thị trường chứng khoán, nơi chỉ số chứng khoán chính của Trung Quốc đã tăng hơn 2 lần kể từ khi nước này hạ lãi suất vào tháng 11 năm ngoái.

Theo một khảo sát của Reuters, các chỉ báo kinh tế trong tháng 5 sẽ không làm thay đổi nhiều bức tranh chung của một nền kinh tế đang phải chật vật với sự đi xuống của thị trường bất động sản, tình trạng công suất quá mức của các nhà máy, và nợ nần của các chính quyền địa phương.

Ngành công nghiệp nặng của Trung Quốc, vốn dẫn dắt nền kinh tế kể từ đầu những năm 2000, giờ đây ngoài việc đang phải vật lộn với tình trạng công suất quá mức, còn phải chịu áp lực do giá hàng hóa giảm.

"Rõ ràng, thời bùng nổ đã qua, và nhiều khó khăn hơn đang chờ phía trước", chuyên gia Arthur Kroeber của hãng Gavecal Dragononics viết trong một báo cáo nghiên cứu.

Nguồn NDH