Petro times
Thỏa thuận TPP phiên bản cuối cùng đã được công bố
Theo Reuters, hơn 20 điều khoản đã được đình chỉ hoặc thay đổi trong bản toàn văn cuối cùng của TPP-11, trước khi thỏa thuận được chính thức ký kết vào tháng tới. Những điều khoản này bao gồm các quy định về quyền sở hữu trí tuệ vốn được đưa vào thỏa thuận TPP ban đầu theo yêu cầu của Mỹ.
Thỏa thuận TPP ban đầu đã rơi vào bế tắc hồi đầu năm 2017 sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút khỏi thỏa thuận nhằm ưu tiên bảo vệ việc làm cho người lao động Mỹ.
Sau khi Mỹ rút lui, 11 nước còn lại trong TPP đã hoàn tất một thỏa thuận điều chỉnh vào tháng 1 vừa qua. Thỏa thuận mới này có tên gọi là Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Theo dự kiến, thỏa thuận sẽ được ký kết tại Chile vào ngày 8/3.
Thỏa thuận sẽ giảm hàng rào thuế quan giữa 11 quốc gia thành viên - nhóm nước chiếm 13% GDP toàn cầu, tương đương khoảng 10 nghìn tỷ USD. Nếu có Mỹ, các nước tham gia CPTPP sẽ chiếm 40% GDP toàn cầu.
Giáo sư Kimberlee Weatherall thuộc Đại học Sydney nhận định các thay đổi lớn bao gồm việc đình chỉ nhiều điều khoản của thỏa thuận ban đầu và việc tạm dừng nhiều điều khoản gây tranh cãi, nhất là các điều khoản về dược phẩm.
Chính phủ các nước lo ngại rằng quy định về tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ về dược phẩm sẽ khiến giá thuốc tăng cao.
Nhật Bản và các nước thành viên khác xem thỏa thuận đạt được lần này như một đối trọng với chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng ở Mỹ, và hy vọng nước này sẽ quay trở lại thỏa thuận.
Bộ trưởng Bộ Thương mại New Zealand David Parker phát biểu ngày 21.2 rằng: "CPTPP đã trở nên quan trọng hơn do xuất hiện các yếu tố đe dọa sự hoạt động hiệu quả của các quy tắc mà Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đề ra".
Tháng trước, phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) tại Davos, Thụy Sỹ, ông Trump để ngỏ khả năng Mỹ quay trở lại CPTPP nếu đạt được một thỏa thuận tốt hơn.
Tuy nhiên, ông Parker cho rằng triển vọng Mỹ gia nhập CPTPP trong vòng 2 năm tới là "rất khó xảy ra". Và cho dù Mỹ cho muốn gia nhập lại CPTPP, các thành viên của thỏa thuận sẽ khó lòng phục hồi các điều khoản bị đình chỉ.
Ông Parker cũng nói thỏa thuận có thể sẽ được thực thi từ cuối năm 2018 hoặc đầu năm 2019.
Theo những thông tin mới nhất, 25/51 Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa đã gửi đơn kiến nghị ông Trump tích cực làm việc để đưa Mỹ quay trở lại TPP
Về những lợi ích mà hiệp định lần này mang lại, Bộ trưởng Bộ Thương mại Australia, ông Steven Ciobo, cho biết: "CPTPP sẽ giúp tạo thêm việc làm tại Australia trong tất cả các lĩnh vực, gồm nông nghiệp, chế tạo, khai khoáng, dịch vụ, bởi thỏa thuận sẽ tạo ra những cơ hội mới trong một khu vực tự do mậu dịch trải rộng từ châu Mỹ tới châu Á".
Chính phủ New Zealand dự kiến CPTPP sẽ giúp GDP nước này tăng thêm từ 1,2 đến 4 tỷ Đôla New Zealand mỗi năm. Trong đó, các công ty xuất khẩu thịt bò và quả kiwi của nước này sẽ là một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất.
11 nước thành viên của CPTPP bao gồm Việt Nam, Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru và Singapore.