Thứ Hai | 03/12/2012 17:17

Thỏa thuận nợ với Hy Lạp khó giúp eurozone đẩy nhanh phục hồi kinh tế

Hy Lạp đã thoát khỏi nguy cơ vỡ nợ, song điều đó không giúp eurozone đẩy nhanh quá trình phục hồi và tránh khỏi "thập kỷ mất mát" như Nhật Bản.
Trong thời gian qua, trong khi những chính sách thiên về thắt lưng buộc bụng thay vì tập trung tăng trưởng kinh tế của châu Âu không phát huy hiệu quả, chính những tiến triển trong kinh tế Mỹ và Trung Quốc nói riêng và nền kinh tế thế giới nói chung đã đóng vai trò là động lực chính đẩy mạnh quá trình hồi khu vực đồng euro (eurozone).

Được lợi nhất phải kể đến sự hồi phục mạnh mẽ của Ireland và Bồ Đào Nha cùng những cải thiện trong thị trường vốn trong những tháng cuối năm. Từ đó nhiều người tin tưởng những điều chỉnh nghiêm ngặt về tài khóa sẽ giúp châu Âu có thể đi đúng hướng.

Hôm 26/11 vừa qua, Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã ký thỏa thuận cứu trợ giúp Hy Lạp có thể tiếp tục là thành viên của eurozone. Như vậy, Hy Lạp có thể tránh được nguy cơ vỡ nợ ít nhất là trong 2 năm tới. Thỏa thuận này cũng giúp loại bỏ nguy cơ gây cú sốc tài chính với eurozone và gây hoảng loạn cho thị trường, đồng thời đẩy eurozone vào trạng thái nguy kịch như hồi đầu năm nay.

Các nhà hoạch định chính sách eurozone cũng kỳ vọng việc đạt thỏa thuận nợ với Hy Lạp sẽ góp phần tạo thêm bàn đạp cho sự phục hồi của eurozone. Bộ trưởng tài chính Pháp Pierre Moscovici đã gọi thỏa thuận hôm 26/11 là "bước ngoặt với eurozone", bởi nó giúp tái tạo sự ổn định và củng cố niềm tin cho các nhà đầu tư. "Số phận của Hy Lạp tại eurozone sẽ không còn là vấn đề đáng lo ngại mỗi ngày", ông Moscovici khẳng định.

Tuy nhiên, các nhà phân tích kinh tế lại không đồng ý với nhận định này. Nhà phân tích của Eurasia Group, ông Mujtaba Rahman, nhận định thỏa thuận nợ Hy Lạp chỉ giữ eurozone đi đúng hướng, chứ không thể giúp khu vực phục hồi nhanh hơn.

Trong khi đó, trong dự báo mới nhất, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) cùng nhiều nhà phân tích kinh tế nhận định 17 quốc gia thuộc khu vực đồng eurozone sẽ tiếp tục phải chịu đựng tình trạng suy thoái trong những năm tiếp theo. Bên cạnh đó, số lượng người thất nghiệp ở eurozone sẽ tiếp tục tăng cao, có nguy cơ xóa sổ mọi nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách và nợ công của chính phủ các nước.

Theo báo cáo, những rủi ro chính trị tại Italia và trên toàn châu Âu, sự phản đối của người dân đối với những chính sách thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp, Tây Ban Nha hay Bồ Đào Nha, cùng những tranh cãi trong cải cách cơ cấu và tình trạng thất nghiệp gia tăng tại Pháp sẽ là những yếu tố kéo lùi quá trình phục hồi của eurozone, thậm chí đẩy khu vực vào "thập kỷ mất mát" như Nhật Bản.

Mới đây, chủ tịch Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB), ông Mario Draghi - người luôn lạc quan vào sự phục hồi của eurozone trong nửa cuối năm 2012 - cũng phải lên tiếng cảnh báo rằng khủng hoảng khu vực đang xấu đi và chính phủ các nước thành viên cần phải tăng cường củng cố ngân sách, cũng như giảm sự mất cân bằng trong tài khoản vãng lai.

Trong số các nước đang gặp khó khăn của eurozone, Pháp - nền kinh tế lớn thứ 2 khu vực - được cảnh báo có thể sẽ là tâm bão tiếp theo của eurozone nếu những cải cách về tài chính, phúc lợi xã hội và thị trường lao động của tổng thống Francois Hollande không đáp ứng được kỳ vọng.

Hiện tại, chi phí đi vay của Pháp đang gần mức thấp lịch sử, bất chấp việc Moody's chính thức hạ xếp hạng tín dụng AAA của Paris hồi đầu tháng này. Trước đó, hồi đầu tháng 1, S&P cũng tuyên bố hạ xếp hạng tín dụng của Pháp.

Fitch là hãng xếp hạng duy nhất còn giữ xếp hạng AAA của Pháp, song cũng lên tiếng cảnh báo sẽ hạ nếu Paris không đáp ứng được các mục tiêu giảm thâm hụt ngân sách và nền kinh tế thực tiếp tục xấu hơn so vơi dự báo.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện