Thỏa thuận lịch sử 1.000 tỷ USD của WTO đổ vỡ
Lẽ ra, chậm nhất cho tới ngày 31/7, tất cả các thành viên WTO phải hoàn tất thủ tục phê chuẩn để các hiệp định có hiệu lực.
Đàm phán thất bại khi chính phủ Ấn Độ tiếp tục đưa ra những yêu cầu khó được chấp thuận. Theo đó, để đổi lại việc Ấn Độ ký kết thỏa thuận Bali, họ cần một hiệp định cho phép họ tự do trợ giá và dự trữ ngũ cốc thay vì tuân thủ các quy định của WTO.
Một số nước đã tính đến chuyện loại Ấn Độ khỏi thỏa thuận thương mại này, và Phòng thương mại quốc tế cũng đã hối thúc các thành viên WTO thông qua kế hoạch đó.
Thất bại của thỏa thuận Bali có thể coi là một bước lùi đối với thương mại toàn cầu và làm dấy lên câu hỏi vai trò là diễn đàn cho các đàm phán thương mại toàn cầu cũng như cơ quan trọng tài giiar quyết các tranh chấp thương mại của WTO. Đại sứ Mỹ tại WTO tuần trước cho rằng, đàm phán nếu thất bại sẽ “giết chết” thỏa thuận Bali đạt được hồi tháng 12 năm ngoái.
Ngày 7/12/2013, lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi Tổ chức thương mại thế giới WTO ra đời, các thành viên của tổ chức này đã đạt được một thỏa thuận toàn cầu. Thỏa thuận này bao gồm những cam kết tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động thương mại bằng cách đơn giản hóa các thủ tục hải quan, mà theo các nhà kinh tế có thể đem đến cho nền kinh tế thế giới cú hích 1000 tỷ USD.
“Thỏa thuận Bali” là một phần nội dung quan trọng của Vòng đàm phán Doha vốn bế tắc suốt hơn 12 năm qua do bất đồng giữa các nước phát triển và đang phát triển liên quan đến các thoả thuận về tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, trong đó nông nghiệp là nội dung gay cấn nhất và chiếm thời gian nhiều nhất.