Thứ Hai | 16/04/2012 10:14

Thiếu điện đe dọa tăng trưởng kinh tế Myanmar

Điện là thứ hàng tiêu dùng xa xỉ ở nhiều vùng của Myanmar.
Một người đàn ông 48 tuổi hai cánh tay đầy vết dầu đang ra sức sửa một động cơ diesel 22 mã lực – nguồn cấp điện duy nhất cho 200 dân làng Kya-oh. Cảnh tượng này khá quen thuộc ở các vùng nông thôn Myanmar.

Người đàn ông tên Win Maung này nói: “Chúng tôi không tin chính phủ sẽ cấp điện, do đó chúng tôi phải tự làm cho mình. Chúng tôi chỉ có thể hy vọng các công ty nước ngoài tới giúp”.

Ngôi làng Kya-oh nằm ở vùng đất giàu tài nguyên dầu lửa của Myanmar, nhưng khu vực này không được hòa vào mạng lưới điện quốc gia. Như nhiều ngôi làng khác, hàng trăm người dân ở làng Kya-oh rơi vào cảnh thiếu điện. Các hộ gia đình ở đây nhiều khi phải sử dụng ắc quy để thắp sáng vào ban đêm.

Những cải cách dân chủ sau 1 năm biến đổi chính trị ở Myanmar sau 1 nửa thế kỷ làm dấy lên hy vọng phương Tây sẽ bắt đầu dỡ bỏ lệnh trừng phạt Myanmar.

Tuy nhiên, tình trạng thiếu nguồn cung năng lượng rẻ và ổn định có thể sẽ làm chậm đã phát triển kinh tế của nước này, buộc cả doanh nghiệp và người tiêu dùng phụ thuộc vào các máy phát hay nhiên liệu nhập khẩu đắt đỏ.

Đối với các công ty đa quốc gia ở Myanmar, thiếu điện có thể khiến họ phải trì hoãn tiến độ đầu tư. Trong khi đó, một số khác coi đây là cơ hội để mở rộng hoạt động cung cấp năng lượng.

Tại In Kya-oh, mỗi hộ gia đình phải trả 3.000 kyat (3,65 USD)/tháng để tiêu thụ 2,5 giờ điện mỗi tối, và 1.500 kyat nữa nếu sử dụng tivi. Số tiền này tương đương 1 tuần lương của nhiều người dân địa phương, hay 1/3 trong tổng số dân 60 triệu người ở Myanmar. Giá điện ở thủ đô Yangon của Myanmar là 35 kyat/h, trong khi ở thành phố Sittwe gấp 12 lần con số này.

Những cải cách dân chủ chưa từng có ở Myanmar năm qua có thể tạo ra làn sóng đầu tư nước ngoài vào nước này và cải thiện điều kiện cung cấp năng lượng cho người dân nếu Chính phủ Myanmar ưu tiên lĩnh vực này.

Tuy vậy, quá trình này dù nhanh đến mấy cũng cần có thời gian. Các doanh nghiệp năng lượng phương Tây cho biết khi lệnh trừng phạt Myanmar được dỡ bỏ, mất ít nhất 2 năm nữa mới có thể tăng sản lượng điện cho nước này do hậu quả của nhiều thế kỷ quản lý sai và sự thờ ơ của chính phủ.

Giám đốc điều hành Bagan Capital, ông Jeremy Kloiser-Jones, cho rằng, vấn đề lớn nhất với ngành điện Myanmar hiện giờ là cơ sở hạ tầng, nước này cần hàng tỷ USD đầu tư vào ngành này.

Chính phủ Myanmar thì cho rằng, nhu cầu tiêu thụ điện nội địa sẽ tăng ít nhất 2 lần nếu có nguồn cung điện.

Với số dân ngang bằng Myanmar, khoảng 65 triệu dân, Thái Lan có mức tiêu thụ điện bình quân đầu người gấp 20 lần Myanmar, với 99% dân số có điện. Điều này một phần nhờ nguồn khí đốt Thái Lan nhập của Myanmar.

Chính phủ Myanmar coi thủy điện là nguồn cung điện chính trong tương lai gần, cho phép nước này tiếp tục xuất khẩu hầu hết khí đốt cho Thái Lan, và dự kiến bán cho Trung Quốc vào năm tới.

Thực tế, thủy điện chiếm 70% sản lượng điện của Myanmar, trong khi điện tạo ra từ khí đốt hay dầu mỏ chỉ chiếm hơn 20%, và than đá 9%. Trung Quốc hiện có 48 dự án xây nhà máy điện ở Myanmar thì trong đó có tới 45 dự án nhà máy thủy điện và nhiều dự án đang gây tranh cãi.

Tiêu dùng điện ở nhiều vùng của Myanmar đến nay vẫn rất xa xỉ. Chính phủ Myanmar hy vọng có thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ điện nội địa trong vài năm tới với sự chung tay của nhà đầu tư nước ngoài.

Nguồn Reuters/DVT


Sự kiện