Thứ Ba | 17/05/2016 09:00

"Thiên đường tinh khiết" Panama và câu chuyện luân chuyển lợi nhuận

Công ty vỏ bọc là chiêu “nhất tiễn song điêu”, vừa giảm tối đa mức thuế tại chính quốc, vừa giúp các nhà điều hành “phù phép” thuế thu nhập cá nhân.

Thời báo Đức Süddeutsche Zeitung đã tạo nên cơn địa chấn toàn cầu trong tháng 4. Từ hồ sơ Panama, một thế giới ngầm tồn tại hơn 40 năm đã bị đưa ra ánh sáng, mở ra vụ bê bối tài chính trải rộng trên 202 quốc gia và vùng lãnh thổ. Thông qua việc rò rỉ 2,6 terabyte dữ liệu mật của hãng luật lớn thứ 4 thế giới Mossack Fonseca, vốn có chi nhánh tại 76 quốc gia, người ta có thể giải mã hàng loạt những thắc mắc liên quan đến phương thức các tập đoàn đa quốc gia và giới tài phiệt siêu giàu có đã sử dụng suốt nửa thế kỷ qua nhằm bảo vệ khối tài sản khổng lồ.

Bê bối này đặt ra nhiều câu hỏi. Liệu có thể phát hiện các doanh nghiệp sử dụng giải pháp “tối ưu hóa chi phí thuế”, hoặc theo góc nhìn trái chiều của số đông các nhà kinh tế học là giải pháp tinh vi, đồng bộ nhằm “né, tránh, lách” thuế thu nhập doanh nghiệp hay không? Và cũng không thể không đặt câu hỏi liệu có chiêu thức nào mà giới tỉ phú đang sử dụng nhằm giảm tối đa chi phí thuế thu nhập cá nhân phải nộp cho ngân sách quốc gia? Qua đó, cho thấy nhiều bài học quý giá trong quản lý đầu tư nước ngoài và đầu tư ra nước ngoài. Không chỉ quản lý chặt chẽ dòng vốn này mà còn củng cố cơ sở pháp lý để bảo vệ các nhà đầu tư Việt Nam khi muốn chuyển vốn ra khỏi lãnh thổ.

Ma trận luân chuyển lợi nhuận

Hãy bắt đầu với cấu trúc GDP của một hòn đảo nhỏ ẩn mình trong vùng vịnh Ba Tư đầy nắng gió: quốc đảo Bahrain, nơi được coi là trung tâm tài chính Hồi giáo lớn nhất khu vực Trung Đông. Thu hút hơn 14.000 lao động tài chính (vốn xuất thân là những ngư dân nghèo) và chiếm tới 25% GDP của đảo là lĩnh vực tài chính và hoạt động của các doanh nghiệp vỏ bọc (shell company). Theo Ngân hàng Trung ương Bahrain, tổng tài sản trong lĩnh vực ngân hàng của nước này đã tăng gấp hơn 13 lần từ mức 1,9 tỉ USD năm 2000 lên đến 25,4 tỉ USD năm 2014.

Danh sách các thiên đường tài chính như Bahrain trải dài từ các quốc đảo (Samoa, Cayman Islands, Seychelles, British Virgin Islands, British West Indies), các quốc gia châu Âu lâu đời (Luxembourg, Thụy Sĩ, Liechtenstein, Hà Lan, Ireland) đến vùng Đông Á (Hồng Kông, Singapore). Theo thống kê của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và World Bank năm 2012, danh sách này lên tới hơn 50 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Vào năm 2015, khi hơn 11,5 triệu tài liệu và hơn 4,8 triệu email của Mossack Fonseca bị tiết lộ, đã có tới 21 hòn đảo thuộc địa, vùng lãnh thổ nằm trong danh sách cảnh báo của 3 năm về trước. Những khu vực pháp lý bí mật (secrecy jurisdiction), vốn nằm tại các quốc gia có chính sách áp dụng mức thuế thu nhập doanh nghiệp rất thấp, thậm chí bằng không, đã được các tập đoàn đa quốc gia, giới tài phiệt sử dụng triệt để nhằm quản lý hiệu quả dòng tiền và tài sản của mình thông qua các hãng luật tầm cỡ và chuyên gia tư vấn tài chính giỏi.

Bastian Obermayer (trái) và Frederik Obermaier là hai nhà báo của Süddeutsche Zeitung tham gia điều tra Hồ sơ Panama từ những ngày đầu tiên - Ảnh: uvnimg.com

Dưới phương diện quản trị doanh nghiệp và các nhà đầu tư, nhu cầu tối ưu hóa chi phí thuế là chính đáng. Nhất là trong một nền kinh tế phẳng, các tập đoàn đa quốc gia phải đối mặt với vấn đề “đa thuế”. Không phải ngẫu nhiên mà các tập đoàn Mỹ như Microsoft và Apple đang giữ lượng tiền mặt ở các tài khoản nước ngoài (offshore account) lên đến lần lượt 108 tỉ USD và 181 tỉ USD.

Giáo sư Hà Tôn Vinh, người có trên 50 năm định cư tại Mỹ, cho biết một doanh nghiệp Mỹ phải đóng thuế dao động từ 20-41,1% tùy từng bang, cao nhất khối G7. Cũng theo ông, một công dân Mỹ cũng đang chịu mức thuế kép bao gồm khoảng 32% thuế liên bang và khoảng 6% thuế riêng từng tiểu bang. Áp lực lớn này buộc các lãnh đạo doanh nghiệp phải tìm cách tối ưu hóa chi phí đóng thuế, nếu không muốn thất bại khi cạnh tranh về giá sản phẩm. Theo số liệu từ công ty kế toán UHY Hacker Young, mức thuế trung bình của các quốc gia trên thế giới là 27% và của riêng khối G7 là 32,8%. Các nền kinh tế minh bạch và phát triển nhất toàn cầu luôn nằm trong tốp mức thuế thu nhập doanh nghiệp cao nhất như Nhật (38,6%), Pháp (37,8%) hay Anh (21%).

Chính sự mất cân đối, chênh lệch giữa các mức thuế của các quốc gia tạo ra những “vùng trũng” về thuế hay nói cách khác là các “thiên đường tinh khiết” (pure tax haven). Chỉ cần bỏ ra tối đa khoảng 4.000 USD, sau 1 ngày khách hàng có thể sở hữu một công ty hợp pháp theo quy định của đảo quốc 28.000 dân British Virgin Islands. Thiên đường thuế cũng hình thành ngay tại những thị trường phát triển như Jersey và Isle of Man (Anh). Ngay trong lòng nước Mỹ, theo thống kê của Forbes, có đến hơn 50% công ty đại chúng có trụ sở tại hai thiên đường thuế là bang Delaware và Puerto Rico.

Ma trận kép của các doanh nghiệp muốn tối ưu hóa chi phí thuế (không loại trừ nhiều trường hợp là né, tránh thuế tại các nước sở tại mà doanh nghiệp đang hoạt động chính) thông thường qua 2 chuỗi luân chuyển. Đầu tiên, nếu doanh nghiệp đã hoạt động và đang trong quá trình tăng trưởng doanh thu đủ lớn, mở rộng quy mô chi nhánh thành tập đoàn đa quốc gia, họ sẽ bắt đầu mở công ty con, chi nhánh hoặc lập hẳn một công ty mới có ngành nghề tương tự tại các thiên đường thuế.

Các doanh nghiệp này khi muốn hoạt động phải vay vốn giá cao từ công ty mẹ. Tùy “chỉ thị” vào từng thời điểm mà các công ty vỏ bọc này sẽ phát sinh tăng hoặc giảm các chi phí quản lý doanh nghiệp (lương và số lượng nhân viên chính thức, chi phí bán hàng, marketing, thuê mặt bằng…) từ đó “biến hình” các chỉ số về doanh thu hoặc lợi nhuận.

Do đó, hệ thống chuỗi các công ty vỏ bọc này hoạt động như những chú kiến thợ cần mẫn không chỉ giúp “luân chuyển lợi nhuận” từ các nền kinh tế có mức thuế suất cao sang các thiên đường thuế. Đây là chiêu “nhất tiễn song điêu”, vừa tiết giảm tối đa mức thuế phải nộp tại chính quốc, vừa giúp những nhà điều hành công ty “phù phép” các khoản thuế thu nhập cá nhân.

Hậu quả tại bước luân chuyển đầu tiên này, theo nghiên cứu mới công bố hồi cuối tuần qua của Giáo sư Kinh tế Kimberly A. Clausing, việc luân chuyển lợi nhuận của các doanh nghiệp đang làm Chính phủ Mỹ thất thu hơn 100 tỉ USD tiền thuế mỗi năm. Còn theo nhận định của ông Jeffrey Sachs, cố vấn của Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon và chuyên gia kinh tế trưởng IMF OIivier Blanchard, mỗi năm ảnh hưởng bởi nạn trốn thuế lên các quốc gia nghèo khó lên đến 170 tỉ USD trên phạm vi toàn cầu, riêng với chính phủ các nước châu Phi, bị bốc hơi trung bình mỗi năm 14 tỉ USD.

Bước luân chuyển thứ 2 sẽ phức tạp hơn khi các công ty vỏ bọc bắt đầu đi theo mô hình “đa quốc gia” với việc đầu tư sang các nền kinh tế mới nổi như Thái Lan, Ấn Độ, Brunei… dưới tên gọi mới “doanh nghiệp FDI”. Khi các công ty “ảo” thành công trong việc thâm nhập vào nền kinh tế của một quốc gia, chúng sẽ sử dụng chuỗi các công cụ phục vụ mục đích đặc biệt (SPV - Special Purpose Vehicle).

Trong đó, phải kể đến các hợp đồng giao dịch thiết bị đa chiều, hợp đồng đối ứng vốn đa phương quốc tế, các “chiêu thức” kế toán tài chính phức tạp và tiêu biểu nhất là hàng loạt hành vi chuyển giá sẽ xuất hiện. Theo một nghiên cứu do IMF công bố hồi năm ngoái, các nước đang phát triển bị thiệt hại bình quân 1,3% GDP do việc tránh né thuế.

Mặt khác, với một số mục đích đặc biệt như tách bạch hạch toán và tài khoản; chuyển nhượng hay thoái vốn góp thông qua một loạt giao dịch mua bán tài sản, cổ phiếu, trái phiếu chuyển đổi… thì các công cụ SPV phát huy “sức mạnh vô đối”. Chính phủ và cơ quan quản lý tại các quốc gia nằm trong mục tiêu của các công ty vỏ bọc hầu như rơi vào thế bị động và rất khó kiểm soát hoàn toàn hành vi chuyển giá, khai báo lỗ triền miên tại các công ty FDI trong hàng thập niên. Tại Mỹ, thống kê cho thấy nếu toàn bộ tiền mặt của Apple trên các tài khoản nước ngoài được đưa về nước, hãng công nghệ này sẽ phải chi trả 59,2 tỉ USD tiền thuế cho chính phủ liên bang.

Khi được sử dụng bởi các bậc thầy tài chính, SPV còn là cách để dung hòa các yếu tố khác biệt về luật doanh nghiệp giữa quốc gia có công ty vỏ bọc đầu tư dưới hình thức FDI với chủ sở hữu SPV thực sự - nằm ở các nước phát triển. Đối với nhu cầu huy động vốn quốc tế ngày càng cao của các nước đang phát triển, dòng “tiền nóng” dưới danh nghĩa của các quỹ đầu tư nước ngoài (offshore funds) ngày một phình ra. Lý do là các kẽ hở và sự chồng chéo giữa các văn bản pháp lý như luật doanh nghiệp, luật đầu tư, luật ngoại hối.

Hồ sơ Panama được mở ra bắt nguồn từ vụ rò rỉ dữ liệu mật của hãng luật Mossack Fonseca - Ảnh: wn.com

Với quy mô ảnh hưởng lớn hơn gấp 100 lần so với vụ Wikileaks, theo nhà kinh tế học đoạt giải Nobel năm ngoái là Angus Deaton (cùng với Thomas Piketty, Jeffrey Sachs, Nora Lustig và 300 nhà kinh tế học khác trên thế giới), đây là thời khắc các nền kinh tế cần liên minh nhằm xác lập nguyên tắc thiết chế, yêu cầu doanh nghiệp phải báo cáo công khai các hoạt động chịu thuế ở tất cả các nước, nhằm dần xóa bỏ những “thiên đường thuế”.

Liên minh: Giải pháp toàn cầu

Thông điệp “minh bạch báo cáo thuế của các doanh nghiệp” được đưa ra trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh về Tham nhũng sẽ được Chính phủ Anh và Thủ tướng David Cameron đăng đàn tổ chức tại London vào thứ Năm tuần này với sự tham gia của các chính trị gia từ hơn 40 quốc gia và vùng lãnh thổ, cũng như các đại diện từ World Bank và IMF.

Thế giới đã bắt tay hành động. Đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã tuyên bố phạt 80 ngân hàng tại Thụy Sĩ tổng cộng 1,3 tỉ USD vì giúp hơn 34.000 tài khoản của công dân Mỹ tránh, né thuế, với tổng giá trị tài sản ký gửi lên tới 48 tỉ USD. Từ năm 2014 trở đi, Chính phủ Anh đã mạnh tay truy thu từ những đối tượng đang tránh né thuế. Với tốc độ xử lý nhanh đến chóng mặt là gửi hơn 3.000 trát yêu cầu đóng thuế mỗi tháng, cho đến nay cơ quan thuế vụ Anh đã thu hồi được hơn 2 tỉ bảng Anh từ các đối tượng này. Trong giai đoạn 2014-2015, tổng thuế doanh nghiệp của Anh đã tăng 7% so với năm 2013-2014, còn Mỹ tăng 25,5% trong năm 2015 so với năm 2013. Trong khi đó, tổng thuế doanh nghiệp của Pháp trong năm 2015 dự kiến giảm gần 30% so với cách đó 2 năm. Giữa tháng 4 vừa qua, EU đề xuất kế hoạch yêu cầu doanh nghiệp công khai dữ liệu thuế của những doanh nghiệp có doanh thu hằng năm từ 750 triệu euro trở lên.

Tại Việt Nam, việc có gần 190 cá nhân và 19 doanh nghiệp có tên trong Hồ sơ Panama đã khiến dư luận dậy sóng. Điều mà dư luận quan tâm là quy định pháp luật hiện hành của Việt Nam đã đủ kín kẽ và đủ mạnh để kiểm soát và xử lý các hành vi tránh thuế, chuyển giá hay gian lận thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp.

Cục trưởng Cục Chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) Phạm Trọng Đạt cho biết thông tin Hồ sơ Panama có giá trị tham khảo và cần kết quả xác minh chính thức từ cơ quan chức năng. Ở góc độ pháp lý, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW, cho rằng trong hồ sơ Panama có một số nhà đầu tư Việt Nam bị nêu tên, song cũng chưa thể kết luận việc đầu tư ra nước ngoài của họ là phạm pháp.

NCĐT đã dành thời gian đối chiếu với các quy định về luật đầu tư và pháp luật ngoại hối để phân tích quyền lợi chính đáng được pháp luật bảo hộ cho các nhà đầu tư Việt Nam khi muốn chuyển dòng vốn ra khỏi lãnh thổ. Theo luật sư Trần Vũ Hải, Đoàn luật sư Hà Nội, có 2 bước chính để cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài theo quy định của Luật Đầu tư 2014. Thông thường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong một số trường hợp nhất định, Thủ tướng Chính phủ hoặc Quốc hội sẽ ra quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Bước thứ nhất, doanh nghiệp lập dự án đầu tư và xin cấp giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Bước thứ hai, khi đã có giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài, nhà đầu tư liên hệ với Ngân hàng Nhà nước để xin giấy phép mở tài khoản vốn đầu tư ra nước ngoài, rồi mở tài khoản này tại một ngân hàng thương mại tại Việt Nam. Sau khi tiến hành các thủ tục nêu trên, nhà đầu tư có thể tiến hành hoạt động đầu tư ra nước ngoài hợp pháp và cũng có thể chuyển lợi nhuận về Việt Nam.

Như vậy, quy định luật pháp được các chuyên gia đánh giá là rất rõ ràng và khó có thể siết chặt hơn nữa. Nhưng dưới lăng kính của những người trong cuộc - các nhà đầu tư Việt Nam hay các doanh nghiệp muốn đầu tư ra nước ngoài, khó khăn mà họ gặp phải không nằm ở thủ tục mà nằm chính ở mức thuế suất mà họ phải đóng cho Chính phủ sau khi hoạt động kinh doanh bên ngoài lãnh thổ có lãi.

Lấy ví dụ, tổng giám đốc một công ty sản xuất bình thủy tinh muốn đầu tư ra nước ngoài để mở rộng hoạt động kinh doanh. Giả sử sau một năm hoạt động, công ty thu được 100 tỉ đồng tiền lãi từ hoạt động đầu tư này. Như vậy, căn cứ theo Thông tư 11 về việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với nhà đầu tư Việt Nam ra nước ngoài, công ty trên phải chi trả số tiền thuế là 25 tỉ đồng (thuế suất 25%). Tại đây, xảy ra trường hợp là nếu công ty mở chi nhánh hoặc công ty con không nằm trong 60 quốc gia và vùng lãnh thổ có ký kết Hiệp định Tránh đánh thuế hai lần, thì công ty phải chịu thêm phần thuế ở nước sở tại. Như vậy, với vị trí là tổng giám đốc công ty, họ sẽ nghĩ cách tối ưu hóa chi phí thuế.

Cụ thể, họ sẽ lập công ty vỏ bọc tại một thiên đường thuế, rồi hạch toán và chuyển toàn bộ lợi nhuận sang công ty này. Với cách làm đó, công ty sẽ không phải trả 25 tỉ đồng tiền thuế tại Việt Nam. Hơn nữa, giả sử vị tổng giám đốc trên lại được tuyển vào vị trí đại diện điều hành chính công ty vỏ bọc thì người này sẽ được hưởng lợi phần thuế thu nhập cá nhân mà đáng lẽ phải đóng tại Việt Nam (trường hợp vị tổng giám đốc trên không chủ động khai thuế).

Quan sát cán cân thanh toán quốc gia đến cuối năm 2015, mặc dù thặng dư 2,26 tỉ USD nhưng cuối cùng cán cân tổng thể lại bị âm đến 2,65 tỉ USD. Theo Tiến sĩ Vũ Viết Ngoạn, lý do một phần nằm ở khoản mục “Lỗi và sai sót” lên tới 4,9 tỉ USD, mà cơ quan quản lý khó xác định nằm ở giao dịch nào. Bởi lẽ, các giao dịch chuyển ngoại tệ ra nước ngoài thông qua dịch chuyển vốn lòng vòng qua các công ty con, công ty liên kết thường rất khó kiểm soát.

Cứ như vậy, khả năng thu hồi thuế quốc gia sẽ bị suy giảm nghiêm trọng. Rõ ràng, các thiên đường thuế không ngẫu nhiên xuất hiện và tồn tại lâu dài. Việc các quốc gia và vùng lãnh thổ cho phép tài sản được che dấu dưới vỏ bọc của các công ty hoặc khuyến khích các công ty ghi lợi nhuận tại những quốc gia mà họ hoàn toàn không có hoạt động kinh doanh nào tại nơi đó, đang làm rối loạn nền kinh tế toàn cầu.

Bà Winnie Byanyima, Giám đốc Điều hành của Oxfam Quốc tế, nhận định: “Hàng triệu người nghèo nhất trên thế giới sẽ tiếp tục là nạn nhân của tình trạng trốn thuế cho tới khi chính phủ các nước cùng hành động để xóa bỏ thiên đường thuế, bằng cách thành lập hệ thống đăng ký công khai đối với người sở hữu thực sự của các công ty và quỹ, cũng như xây dựng một hệ thống chia sẻ thông tin tự động về thuế giữa các quốc gia”.

Nguyệt Nguyễn