Dữ liệu khảo sát của LinkedIn cho thấy những người lao động trẻ tuổi đặc biệt mong muốn chuyển đổi công việc. Ảnh: Getty Images.

 
Hải Miên Thứ Ba | 30/01/2024 14:37

Thị trường việc làm đã không còn dễ dãi với người lao động Mỹ

Nhiều người lao động nhận thấy mức tăng lương gần đây đã bị lu mờ bởi lạm phát.

Hàng triệu công nhân đã chuyển việc trong vài năm qua, bị thu hút bởi số lượng cơ hội việc làm dồi dào và mức lương tăng cao từ các công ty cần tuyển dụng. Tuy thị trường cũng hạ nhiệt kể từ đó nhưng nỗi khao khát tìm việc mới của người lao động thì không. Khoảng 85% trong số 1.000 chuyên gia Mỹ được thăm dò trong một cuộc khảo sát mới của LinkedIn cho biết, họ đang nghĩ đến việc thay đổi công việc trong năm nay, tăng từ mức 67% một năm trước đó.

Song thị trường việc làm không còn dễ dàng như trước. Khi các công ty đề xuất mức lương cho những người mới ít hào phóng hơn và tính linh hoạt cũng giảm so với cách đây 1 hoặc 2 năm. 

Đó là đối với những trường hợp nhận được việc. Theo dữ liệu từ trang việc làm Indeed, trong khi thị trường việc làm theo giờ vẫn còn mạnh mẽ, số lượng tuyển dụng trong lĩnh vực tài chính, tiếp thị, phát triển phần mềm và các lĩnh vực lao động trí óc khác đã giảm xuống dưới mức trước đại dịch. Trên LinkedIn, cứ 2 ứng viên thì có một cơ hội việc làm. Một năm trước, số lượng việc làm nhiều hơn số lượng ứng viên nộp đơn theo tỉ lệ 2:1.

 

Kết cuộc là rất nhiều công nhân cảm thấy bế tắc và điều đó góp phần gây ra sự bất mãn trong công việc. Nhiều người tiếp tục vật lộn với các câu hỏi về sự cân bằng giữa công việc, cuộc sống và chứng kiến ​​đợt tăng lương gần đây bị lu mờ bởi lạm phát. Trong khi đó, các chủ doanh nghiệp lại kêu gọi họ làm nhiều hơn với ít nguồn lực hơn. Nghiên cứu mới nhất của Gallup cho thấy, tỉ lệ người lao động Mỹ cho biết, họ cảm thấy gắn bó với công việc của mình đã giảm trong nửa cuối năm 2023 sau khi phục hồi nhẹ trong nửa đầu năm.

Một loạt đợt sa thải đã đẩy người lao động vào thế khó. Trong đó có bà Sarah Sterner, 30 tuổi, khi vẫn đang làm quen với công việc thiết kế các khóa học giáo dục thì vài tháng sau khi được thuê, bà đã bị sa thải.

Sau hơn 350 lần nộp hồ sơ và 18 cuộc phỏng vấn, bà vẫn phải đi tìm việc. Bà cho biết đã nhận được lời đề nghị cho một vị trí được quảng cáo với mức lương thấp hơn 17.000 USD so với số tiền kiếm được trước đây. Tuy đã thuyết phục được công ty tăng mức lương thêm 8.000 USD. Nhưng thất bại trong thỏa thuận nghỉ phép, bà đã quyết định từ bỏ công việc này.

Bà Sterner nói: “Đó là giai đoạn căng thẳng đối với tôi. Từ khi bắt đầu tìm việc đến lúc được phản hồi đều mất đến 6 tuần". Hai lần tìm việc trước đây của bà, vào năm 2021 và đầu năm 2023, đều dễ dàng hơn nhiều.

Mức lương trả cho vị trí việc làm mới đang giảm dần tại Mỹ. Theo dữ liệu theo dõi tiền lương từ Ngân hàng Dự trữ Liên bang Atlanta, những người chuyển việc vào tháng 8/2022 được thưởng mức tăng lương trung bình 8,4%, cao hơn khoảng 3 điểm phần trăm so với những người vẫn tiếp tục làm việc. Tính đến tháng trước, mức tăng trung bình đi kèm với việc chuyển đổi công việc là 5,7%, so với 4,9% của những người lao động ở lại. 

Một số nhà kinh tế lạc quan rằng, môi trường tuyển dụng sẽ được cải thiện đối với nhân viên văn phòng trong năm tới, nếu lãi suất giảm.

Các nhà kinh tế được The Wall Street Journal khảo sát trong tháng này dự kiến tuyển dụng trung bình 64.000 người/tháng trong năm nay, chưa bằng 1/3 mức trung bình vào năm 2023. Họ dự đoán các lĩnh vực dịch vụ chuyên nghiệp và thông tin công nghệ cao sẽ nằm trong số những lĩnh vực tăng trưởng chậm nhất. Trong khi đó, một số Giám đốc Điều hành và nhà phân tích dự đoán rằng, các công ty sẽ tiếp tục xem xét kỹ lưỡng khi trí tuệ nhân tạo chuyển đổi và đảm nhận một số nhiệm vụ của lao động tri thức.

Dữ liệu khảo sát của LinkedIn cho thấy những người lao động trẻ tuổi đặc biệt mong muốn chuyển đổi công việc. Khoảng 90% người lao động thuộc Gen Z, đang ở độ tuổi đầu và giữa tuổi 20 và 92% thế hệ trẻ cho biết họ đang cân nhắc thay đổi công việc trong năm nay, so với 83% người lao động thuộc Gen X và 48% ở thế hệ Baby Boomer.

Có thể bạn quan tâm: 

Tại sao Ấn Độ sẽ không phải là Trung Quốc thứ 2?

Nguồn WSJ