Thứ Năm | 04/10/2012 13:14

Thị trưởng Tokyo đề xuất xây dựng trên đảo tranh chấp với Trung Quốc

Động thái này có thể làm căng thẳng thêm mối quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản, vốn đã xấu đi trong những tháng gần đây.
Thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đang cố gắng giành được sự ủng hộ từ chính phủ để sử dụng 19 triệu USD từ quỹ quyên góp để xây dựng cơ sở hạ tầng trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư mà cả Nhật Bản và Trung Quốc đều tuyên bố chủ quyền, thành viên hạ viện Akiko Santo thuộc đảng Dân chủ Tự do (LDP) cho biết.

Thông tin trên cũng được phó thị trưởng Naoki Inose xác nhận.

Hai quan chức thân cận với thị trưởng Ishihara này cho biết ông Ishihara có kế hoạch xây dựng một ngọn hải đăng, một trạm phát sóng radio hoặc các thiết bị cảng cơ bản nhằm bảo đảm sự an toàn cho ngư dân Nhật Bản. Tuy nhiên, hiện chưa rõ các quỹ tư nhân này sẽ được sử dụng như thế nào để xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc sở hữu của chính phủ.

Thông tin này được đưa ra trong bối cảnh có nhiều ý kiến cho rằng đảng đổi lập chính của Nhật Bản - đảng LDP có khả năng sẽ nắm quyền trong cuộc bầu cử diễn ra trong những tháng tới và có thể tiếp tục thực hiện chính sách cứng rắn của mình.

Giáo sư Narushige Michishita thuộc Viện nghiên cứu chính sách quốc cho biết động thái của thị trưởng Tokyo Ishihara có thể kích động phản ứng mạnh mẽ từ Trung Quốc, theo sau các cuộc biểu tình và tấn công vào các công ty Nhật Bản.

Quần đảo Senkaku (Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư) gồm 5 đảo và 3 bãi đá ngầm ở biển Hoa Đông, cách đảo Okinawa khoảng 400 km về phía tây. Quần đảo này hiện do gia đình Kurrihara sở hữu và cho chính phủ Nhật Bản thuê.

Quần đảo này nằm trong khu vực có nguồn hải sản dồi dào và có thể chứa nguồn khoáng sản có giá trị. Chuỗi đảo cũng từng là nơi sinh sống của ngư dân Nhật Bản trước chiến tranh thế giới thứ 2.

Tranh chấp trên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một trong những vấn đề tồn đọng trong quan hệ của Nhật Bản với 2 nước láng giềng châu Á là Trung Quốc và Hàn Quốc trong gần 7 thập kỷ sau khi Thế chiến II kết thúc.

Trong năm 2010, căng thẳng giữa Tokyo và Bắc Kinh bùng lên sau khi Nhật Bản bắt giữ một tàu đánh cá của Trung Quốc va chạm với tàu tuần tra của Nhật Bản ở vùng biển tranh chấp này.

Không những thế, căng thẳng còn dâng cao trở lại hồi tháng 4 sau khi thị trưởng Tokyo Shintaro Ishihara thông báo quyên tiền mua lại đảo từ chủ sở hữu tư nhân người Nhật. Chính phủ nước này sau đó cũng tuyên bố kế hoạch quốc hữu hóa hòn đảo khiến Bắc Kinh phản ứng gay gắt.

Những động thái gần đây của Nhật Bản đã kích động các cuộc biểu tình ở Trung Quốc khiến hàng loạt doanh nghiệp Nhật Bản, từ sản xuất ô tô tới điện tử và bán lẻ đã phải đóng cửa hoặc ngừng sản xuất, tác động đến lớn đến nền kinh tế của cả 2 nước.

Nguồn Reuters/Khampha


Sự kiện