Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ bơm 117 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng. Ảnh: AFP
Thị trường tài chính Trung Quốc thay đổi để thích ứng tình hình mới
Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã đề ra một kế hoạch để giảm bớt áp lực đối với tiền tệ của họ do lo ngại làn sóng rút vốn như năm 2015 có thể lặp lại. Bằng cách này, Đại lục có thể thu hút tiền mặt nước ngoài và tăng nhu cầu đối với đồng Nhân dân tệ (NDT) bằng cách mở cửa cho các nhà đầu tư vào thu nhập cố định (trái phiếu).
Tiền đổ vào và dòng vốn chảy vào đại lục tăng tốc sau khi Trung Quốc thiết lập kênh có tên Bond Connect cho người nước ngoài giao dịch qua Hồng Kông vào tháng 7.2017. Nhưng các quỹ ở nước ngoài bắt đầu rút tiền vào cuối năm 2018. Cụ thể, giá trị phần nắm giữ của nhà đầu tư nước ngoài trong trái phiếu Trung Quốc đã giảm 18,2 tỉ NDT trong tháng 11.2018, đánh dấu tháng suy giảm đầu tiên kể từ tháng 1.2017, theo dữ liệu của Bloomberg.
Thực tế, nhà đầu tư nước ngoài luôn muốn đầu tư vào thị trường trái phiếu Trung Quốc vì cho ra mức sinh lời tốt trong năm 2018, ở mức 2,3% sau khi đã trừ đi biến động tỉ giá, và cao hơn mức sinh lời của trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, 0,8%.
Tuy nhiên, những lo lắng về địa chính trị đã cản trở điều này. Cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã làm tổn thương đồng NDT và cũng có thể khiến người nước ngoài tạm dừng trước khi họ mua thêm trái phiếu Trung Quốc và quan sát.
Becky Liu, người đứng đầu chiến lược vĩ mô Standard Chartered ở Hồng Kong cho biết, dòng vốn ngoại, đặc biệt là những người tham gia vào thị trường trái phiếu, sẽ rất quan trọng đối với cán cân thanh toán của Trung Quốc, vì cán cân hiện tại sẽ xấu đi trong bối cảnh chiến tranh thương mại và tái cấu trúc nền kinh tế.
Thặng dư thương mại của Trung Quốc đang giảm dần và một số nhà kinh tế thậm chí kỳ vọng nước này trong những năm tới sẽ chuyển sang thâm hụt tài khoản vãng lai kéo dài. Nếu thị trường trái phiếu Trung Quốc nhận được làn sóng tiền mặt ở nước ngoài, điều đó sẽ giúp tài trợ cho thâm hụt mà không phải chịu một khoản nợ nguy hiểm bằng ngoại tệ.
Trong một động thái khác, vào cuối ngày 4.1, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc sẽ bơm 117 tỉ USD vào hệ thống ngân hàng thông qua việc cắt giảm dự trữ bắt buộc tại các ngân hàng, đây là một nỗ lực nhằm kích thích cho vay và ngăn chặn việc nền kinh tế đang có dấu hiệu giảm tốc.
Dự trữ bắt buộc (RRR) tại các ngân hàng ở Đại lục sẽ giảm 1,0% xuống 13,5% đối với các ngân hàng lớn và 11,5% đối với các ngân hàng nhỏ. Đợt cắt giảm RRR này sẽ diễn ra làm 2 lần, mỗi lần 0,5% lần lượt vào các ngày 15-1 và 25-1.
Trước đó vào đầu ngày 4.1, Thủ tướng Lý Khắc Cường đã gặp các quan chức của ba ngân hàng thương mại lớn nhất Trung Quốc và kêu gọi họ tăng cường cho vay đối với các doanh nghiệp nhỏ, thuộc sở hữu tư nhân, vốn đã bị ảnh hưởng lớn khi nền kinh tế Trung Quốc đang tăng trưởng chậm lại.
Thực tế, Bắc Kinh đã thực hiện một loạt các biện pháp kích thích tiền tệ và tài khóa kể từ hè năm 2018. Tuy nhiên, Số liệu PMI ngành sản xuất của Trung Quốc chỉ đạt 49,7 điểm trong tháng 12.2018 chứng tỏ rằng ngành sản xuất của Đại lục đang chững lại.
Giới phân tích tỏ ra thận trong với động thái này của Chính phủ Trung Quốc. Ông Huang Yiping, Phó hiệu trưởng Trường Phát triển Quốc gia tại Đại học Bắc Kinh, người đã rời khỏi ủy ban chính sách tiền tệ PBoC hồi cuôi năm ngoái, nhận định: “Nới lỏng chính sách tiền tệ bây giờ khó khăn hơn nhiều, vì đòn bẩy đã rất cao và Fed thì đang nâng lãi suất”. Ông nói thêm: “Về mặt tài khóa (chi tiêu của chính phủ), không gian có vẻ rông hơn, nhưng chính quyền địa phương hiện cũng mắc nợ rất cao. Vì vậy, nhìn chung, các nhà hoạch định chính sách thận trọng hơn nhiều trong khoảng thời gian này”.