Thứ Sáu | 17/08/2012 16:10

Thị trưởng New York bị chỉ trích do lệnh cấm bán chai nước ngọt cỡ lớn

Đa số người dân thành phố New York phản đối đề xuất cấm nước ngọt có thể tích gần 0,5 lít của thị trưởng Michael Bloomberg.
Cuộc khảo sát do đại học Quinnipiac tiến hành từ ngày 8 đến ngày 12/8 qua điện thoại đối với 1.298 người dân New York cho thấy 54% người được hỏi phản đối kế hoạch cấm bán các lon nước giải khát có trọng lượng trên 16 ounce (gần 0,5 lít), còn 42% ủng hộ lệnh cấm có thể có hiệu lực vào năm tới này.

Trước đó, vào đầu tháng 6, thị trưởng thành phố New York Michael Bloomberg đã đệ trình lệnh cấm bán các ly soda và chai nước ngọt cỡ lớn nhằm giảm số lượng người béo phì đang tăng quá nhanh.

Lượng đường có trong các ly nước ngọt được thể hiện theo hình tháp.
Lượng đường có trong các ly nước ngọt được thể hiện theo hình tháp.

Khi được ban hành chính thức, lệnh này sẽ cấm bán tất cả chai và ly nước ngọt cỡ lớn tại nhà hàng, điểm bán thức ăn nhanh, những khu vui chơi giải trí như sân vận động, rạp chiếu phim...

Tuy nhiên, lệnh cấm không áp dụng đối với thức uống cỡ lớn được bày bán trong siêu thị và không bao gồm các loại nước ép trái cây, sữa và nước uống có cồn.

Dự kiến, lệnh cấm sẽ có hiệu lực vào tháng 3/2013. Các cơ sở kinh doanh vi phạm sẽ bị phạt tiền, cao nhất là 200 USD.

Trước đề xuất này của thị trưởng Bloomberg, Coca-Cola và hàng loạt công ty kinh doanh bị ảnh hưởng đã lên tiếng kịch liệt phản đối với lý do "Vấn đề sức khoẻ của người dân cần có một kế hoạch lâu dài, không thể giải quyết thông qua lệnh cấm như vậy".

Hàng loạt công ty nước giải khát đã phản đối kịch liệt đề xuất của thị trưởng Bloomberg.
Hàng loạt công ty nước giải khát đã phản đối kịch liệt đề xuất của thị trưởng Bloomberg.

Biện pháp cấm các loại nước giải khát là sáng kiến mới nhất trong chuỗi sáng kiến sức khoẻ cộng đồng của thị trưởng New York Michael Bloomberg.

Trong suốt ba nhiệm kỳ của ông tại văn phòng thành phố, ông đã thành công trong việc cấm hút thuốc lá ở các quán bar, nhà hàng và những nơi công cộng, cấm chất béo nhân tạo sử dụng trong thực phẩm và kiểm soát hàm lượng calo bằng cách niêm yết mức calo cho phép tại các cửa hàng phục vụ đồ ăn nhanh.

Đồng thời ông cũng dẫn đầu chiến dịch cắt giảm muối trong những bữa ăn tại các nhà hàng và trong thực phẩm đóng gói.

Tuy nhiên, nhiều nhà nghiên cứu vẫn nghi ngờ hiệu quả của những chiến dịch phòng chống béo phì tại thành phố NewYork.

Một số khảo sát cho thấy lượng thức ăn nhanh nhiều calo được người tiêu dùng tiêu thụ ít hơn trong các nhà hàng; trong khi nhiều người lại cho rằng người tiêu dùng sẽ cố tìm đến những địa điểm đồ ăn nhanh không bị cấm bán và mua thật nhiều.

Đặc biệt, lớp dân số có thu nhập thấp, nơi có tỷ lệ béo phì cao hơn cả lại không được giáo dục kiến thức về sức khỏe và ít bị ảnh hưởng bởi những chính sách của thành phố.

Nguồn AFP/Khampha


Sự kiện