Ảnh: TL

 
Văn Quốc Thứ Hai | 27/05/2019 10:00

Thị trường mới nổi khóc ròng

Phụ thuộc vào sản xuất đã trở thành điểm yếu của các nền kinh tế mới nổi khi chiến tranh thương mại Mỹ - Trung leo thang.

Trong 3 thập niên qua, nhiều nền kinh tế mới nổi đã dựa vào vai trò của họ trong thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu để thúc đẩy tăng trưởng nhưng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung đã khiến cho viễn cảnh ảm đạm bao trùm từ các nhà sản xuất hàng hóa cơ bản ở Mỹ Latinh đến các nhà sản xuất hàng điện tử và may mặc ở châu Á.

Chiến tranh thương mại leo thang là một món lợi đối với một vài thị trường mới nổi như Việt Nam, Hàn Quốc và Đài Loan, khi các công ty chuyển cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang các thị trường này. Tuy nhiên, món lợi này lại không đủ để bù đắp vào tác động chung gây ra bởi đà suy giảm thương mại toàn cầu và đà tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế Trung Quốc. Thương mại toàn cầu đã giảm 1,9% trong tháng 2.2019 so với cùng kỳ, theo Cơ quan Phân tích chính sách kinh tế Hà Lan, tháng thứ 3 liên tiếp suy giảm và là mức suy giảm lớn nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính.

Thi truong moi noi khoc rong
 

“Những làn gió ngược tại các thị trường mới nổi đang ngày càng thổi mạnh hơn”, Hung Tran, thuộc Atlantic Council ở Washington, nhận xét. Kết quả là các nền kinh tế mới nổi được dự báo sẽ tăng trưởng 4,4% năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tốc độ chậm nhất kể từ năm 2015. Viễn cảnh ảm đạm này đặc biệt dễ thấy ở các nền kinh tế mới nổi châu Á, vốn dự báo sẽ tăng trưởng chậm nhất kể từ năm 2001, chỉ đạt 6,3%, cũng theo dự báo của IMF.

William Jackson, thuộc Capital Economics, cho biết: “Nền kinh tế mới nổi châu Á vẫn là khu vực tăng trưởng nhanh nhất của thế giới nhưng tăng trưởng đang ở mức thấp hơn so với mong đợi”. Trong khi đó, Sergi Lanau, chuyên gia kinh tế tại Viện Tài chính Quốc tế (IIF), chỉ ra triển vọng đã sáng sủa hơn phần nào so với không khí ảm đạm vào đầu năm nay khi một số chuyên gia phân tích lo ngại thế giới sẽ rơi vào suy thoái. Ông dự báo “tăng trưởng có phần ổn định” đối với các nền kinh tế mới nổi trong năm nay.

Việc Trung Quốc chuyển hướng nền kinh tế từ chỗ dựa vào đầu tư sang tiêu dùng đã làm giảm nhu cầu đối với hàng hóa. Kế hoạch “Made in China 2025” của chính quyền Bắc Kinh nhằm tăng tỉ trọng các thành phần và vật liệu cốt lõi được sản xuất trong nước lên 40% vào năm tới và 70% vào năm 2025. Vì thế, Trung Quốc - quốc gia đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng thế giới trong hơn 1 thập niên qua - sẽ nhập khẩu ít hơn từ các nước khác, đặc biệt là các nhà cung cấp truyền thống của nước này ở những thị trường mới nổi khác.

Thi truong moi noi khoc rong
 

“Những thay đổi này đang làm suy yếu vai trò của các chuỗi cung ứng toàn cầu...”, Hung Tran nói. Điều đó càng trầm trọng thêm bởi đà suy giảm kinh tế của Trung Quốc. Tăng trưởng đã chậm lại mỗi năm kể từ năm 2010 và Jackson cho biết có khả năng sẽ “chậm hơn so với nhiều người vẫn nghĩ” trong những tháng tới. “Đối với phần còn lại của thế giới mới nổi, đó là một làn gió ngược mà có thể ngăn cản đà phục hồi trên diện rộng”, ông nói.

Nhiều nền kinh tế mới nổi lớn cũng đang mắc kẹt trong những vấn đề nội tại. Argentina và Thổ Nhĩ Kỳ vẫn chưa thoát khỏi cuộc khủng hoảng tiền tệ của năm ngoái, khi bị mất cân đối nội địa do đồng USD mạnh và càng bị trầm trọng thêm bởi những sơ sẩy chính sách ở trong nước. Tăng trưởng ở Brazil đã không gợi nhiều hứng khởi khi nhà đầu tư mất đi niềm tin vào chính quyền mới. Bất ổn chính trị cũng diễn ra ở Mexico. Nga đã gây ấn tượng với các nhà phân tích nhờ duy trì kỷ luật tài khóa trong bối cảnh lệnh trừng phạt từ phương Tây, nhưng lại phải trả giá bằng việc thu nhập hộ gia đình và tiêu dùng giảm mạnh.

Một số điểm sáng hơn trong thế giới mới nổi là các quốc gia được hưởng lợi từ việc Mỹ quay lưng thương mại với Trung Quốc. Trong quý I năm nay, nhập khẩu Mỹ từ Hàn Quốc và Đài Loan đã tăng 20% so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi nhập khẩu từ Việt Nam tăng 40%. Tổng nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN đã tăng 12%.

Tuy nhiên, những nguồn lợi này quá nhỏ bé không đủ bù đắp vào mức sụt giảm xuất khẩu sang Trung Quốc, vốn là đối tác thương mại chính của các nền kinh tế mới nổi châu Á. Khối lượng xuất khẩu của tất cả các nước châu Á đều đã chậm lại hoặc suy giảm trong quý I năm nay. “Những đối tác thương mại châu Á của Trung Quốc nằm trong số những người thua lớn nhất trong cuộc chiến thương mại”, Adam Slater, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, nhận định. Hung Tran thuộc Atlantic Council cho rằng không thể phớt lờ các dấu hiệu báo động trên. “Một cơn bão thực sự cho các nền kinh tế mới nổi vẫn chưa xảy đến trong lúc này nhưng rủi ro đang lớn dần lên”, ông nói