Thứ Hai | 15/06/2015 13:00

Thị trường mới nổi: Đồng loạt "rơi đài"

Nếu các nền kinh tế thị trường mới nổi tiếp tục loạng choạng trong năm nay, tác động này lên các nước phát triển có thể sẽ rất lớn.

Chỉ mới cách đây 5 năm nhưng có cảm giác như thể đã lâu lắm rồi. Roger Agnelli, CEO khi đó của Vale, một công ty khai thác mỏ Brazil, mới vừa nhận đợt giao hàng đầu tiên của đơn đặt hàng 35 tàu thủy Valemax, tàu chở hàng khô lớn nhất từ trước đến nay. Các con tàu này được mua chủ yếu để vận chuyển quặng sắt sang Trung Quốc. Chúng lớn đến nỗi mỗi chiếc có thể chở quặng sắt đủ sản xuất số lượng thép dùng để xây đi xây lại cầu Cổng Vàng ở San Francisco 3 lần như thế.

“Chúng tôi đang ở thời hoàng kim… Tôi tin rằng những ngày còn xán lạn hơn thế đang chờ ở phía trước”, ông Agnelli tuyên bố vào năm 2010. Nhưng tình hình kinh doanh của Vale chẳng mấy chốc lao dốc. Agnelli bị sa thải một năm sau đó. Trong quý I/2015, Vale đã báo cáo kết quả tài chính tồi tệ nhất trong 6 năm qua.

Các vấn đề của Vale là triệu chứng của một căn bệnh dịch khi các thị trường mới nổi đồng loạt “rơi đài” trong quý I xuống mức tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009. Nhu cầu của Trung Quốc đối với quặng kim loại và các nguồn tài nguyên khác đang giảm mạnh. Nền kinh tế một thời sôi động của Brazil đang rơi vào suy thoái. Nga cũng đang trong vòng xoáy khủng hoảng và nhiều nền kinh tế nhỏ hơn khác cũng đang vật lộn với tốc độ tăng trưởng chậm lại và dòng vốn nước ngoài tháo chạy.

Nhiều chuyên gia lo ngại các vấn đề này không còn giới hạn trong lãnh thổ của các thị trường mới nổi mà đang lan sang cả các nền kinh tế phát triển. Theo Adam Slater, chuyên gia kinh tế tại Oxford Economics, đà suy giảm tại các thị trường mới nổi có thể tạo ra “một cuộc suy thoái cho nền kinh tế thế giới”. Ông lưu ý rằng khối các quốc gia BRIC (Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc) chiếm tới 1/5 GDP của thế giới. “Hai trong số các quốc gia này đã rơi vào suy thoái, còn một nền kinh tế đang giảm tốc khá nhanh”, ông nói.

Theo một phân tích bởi Oxford Economics, nhu cầu nhập khẩu giảm mạnh trong quý I năm nay đã biến các thị trường mới nổi từ chỗ là những người đóng góp tích cực vào tăng trưởng giao thương toàn cầu trở thành “kẻ phá hoại” lần đầu tiên kể từ năm 2009. Tính tổng cộng, 17 nền kinh tế đang phát triển lớn nhất thế giới đã làm giảm giá trị giao thương thế giới tới 0,9 điểm phần trăm trong quý I. Con số này giảm mạnh từ mức trung bình 2,5 điểm phần trăm mà họ đã đóng góp vào tăng trưởng giao thương hằng năm trong giai đoạn 2000-2014 (17 nền kinh tế nói trên chiếm 43,3% giao thương toàn cầu), theo Oxford Economics.

Các số liệu ban đầu cho thấy tình trạng giao thương suy giảm đã tiếp tục lan sang quý II. Xuất khẩu của Trung Quốc tháng 5 đã giảm thêm 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, giảm tháng thứ ba liên tiếp trong khi nhập khẩu giảm 17,6% tính bằng USD. Hàn Quốc cũng cùng chung số phận khi xuất khẩu giảm mạnh tới 10,9% vào tháng 5 so với cùng kỳ năm ngoái, còn nhập khẩu giảm 15,3%.

“Các thị trường mới nổi đã đi từ chỗ là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng giao thương toàn cầu thành một chướng ngại vật lớn. Đà suy giảm ở Trung Quốc và các thị trường mới nổi khác đã tác động rất tiêu cực lên tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Chúng tôi sẽ tự tin hơn khi nói rằng thế giới sẽ có thể vượt qua trở ngại này nếu tăng trưởng ở các nền kinh tế phát triển không có quá khiêm tốn như hiện nay”, Slater nói. 

Sau cuộc khủng hoảng tài chính, các thị trường mới nổi đã nhanh chóng khôi phục trở lại, đạt tốc độ tăng trưởng GDP trung bình hằng năm khoảng 6%, so với chỉ khoảng 2% của các nước phát triển. Nhưng động cơ tăng trưởng của toàn cầu này hiện đã chững lại.

Bhanu Baweja, đứng đầu toàn cầu về chiến lược các thị trường mới nổi tại UBS, cho biết tăng trưởng tại các thị trường này đã giảm xuống mức trung bình 3,5% trong suốt quý I năm nay, mức thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng. Nếu không tính đến phần đóng góp của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của các thị trường mới nổi tính theo USD “có thể xấp xỉ 0% vào năm 2015”, ông nói.

Cùng lúc đó, các dòng vốn quốc tế cũng tháo chạy.Trong 3 quý kết thúc vào cuối tháng 3.2015, các thị trường mới nổi đã chứng kiến dòng vốn rút ròng còn cao hơn cả mức rút ròng trong suốt cuộc khủng hoảng tài chính, theo NN Investment Partners. Tuần qua, Viện Tài chính Quốc tế cũng đã báo cáo đợt bán tháo lớn nhất các trái phiếu thị trường mới nổi kể từ làn sóng rút vốn vào năm 2013 khi các thị trường lo ngại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ giảm dần và tiến tới ngưng hẳn chương trình mua lại tài sản.

Nếu các nền kinh tế thị trường mới nổi tiếp tục loạng choạng trong năm nay, tác động này lên các nước phát triển có thể sẽ rất lớn. Lần cuối cùng một cuộc suy giảm toàn cầu nghiêm trọng mà bắt nguồn từ thị trường mới nổi diễn ra vào năm 1999 (thời hậu khủng hoảng tài chính châu Á), các nền kinh tế đang phát triển khi ấy chỉ đóng góp tỉ trọng không đáng kể trong kinh tế toàn cầu.

Cụ thể, vào thời điểm diễn ra cuộc khủng hoảng tài chính châu Á, các nền kinh tế đang phát triển chỉ chiếm 38% GDP toàn cầu xét theo sức mua tương đương và khoảng 23% GDP toàn cầu danh nghĩa. Nhưng hiện nay các tỉ trọng lần lượt là hơn 52% và khoảng 35%. “Đó là lý do đà suy giảm ở các thị trường mới nổi đã có tác động lớn hơn đối với nền kinh tế toàn cầu hiện nay”, Slater nói. “Nếu còn nhớ đến tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu mà bắt nguồn từ Mỹ thì nên lưu ý rằng Mỹ chỉ chiếm 24% GDP thế giới vào thời điểm đó”, ông nói thêm.

Điều đáng chú ý là mức độ liên thông tài chính giữa các nền kinh tế đang phát triển với phần còn lại của thế giới rất cao so với thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á. Theo số liệu của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS), mức cho vay của các thành viên thuộc tổ chức này cho các thị trường mới nổi đã lên tới 6.000 tỉ USD vào cuối năm 2014, gấp đôi năm 1999.

Các nhà làm chính sách đang bắt đầu lên tiếng báo động. Trong cuộc trả lời phỏng vấn Financial Times mới đây, Choi Kyung-hwan, Bộ trưởng Tài chính của Hàn Quốc, cho biết tăng trưởng toàn cầu chậm lại, trong bối cảnh chính sách tiền tệ lỏng lẻo, đã tạo ra một thách thức tương tự cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 về mức độ phức tạp.

Theo ông, các nền kinh tế hàng đầu đã không hành động đủ tích cực để kích thích tăng trưởng và khuyến cáo “thế giới phát triển sẽ một lần nữa chứng kiến hiệu ứng lan tỏa từ những diễn biến tiêu cực ở các thị trường mới nổi” nếu họ không ráo riết hơn. Ông đưa ra nhận xét này sau khi Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) hạ dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu còn 3,1% cho năm 2015, giảm từ mức dự báo 3,7% hồi tháng 11.

Còn ông Baweja thì cho rằng giao thương sụp đổ là mối đe dọa lớn nhất mà các thị trường mới nổi đang đối mặt, còn lớn hơn nhiều so với viễn cảnh tăng lãi suất của FED. Một số quốc gia sẽ buộc phải quay sang các gói kích thích tiền tệ hoặc tài khóa. Ông Choi cho biết Hàn Quốc vẫn còn dư địa để thực hiện cả hai biện pháp trên và Bộ Tài chính sẽ công bố một “gói kích thích toàn diện” nhằm thúc đẩy tăng trưởng vào tháng 7 tới.

Nhưng các nền kinh tế khác sẽ cảm thấy khó khăn hơn. Brazil đang tìm cách khôi phục lại niềm tin đối với tình hình tài chính công bằng cách cắt giảm chi tiêu và tăng thuế, thậm chí khi nước này đối mặt với cuộc suy thoái sâu rộng. Brazil cũng đang tăng lãi suất để kiềm hãm lạm phát và thu hút vốn nước ngoài. Ở phía ngược lại, Hungary và Thái Lan đang cắt giảm lãi suất nhằm đối phó với giảm phát. Nhưng họ có thể chẳng duy trì được lâu nếu FED nâng lãi suất vào cuối năm nay (vì nếu tiếp tục hạ lãi suất thì sẽ khiến cho dòng vốn chảy ra ngoài và đồng nội tệ mất giá).

Đàm Hoa

Nguồn Financial Times