Thị trường mới nổi bước vào chu kỳ tăng trưởng mới?
Cách đây chưa đầy 1 năm, Vale, công ty khai thác mỏ Brazil, còn sống vật vờ. Khi đó, giá quặng sắt, mặt hàng xuất khẩu chính của Vale, ở mức thấp mọi thời đại; nhà đầu tư bán tháo cổ phiếu; còn Trung Quốc, thị trường xuất khẩu chính, cũng tăng trưởng chậm lại. Nhưng giá quặng sắt hiện đã phục hồi. Sản lượng sản xuất của Vale cũng đạt mức kỷ lục. Nhờ giá cả tăng hơn gấp đôi lên tới gần 90 USD/tấn, Vale cho biết lợi nhuận năm 2016 đã đạt 4 tỉ USD, so với mức lỗ 12 tỉ USD vào năm 2015. Giá cổ phiếu của doanh nghiệp này cũng tăng lên mức cao 4 năm qua vào cuối tháng 2.2017.
Nhân tố chính giúp Vale, cũng như các công ty khác ở các nền kinh tế đang phát triển, lật ngược thế cờ là đà phục hồi tại Trung Quốc trong năm vừa qua. Lo ngại sẽ “hạ cánh cứng”, Chính phủ Trung Quốc đã lèo lái nền kinh tế thoát khỏi một cuộc khủng hoảng có thể xảy ra bằng cách bơm tín dụng vào các khu vực quan trọng như thị trường nhà ở. Điều đó đã giúp hỗ trợ giá quặng sắt và các nguyên vật liệu khác được cung cấp bởi các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi.
Nhu cầu cao từ thị trường Mỹ cũng đã tiếp sức cho các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi. Ngành may mặc của Việt Nam, chẳng hạn, đã chứng kiến doanh thu tăng từ 7 tỉ USD năm 2009 lên con số 26 tỉ USD vào năm 2016. Michael Laskau, một nhà điều hành thuộc Tổng Công ty May Nhà Bè ở TP.HCM, cho biết thị trường Mỹ là động lực đẩy tăng doanh số bán. “Tăng trưởng của ngành may mặc Việt Nam đến từ việc nhu cầu Mỹ vẫn duy trì ở mức cao và hoạt động sản xuất được chuyển dịch từ Trung Quốc sang để tận dụng chi phí thấp hơn ở Việt Nam”, ông nói.
Nhiều người cho rằng Tổng thống Donald Trump sẽ ít có khả năng thực hiện các biện pháp bảo hộ như đã tuyên bố, vốn được cho là sẽ gây cú sốc cho các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi. Một số khác tin rằng chính quyền của ông Trump sẽ thúc đẩy nhu cầu thế giới qua các biện pháp cắt giảm thuế và tăng chi tiêu hạ tầng. David Hensley, chuyên gia kinh tế tại JPMorgan, thậm chí cho rằng các thị trường mới nổi sẽ có cơ hội bước vào một “chu kỳ phát triển”, mà theo đó sự lạc quan sẽ thúc đẩy đầu tư, từ đó đẩy tăng năng suất và lợi nhuận, dẫn đến đầu tư cao hơn và tăng trưởng nhanh hơn.
Theo Viện Tài chính Quốc tế (IIF), tăng trưởng GDP các thị trường mới nổi đã đạt mức trung bình 6,4% vào tháng 1.2017, tốc độ tăng trưởng hằng tháng nhanh nhất kể từ tháng 6.2011. Nếu tốc độ này được duy trì, các nền kinh tế mới nổi sẽ đảo ngược xu hướng tăng trưởng đi xuống kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu.
Chỉ số giá sản xuất của Trung Quốc gia tăng nhưng chỉ số PMI thị trường mới nổi lại không mấy khả quan. Nguồn: IHS Markit, Thomson Reuters Datastream |
Cũng theo Hensley, lợi nhuận doanh nghiệp hiện đã tăng lên, không chỉ ở Mỹ mà còn ở nhiều nơi trên thế giới. Điều này trùng khớp với các dấu hiệu lạc quan gần đây về chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) ở cả các nước phát triển lẫn các nước đang phát triển, cho thấy doanh nghiệp đã tin tưởng hơn vào sức khỏe của các thị trường.
Đối với các thị trường mới nổi, đáng quan tâm nhất là PMI ở những nước phát triển vì đó là đích đến cho các sản phẩm xuất khẩu của họ. Sự lạc quan này đã đẩy tăng sản lượng sản xuất cũng như hoạt động đầu tư. Số liệu của JPMorgan cho thấy chi tiêu đầu tư cơ bản và lợi nhuận doanh nghiệp từ các thị trường mới nổi đã cải thiện đáng kể vào cuối năm ngoái. Các chuyên gia kinh tế của ngân hàng này cho rằng xu thế trên sẽ vẫn tiếp tục.
Số liệu thương mại cũng cho thêm cơ sở để lạc quan. Phân tích dữ liệu xuất khẩu từ Capital Economics cho thấy các nhà xuất khẩu thị trường mới nổi lớn đã có một năm 2017 mở màn thuận lợi, khi xuất khẩu từ Trung QUốc, Brazil, Hàn Quốc đều tăng mạnh (xét theo giá trị USD) trong tháng 1.2017.
Nhà đầu tư đều hân hoan vui mừng. Dòng vốn chảy vào các quỹ cổ phiếu và trái phiếu thị trường mới nổi lần đầu tiên dương kể từ năm 2013. Nhà đầu tư nước ngoài đã rút hơn 38 tỉ USD khỏi các trái phiếu và cổ phiếu thị trường mới nổi trong 3 tháng cuối cùng của năm 2016 nhưng đã rót trở lại hơn 12 tỉ USD vào các thị trường này trong tháng 1 năm nay, theo ước tính của Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
Tuy nhiên, rủi ro vẫn còn hiện hữu, đặc biệt từ Trung Quốc. Khi nhu cầu hàng hóa của Trung Quốc suy giảm, chỉ số giá sản xuất (PPI) của nước này đã âm 54 tháng (chuỗi ngày ảm đạm chỉ kết thúc vào tháng 9.2016). Điều đó đã kích hoạt giảm phát trên khắp các thị trường mới nổi, làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu và doanh nghiệp. PPI của Trung Quốc giờ đã dương, nhưng Michael Power, chiến lược gia tại Investec, không tin rằng kết cục sẽ tốt đẹp.
“Nếu đồng nhân dân tệ giữ giá trị so với USD ở mức hiện tại thì câu trả lời là có. Nhưng tôi không chắc liệu sẽ giữ được hay không”, ông nói. Lý do là vì USD được dự báo sẽ ngày càng mạnh lên. Nếu USD tiếp tục mạnh lên và nhân dân tệ càng giảm giá thì áp lực lên giá cả thế giới sẽ rất lớn, từ đó tác động đến lợi nhuận doanh nghiệp, kéo theo sự sụt giảm về đầu tư và tốc độ tăng trưởng.
Sự mong manh này càng thấy rõ khi xem xét chỉ số PPI đang tăng lên của Trung Quốc. Trong quá khứ, bất cứ khi nào PPI nước này tăng lên đều báo hiệu PPI tăng ở các thị trường mới nổi nói chung. Nhưng hiện tại thì không như vậy. Số liệu mới nhất cho thấy các nhà mua hàng không hề dự tính khoản chi tiêu lớn nào cả, nhưng PPI vẫn cứ tăng mạnh.
Bhanu Baweja, chuyên gia phân tích tại UBS, cho rằng giá sản xuất tăng lên ở Trung Quốc phản ánh nguồn cung, chứ không phải sức cầu. Tương tự, giá dầu tăng cao hơn là do sản lượng thấp hơn ở Mỹ, hay việc giá đồng tăng là do các cuộc đình công tại mỏ đồng lớn nhất thế giới ở Chile... “Nếu những gì chúng ta chứng kiến là do cung và dường như đó là điều đang diễn ra, thì khó mà nói rằng nhu cầu sẽ tăng”, ông nói.
Theo Baweja, sẽ quá vội vàng để đánh giá tác động của chỉ số PMI tăng lên, nhưng câu hỏi đặt ra là liệu con số ấy có đi vào thực tế sản xuất. Theo ông, dựa trên lịch sử, lượng đơn hàng mới từ Mỹ gia tăng sẽ giúp thúc đẩy xuất khẩu ở các thị trường mới nổi, nhưng điều đó đã không diễn ra trong lúc này. Số liệu mới nhất từ Viện Quản lý Cung ứng ISM cho thấy mặc dù đơn hàng của các nhà sản xuất Mỹ gia tăng, nhưng nhập khẩu vẫn ảm đạm. Theo ông, tính theo sức mua tương đương, GDP của tất cả các nền kinh tế mới nổi gộp lại dự kiến sẽ tăng chỉ 0,5 điểm phần trăm vào năm 2017.
Chìa khóa giúp duy trì sự phấn khởi ở các thị trường mới nổi sẽ là thị trường nhà đất Trung Quốc. Bắc Kinh đã siết chặt các biện pháp kiểm soát nhằm tránh tình trạng bong bóng trên thị trường nhà đất nhưng cũng đang can thiệp vào để duy trì sức cầu. Tuy nhiên, đang xuất hiện nỗi lo ngại rằng thị trường có thể đã đạt đỉnh, khi giá nhà đang giảm xuống ở nhiều thành phố của nước này vào cuối năm ngoái.
“Chúng ta có thể đang quá lạc quan về các thị trường mới nổi, nhất là khi thị trường nhà đất Trung Quốc bắt đầu đi xuống”, Baweja khuyến cáo. Nói vậy không có nghĩa là các tài sản thị trường mới nổi sẽ bị ảnh hưởng trong ngắn hạn, mà ngược lại, ông cho rằng: “Xét bối cảnh 5 năm qua, lợi nhuận doanh nghiệp trong quý I và quý II sẽ vẫn tốt” và nhà đầu tư sẽ không dại gì mà ngồi yên. Nhưng cần phải thận trọng vì buổi tiệc sẽ không kéo dài.
Đàm Hoa
Nguồn FT