Gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân châu Á. Ảnh: Bloomberg.
Thị trường lương thực toàn cầu có thể gặp "cú sốc"
Sau lệnh cấm xuất khẩu gạo hầu hết các loại gạo trắng của Ấn Độ, thị trường lương thực thế giới sẽ đối mặt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng, vốn đã chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề từ cuộc xung đột Nga - Ukraine, tác động của El Nino.
Được biết, Ấn Độ đóng vai trò rất lớn trong chuỗi cung ứng gạo cho thị trường thế giới, chiếm hơn 40% thương mại gạo toàn cầu. Do đó, lệnh cấm có hiệu lực ngay lập tức khiến các nước nhập khẩu rơi vào tình huống bị động, chưa kịp thích ứng để tìm giải pháp thay thế. Theo nhận định của giới phân tích, Mỹ và Canada là 2 nước chịu tác động nhanh nhất, bởi người dân ở 2 quốc gia đã bắt đầu xếp hàng dài để chờ mua gạo dự trữ.
Gạo là thực phẩm không thể thiếu trong bữa ăn của người dân châu Á. Lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng của Ấn Độ đã khiến cộng đồng người châu Á nói chung và người Ấn Độ nói riêng tại Mỹ phải xếp hàng dài để mua gạo. Tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại Canada. Gạo basmati, một loại gạo hạt dài của Ấn Độ, không nằm trong danh sách lệnh cấm, cũng đang trong trạng thái gần hết hàng. Các loại gạo khác đã được người dân nhanh chóng mua hết để dự trữ, thậm chí có nơi phải giới hạn mỗi người chỉ được mua một bao gạo.
Thị trường lương thực thế giới vốn đang gặp khó khăn bởi những tác động từ hiện tượng thời tiết El Nino, căng thẳng ngày càng leo thang giữa Nga - Ukraine, gây lo ngại về vấn đề thiếu hụt nguồn cung. Lệnh cấm xuất khẩu các loại gạo trắng và gạo không phải basmati có hiệu lực ngay từ ngày 20/7 của Ấn Độ như một đòn giáng, được dự đoán sẽ đẩy giá gạo đang ở mức cao tiếp tục tăng thêm.
Ngoài việc giảm nguồn cung gạo, phản ứng hoảng loạn và đầu cơ trên thị trường gạo toàn cầu sẽ làm trầm trọng thêm việc tăng giá gạo. Điều này cũng có thể đẩy các quốc gia nhập khẩu gạo rơi vào tình trạng lạm phát lương thực nghiêm trọng, đặc biệt là các nước nghèo.
Tuần trước, giá gạo 5% tấm của Việt Nam dao động ở mức 600 USD/tấn, mức cao nhất kể từ năm 2011. Tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng cao lên ngưỡng 535 USD/tấn, đánh dấu mức cao nhất kể từ tháng 2/2021. Hiện giá gạo thế giới đang dao động quanh ngưỡng cao nhất trong vòng 11 năm qua.
Tác động từ lệnh cấm của Ấn Độ được cho là ngày càng khó lường, khi mà nguồn cung lúa mì của thế giới cũng đang đứng trước những thách thức khó nhằn. Mới đây, Nga đã quyết định rút khỏi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen, cùng với lệnh cấm của Ấn Độ, khiến sự thắt chặt của thị trường lương thực lại thêm đà co hẹp.
Theo các chuyên gia, giải pháp lúc này của các quốc gia nhập khẩu gạo đó là cố gắng đi tìm nguồn cung thay thế, cụ thể là từ Thái Lan, Việt Nam và Pakistan. Tuy nhiên, những nước xuất khẩu này vẫn chưa thể chắc chắn đảm bảo nguồn cung có thể đáp ứng được nhu cầu của toàn thị trường.
Nhìn chung, ngoài các nước nhập khẩu gạo phải chịu ảnh hưởng, lệnh cấm còn gây không ít thiệt hại cho các đơn vị xuất khẩu cũng như nguồn thu ngoại tệ của Ấn Độ. Trên thực tế, nguồn cung gạo của Ấn Độ cho thị trường nội địa hiện giờ cũng không thể đáp ứng được nhu cầu của 1,4 tỉ dân. Động thái mạnh tay kiểm soát hoạt động xuất khẩu gạo của chính phủ nước này là để kiềm chế lạm phát loại lương thực này trước thềm bầu cử.
Có thể bạn quan tâm:
"Bão" nợ doanh nghiệp trị giá 500 tỉ USD sắp "đổ bộ" nền kinh tế toàn cầu
Nguồn Bloomberg