Thứ Năm | 12/07/2012 10:07

Thị trường lao động Trung Quốc bắt đầu suy giảm

Sức ép với Chính phủ Trung Quốc nhằm tăng cường kích thích kinh tế ngày càng lớn khi thị trường lao động bắt đầu có dấu hiệu căng thẳng.
Cho đến nay, thị trường lao động Trung Quốc vẫn lạc quan hơn so với giai đoạn cuối 2008 khi 20 triệu lao động nhập cư mất việc. Tuy nhiên, những dấu hiệu đi xuống của thị trường này bắt đầu xuất hiện và có thể đảo ngược tình thế nhanh chóng.

“Tùy thuộc vào tình hình suy giảm tăng trưởng, tình trạng thất nghiệp có thể diễn biến xấu đi đột ngột”, chuyên gia kinh tế của Citigroup, ông Ding Shuang nhận định.

Số liệu về thất nghiệp của Trung Quốc tuy không đáng tin cậy bằng Mỹ hay châu Âu vì không tính cả 200 triệu lao động nhập cư. Tuy nhiên, một số bằng chứng thực tế cho thấy việc sa thải lao động đang lan rộng ở Trung Quốc, lao động cũng khó tìm việc hơn.

Đầu tiên, chỉ số quản lý thu mua sản xuất tháng 6 giảm nhẹ cho thấy cơ hội việc làm cũng giảm.

Thứ hai, khảo sát của một ngân hàng trung ương cho thấy niềm tin vào triển vọng thị trường lao động đã giảm mạnh trong quý II xuống thấp nhất kể từ 2009.

Cuối cùng, Bộ Lao động Trung Quốc ước tính tỷ lệ cơ hội việc làm trên số người cần việc làm giảm từ 108% xuống 105% trong vòng 3 tháng qua.

Ngoài ra, một số công ty lớn nhất của Trung Quốc trong lĩnh vực công nghiệp nặng đã sa thải nhân công hoặc thực hiện chính sách không tuyển dụng vài tháng trở lại đây.

Công ty chế tạo thiết bị xây dựng lớn nhất Trung Quốc, Sany Heavy, tuần trước tuyên bố chưa cắt giảm lao động quy mô lớn. Tuy nhiên, một lao động ở đây cho biết, việc sa thải đã diễn ra ở các bộ phận sản xuất, kinh doanh và nghiên cứu của công ty này kể từ năm ngoái.

Ngành than đá Trung Quốc cũng chuẩn bị cho những đợt cắt giảm lao động quy mô lớn, các thương nhân cho biết. “Một số mỏ than bắt đầu vào “mùa nghỉ ngơi”. Nếu tình hình này tiếp diễn, ngành than đá buộc cắt giảm nhân công”, một thương nhân tại Đại Liên cho biết.

Tại Sinovel, công ty chế tạo tua bin gió lớn thứ 3 thế giới của Trung Quốc, chỉ diễn ra hoạt động sa thải mà không có tuyển dụng mới. Công ty này đã hủy hàng trăm hồ sơ tuyển dụng mới trong tháng 5.

Công nhân tại hàng nghìn công ty nhỏ trong lĩnh vực xây dựng cũng nhận thấy xu hướng cắt giảm này. Nhiều lao động buộc rời thành phố để trở về với công việc nhà nông ở quê nhà. Trong khi đó, lương nhân công một số dự án xây dựng cũng chỉ được thanh toán một nửa.

Giống như bất cứ giới chính khách nào trên thế giới, lo ngại lớn nhất của lãnh đạo Trung Quốc là liệu có kiểm soát được tình trạng thất nghiệp hay không. Giới phân tích cho rằng, triển vọng thị trường việc làm sẽ giúp quyết định liệu Trung Quốc có đưa ra gói kích thích lớn như cách đây 4 năm hay không.

Nguồn FT/DVT


Sự kiện