Kế hoạch IPO của chuỗi cửa hàng trà sữa làm sáng tỏ một góc nhìn khác về nền kinh tế Trung Quốc. Ảnh: WSJ.
Thị trường IPO Hong Kong "nóng" lại vì các chuỗi trà sữa trân châu
Từng được xem là một trong những thị trường lớn nhất toàn cầu, thị trường phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) tại Hong Kong đang trông chờ vào các thương vụ niêm yết của các chuỗi cửa hàng trà sữa trân châu.
Chờ được "hâm nóng"
Theo WSJ, có ít nhất 4 chuỗi trà chữa đang chuẩn bị IPO ở Hong Kong trong năm nay. Nổi bật trong số này là chuỗi cửa hàng trà và kem Mixue Group, với mục tiêu huy động 1 tỉ USD từ hoạt động niêm yết, tăng gấp 3 lần so với quy mô kinh doanh hiện tại trên thị trường.
Hai chuỗi trà sữa khác là Guming và Chabaido, được xem là những đối thủ cạnh tranh của Mixue, cũng đang có kế hoạch huy động 300 triệu USD cho mỗi công ty.
Những kế hoạch IPO này trở nên rõ ràng hơn sau khi tình trạng tăng trưởng suy yếu của nền kinh tế Trung Quốc khiến các trung tâm tài chính châu Á lao đao. Sàn Giao dịch Chứng khoán Hong Kong từng chứng kiến số lượng giao dịch nhiều hơn bất kỳ sàn nào khác trên thế giới, mang lại nguồn doanh thu phí khổng lồ cho các ngân hàng Phố Wall cũng như thu hút sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư quốc tế.
Số vốn huy động được từ các thương vụ niêm yết thành công trong năm 2019 tại Hong Kong lên tới 40 tỉ USD, theo dữ liệu từ Dealogic. Con số này gấp 5 lần so với thị trường IPO London, và chỉ xếp sau các sàn giao dịch chứng khoán Mỹ.
Trong những năm gần đây, danh sách các công ty niêm yết thành công trên sàn Hong Kong đa số đều thuộc lĩnh vực công nghệ. Những “ông lớn” như Alibaba Group, JD.com và Meituan đã huy động được hơn 20 tỉ USD. Các công ty này mang đến cho giới đầu tư cơ hội đặt cược vào tương lai tươi sáng của Trung Quốc, nơi mà ngành công nghệ và truyền thông xã hội được kỳ vọng có sức cạnh tranh ngang bằng với các đối thủ của Mỹ.
Tuy nhiên, động thái IPO của các chuỗi trà sữa trân châu đang chỉ ra một góc nhìn khác về nền kinh tế Trung Quốc, khi niềm tin của người tiêu dùng giảm sút trong bối cảnh tăng trưởng chậm hơn. Do đó, người dân nước này có xu hướng ưu tiên lựa chọn những sản phẩm giá rẻ. Các cửa hàng trà sữa cạnh tranh bằng cách giảm giá và tạo ra các chương trình khuyến mãi để thu hút khách hàng.
Điểm lo ngại
Giới phân tích cho rằng, những hành động của các công ty là đang thích nghi với môi trường kinh tế hiện tại của Trung Quốc. Thế nhưng, các công ty kinh doanh trà sữa sẽ cần phải thuyết phục các nhà quản lý danh mục đầu tư vốn đang cẩn trọng với xu hướng tiêu dùng ở Trung Quốc trong việc rót vốn. Theo FactSet, chỉ số chứng khoán Hang Seng của Hong Kong đã giảm hơn 40% trong 3 năm qua và hiện ở mức giảm trong năm thứ 5 liên tiếp.
Thị trường IPO tại Hong Kong rơi xuống vị trí thứ 9 trên bảng xếp hạng các thị trường lớn nhất trên toàn cầu trong năm nay, dựa trên danh sách các sàn giao dịch theo số tiền huy động được các đợt niêm yết mới. Chỉ có 471,8 triệu USD đã được huy động thông qua hoạt động niêm yết tại Hong Kong từ đầu năm 2024, so với 8,7 tỉ USD tại các sàn giao dịch ở Mumbai (Ấn Độ), Frankfurt (Đức) và Athens (Hy Lạp).
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đã cắt giảm đầu tư vào Trung Quốc sau cơn bùng nổ giá cổ phiếu ở Mỹ, Nhật và các quốc gia khác. Ông Albert Kwok, nhà quản lý danh mục đầu tư thị trường mới nổi Jennison Associates, cho biết ông thậm chí không tham gia các cuộc gặp gỡ để chào hàng IPO từ các công ty Trung Quốc theo lời mời của các ngân hàng đầu tư.
Các ngân hàng cũng cần phải chứng minh khả năng của các chuỗi trà sữa với các nhà đầu tư. Mối lo ngại của giới đầu tư càng rõ ràng hơn, khi một lúc có 4 chuỗi trà sữa của Trung Quốc cùng lên kế hoạch IPO.
Mixue hiện có hơn 36.000 cửa hàng, chuyên bán trà trân châu, kem và các loại đồ ngọt khác. Ảnh: Reuters. |
“Có rất nhiều thương hiệu trà sữa trên thị trường, nhưng lại không có cái tên nào quá nổi bật so với số còn lại. Do đó, không có lợi thế cạnh tranh nhất định nào đang hiện diện trong ngành này ở Trung Quốc hiện nay”, ông Barry Wang, đồng Giám đốc danh mục đầu tư Quỹ Cơ hội Trung Quốc của Oberweis Asset Management, cho biết.
Có nguồn gốc từ Đài Loan vào thập kỷ 1980, trà sữa trân châu, hay còn được gọi là trân châu ở Bắc Mỹ, đã trở thành một loại thức uống giải khát phổ biến trong cộng đồng người châu Á trên khắp thế giới. Ban đầu, nó chỉ là sự kết hợp đơn giản giữa trà và sữa đi kèm với trân châu. Nhưng giờ đây, các cửa hàng trà sữa đã phát triển với nhiều thức uống đa dạng kèm theo lớp phủ kem phô mai và bong bóng sủi bọt.
Mixue, công ty điều hành hơn 36.000 cửa hàng, chuyên bán trà trân châu, kem và các loại đồ ngọt khác, đang nhanh chóng mở rộng ra các quốc gia khác ngoài Trung Quốc, bao gồm Hàn Quốc và Indonesia. Trong khi đó, Guming và Chabaidao, 2 công ty có trụ sở tại Chiết Giang và Tứ Xuyên, đều sở hữu ít hơn 10.000 cửa hàng.
Thêm vào danh sách những công ty muốn niêm yết là Auntea Jenny, thương hiệu trà sữa có trụ sở tại Thượng Hải. Theo nguồn thạo tin, công ty này đã nộp đơn xin niêm yết hồi tháng 2 với mục tiêu huy động được hơn 100 triệu USD.
Tuy nhiên, điểm đáng lo ngại đối với những thương vụ IPO này là chỉ có Nayuki là chuỗi trà sữa trân châu Trung Quốc duy nhất đã niêm yết thành công trên sàn chứng khoán Hong Kong cho đến nay. Tháng 6/2021, Nayuki hành công trong việc huy động hơn 650 triệu USD. Thế nhưng, giá cổ phiếu của Công ty đã giảm hơn 80% kể từ đó.
Có thể bạn quan tâm:
"Nỗi đau" của thị trường startup Ấn Độ
Nguồn WSJ