Ảnh: Nikkei Asia.

 
Hải Miên Thứ Năm | 23/06/2022 14:38

Thị trường IPO châu Á 'ảm đạm'

Số lượng công ty mới niêm yết đã chậm lại đáng kể ở châu Á trong những tháng gần đây.

Trong khi doanh thu từ các công ty niêm yết trong quý I/2022 đã cao hơn 18% so với năm 2021, hoạt động IPO tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương trong quý II đã mang lại 50,5 tỉ USD, thấp hơn 26% so với cùng thời điểm năm ngoái, theo dữ liệu của Dealogic.

Cho đến nay, đã có ​​356 công ty mới niêm yết, giảm 31% so với năm 2021.

Theo so sánh của Dealogic, số lượng IPO toàn cầu đang thấp hơn 53% so với năm 2021, với doanh thu giảm 72%. Chỉ có 2 trong số 10 đợt IPO lớn nhất của năm là thuộc về Mỹ và châu Âu, còn lại đều là các doanh nghiệp của châu Á.

 

Thị trường bất ổn bắt nguồn từ cuộc chiến Nga-Ukraine vào cuối tháng 2, các đợt bùng phát COVID, lạm phát tăng theo chiều xoắn ốc và các chính sách tiền tệ được thắt chặt, góp phần khiến nhiều đợt IPO bị tạm gác lại trong những tuần gần đây.

PwC cũng đã giảm dự báo về giá trị niêm yết sơ cấp tại Hồng Kông trong năm nay xuống khoảng từ 180-200 tỉ dollar Hồng Kông, bằng một nửa mức dự kiến ​​vào đầu năm.

Hồng Kông, thị trường IPO hàng đầu thế giới (tính đến năm 2019), thậm chí còn không nằm trong Top 10 năm nay. Cho đến nay, Hồng Kông chỉ có 22 công ty niêm yết mới - ít hơn 53% so với năm ngoái - với tổng vốn huy động khoảng 17 tỉ dollar Hồng Kông.

Trong một bước ngoặt khác, bốn công ty Trung Quốc niêm yết tại New York đã dự phòng bằng cách tiếp tục niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Hồng Kông.

Với việc Hồng Kông ngày càng khó nhằn, thì Thị trường STAR của Sở Giao dịch Chứng khoán Thượng Hải đã trở thành “tụ điểm" IPO bận rộn nhất thế giới, với 14,37 tỉ USD được huy động tính đến nay, vượt qua 12,61 tỉ USD của Thị trường chứng khoán Nasdaq.

Hoạt động IPO đã chậm lại trong năm 2022.
Hoạt động IPO đã chậm lại trong năm 2022.

Nhưng sàn giao dịch New York vẫn có số lượng IPO nhiều gấp đôi STAR. Các giao dịch mới của sàn giao dịch Thượng Hải giảm 44% so với một năm trước, mặc dù đây là thị trường thế giới duy nhất có hai trong số 10 vụ IPO hàng đầu năm nay, bao gồm: nhà sản xuất bảng điều khiển năng lượng mặt trời Jinko Solar và nhà thiết kế vi mạch tích hợp Novosense Microelectronics. Không giống như trước đây, giá của hầu hết các công ty mới niêm yết tại STAR đều giảm sau hoạt động IPO.

Những đợt IPO lớn nhất năm 2022, tính đến hiện tại.
Những đợt IPO lớn nhất năm 2022, tính đến hiện tại.

Tại Hàn Quốc, hàng loạt công ty lớn đã bỏ kế hoạch IPO, bao gồm Hyundai Engineering và công ty an ninh mạng, SK Shieldus, mỗi công ty đều đang tìm kiếm hơn 1 nghìn tỉ won (775 triệu USD).

Sàn giao dịch Hàn Quốc đã thống kê được 9 lần rút hồ sơ IPO, một doanh nghiệp đã IPO và một lần cho ủy thác đầu tư bất động sản, so với 15 lần IPO vào năm ngoái. Tuy nhiên, theo Dealogic, cho đến hiện tại, “phi vụ” IPO trị giá 10,73 tỉ USD của LG Energy Solution được xếp hạng là lớn nhất thế giới trong năm 2022.

Các ứng cử viên IPO cũng trở nên lo lắng về các thị trường châu Á khác. Tại Nhật Bản, công ty khởi nghiệp hỗ trợ thương mại AnyMind Group, vào tháng 3, đã hủy niêm yết tại Sở giao dịch chứng khoán Tokyo, dự kiến ​​sẽ định giá công ty ở mức 446 triệu USD.

Trong khi đó, Ấn Độ đã tổ chức đợt IPO lớn thứ hai trong khu vực, trị giá 2,72 tỉ USD, thuộc Tập đoàn Bảo hiểm Nhân thọ thuộc sở hữu nhà nước của Ấn Độ. Các dịch vụ ở Đông Nam Á được dẫn đầu bởi thương vụ IPO trị giá 957 triệu USD trên  (hợp nhất bởi dịch vụ gọi xe Gojek và nền tảng thương mại điện tử Tokopedia).

Bất chấp sự chậm lại gần đây, PwC dự kiến ​​hoạt động ở Hồng Kông sẽ trở lại mức bình thường trong nửa cuối năm, với ít nhất ba đợt phát hành trị giá 10 tỉ dollar Hồng Kông và 6 đợt trong khoảng 5-10 tỉ dollar Hồng Kông.

Có ba đợt IPO hiện đang diễn ra, bao gồm GoGoX, chuyên cung cấp dịch vụ hậu cần nội bộ, trị giá 671 triệu dollar Hồng Kông, sẽ được niêm yết vào ngày 24/06.

Trong tháng này, Hồng Kông đã có hai công ty SPAC* niêm yết. 

*SPAC (Special Purpose Acquisition Company) - Công ty mua lại có mục đích đặc biệt: là công ty không có hoạt động thương mại và được hình thành để huy động vốn thông qua phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) nhằm mục đích mua lại hoặc sáp nhập với một công ty hiện có.

Có thể bạn quan tâm:

 Bỏ thuế quan với hàng Trung Quốc có phải là giải pháp cho lạm phát tại Mỹ?

Nguồn Nikkei Asia