Ảnh: AFP/Getty Images
Thị trường dầu thế giới trong tay Nga và Ả-rập Saudi
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đạt thỏa thuận với Thái tử Ả-rập Saudi Mohammed Bin Salman để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng giữa các nước trong và ngoài OPEC (OPEC+) trong những tháng còn lại của năm 2019 và có khả năng kéo dài sang đầu năm 2020.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm 20 tại Nhật Bản, Tổng thống Nga cho biết việc gia hạn cắt giảm sản lượng - hết hạn vào cuối tháng 6 và có thể kéo dài từ 6-9 tháng. Những bình luận của ông đã cho biết trước kết quả của cuộc họp của OPEC tại Vienna vào tuần tới, và củng cố hơn nữa vai trò của ông Putin như là người quyết định cuối cùng trong nhóm.
Các quan chức dầu mỏ Ả-rập Saudi sau đó đã xác nhận ủng hộ việc gia hạn, mặc dù cảnh báo họ vẫn cần thảo luận về thỏa thuận với các bộ trưởng khác của OPEC. Thỏa thuận hiện tại của nhóm yêu cầu cắt giảm sản lượng dầu ở mức 1,2 triệu thùng/ngày.
“Chúng tôi đã đồng ý, chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì thỏa thuận của mình”, ông Putin nói tại Osaka. “Trong bất kỳ trường hợp nào, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc tiếp tục thực hiện các thỏa thuận, cả Nga và Ả Rập Saudi, theo mức sản lượng đã được thỏa thuận trước đó”.
Biến động giá dầu WTI qua các tháng. Ảnh: Bloomberg |
Tuyên bố của ông Putin đánh dấu lần đầu tiên một nhà lãnh đạo cấp cao của nhóm OPEC+ nói bóng gió rằng biện pháp hạn chế sản lượng có thể được duy trì cho tới năm 2020. Điều đó cho thấy triển vọng u ám về nguồn cung và nhu cầu dầu trong năm tới do tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm và sản lượng đá phiến của Mỹ tăng.
Thỏa thuận thương mại
Thỏa thuận giữa Nga và Ả-rập Saudi được đưa ra sau khi tổng thống Mỹ Donald Trump và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để nối lại đàm phán thương mại và Mỹ sẽ không áp các mức thuế mới lên hàng hóa Trung Quốc tại thời điểm này.
“Thỏa thuận của Ả rập Saudi-Nga, kết hợp với kết quả tích cực từ các cuộc đàm phán thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc tại G-20, sẽ đẩy giá dầu tăng cao hơn”, ông Amrita Sen, giám đốc phân tích dầu khí tại công ty tư vấn Energy Aspects tại London cho biết.
Kể từ khi Nga và Ả rập Saudi cùng nhau quản lý thị trường vào cuối năm 2016, giá dầu dầu thô Brent đã dao động trong khoảng từ 45 đến 85 USD/ thùng.
►Kinh tế thế giới trước nỗi lo giá dầu tăng lên 100USD/thùng
►Kịch bản nào cho giá dầu nếu căng thẳng Mỹ-Iran leo thang?
►Ngành dầu mỏ với nỗi lo nhu cầu suy giảm
Vài giờ sau cuộc họp ở Osaka, Bộ trưởng Năng lượng Ả-rập Saudi Khalid Al-Falih nói trong cuộc họp của OPEC tại Vienna rằng, Ả rập Saudi đã ủng hộ gia hạn thỏa thuận thêm 9 tháng nữa cho đến đầu năm 2020. "Nhưng chúng tôi phải nói chuyện với các bộ trưởng khác", ông nói.
Các bộ trưởng OPEC dự kiến sẽ họp vào ngày 1/7 tại Vienna để thảo luận về chính sách sản xuất của họ trong vài tháng tới. Vào ngày 2/7, các bộ trưởng dầu mỏ từ các quốc gia ngoài OPEC sẽ tham gia các cuộc đàm phán. Ả-rập Saudi và Nga là những thành viên lớn nhất trong nhóm và cả hai quốc gia có thể dẫn dắt liên minh OPEC+ thực hiện những chính sách ưa thích của họ. Tuy nhiên, các nước khác có thể phản đối. Iran là một ví dụ.
Al-Falih cảnh báo việc mở rộng cắt giảm sản xuất là cần thiết vì tăng trưởng nhu cầu dầu mỏ đã giảm, nhưng nói rằng không cần thiết phải cắt giảm sâu hơn. Trước đó, Bộ trưởng Dầu mỏ Ả rập Saudi đã nói trên mạng xã hội Twitter rằng thỏa thuận Nga - Ả rập Saudi để gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng sẽ "giúp giảm tồn kho dầu thô toàn cầu" và “giúp cân bằng thị trường."
Đối với Moscow, họ có thêm một động lực để kéo dài thỏa thuận thêm 9 tháng, khi các công ty dầu khí của Nga khó khăn trong việc tăng sản lượng trong mùa đông. Bằng cách gia hạn thỏa thuận vào năm 2020, Nga có thể bơm thêm nhiều hơn trong mùa xuân năm tới.
Năm nay, liên minh OPEC+ đã cắt giảm sản lượng hơn mức 1,2 triệu thùng/ngày do các lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela đã cắt giảm sản lượng từ cả hai nước. Ả rập Saudi cũng đơn phương thực hiện các biện pháp kiềm chế sâu hơn mức cam kết, bơm 9,7 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 5, so với mức trần 10,3 triệu thùng/ngày.
Ả-rập Saudi đã cắt giảm sản lượng nhiều hơn so với cam kết. Ảnh: Bloomberg.com |
Thỏa thuận miệng ngày 29/06 giữa ông Putin và Thái tử Mohammed Bin Salman nhấn mạnh tầm quan trọng của hội nghị G20 như một diễn đàn quan trọng để đưa ra quyết sách cho thị trường dầu. Năm 2018, ông Putin và Hoàng tử Mohammed đã sử dụng hội nghị thượng đỉnh ở Buenos Aires để ủng hộ gia hạn thỏa thuận OPEC+ trong nửa đầu năm 2019. Vài ngày sau, với sự chỉ dẫn rõ ràng từ các nhà lãnh đạo, các bộ trưởng dầu mỏ đã gặp và đồng ý về các chi tiết của thỏa thuận.
Hội nghị G20 tại Hàng Châu, Trung Quốc năm 2016, cũng đã đánh dấu bước ngoặt cho thị trường dầu mỏ khi tổng thống Putin và Hoàng tử Mohammed Bin Salman đã tạo ra mối quan hệ hợp tác giữa hai nhà xuất khẩu dầu hàng đầu thế giới. Kể từ cuộc gặp đó, hai quốc gia đã phối hợp nhau trong các chính sách sản lượng dầu với tư cách là những nhà lãnh đạo của liên minh OPEC+, bao gồm tất cả các thành viên của OPEC cộng với các nhà sản xuất độc lập khác, bao gồm Mexico, Azerbaijan và Kazakhstan.
“Sự hợp tác trong OPEC đã dẫn đến sự ổn định của thị trường dầu mỏ”, đồng thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu, ông Kirill Dmitriev, người đứng đầu Quỹ đầu tư trực tiếp Nga, cho biết vào 29/06 sau cuộc đàm phán.
Để chứng minh thêm về tầm quan trọng của G-20 đối với các cuộc đàm phán của OPEC+, Ả rập Saudi và Nga gần đây đã vận động các quốc gia OPEC + sắp xếp lại cuộc họp ở Vienna của họ, lùi lại vài ngày để các bộ trưởng dầu mỏ sẽ họp ngay sau khi ông Putin họp với Thái tử Mohammed Bin Salman, thay vì trước hội nghị G20 như dự kiến ban đầu. OPEC + sẽ gặp nhau tại thủ đô của Áo vào ngày 1-2/7.
Nguồn Bloomberg