Thứ Hai | 05/01/2015 08:53

Thị trường có gì sau nghỉ lễ Năm mới?

Sau kỳ nghỉ lễ, các thị trường tài chính lại bước vào những ngày sôi động với một loạt báo cáo đáng chú ý.

Tâm điểm chính của thị trường tuần này là biên bản họp chính sách tháng 12 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào báo cáo việc làm tháng 12 của Bộ Lao động Mỹ.

Trước đó ngày 18/12, Fed đã chính thức gỡ bỏ cam kết "giữ lãi suất thấp trong thời gian đáng kể". Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách Mỹ vẫn duy trì quan điểm kiên nhẫn trong vấn đề nâng lãi suất ít nhất đến tháng 4/2015. Nói cách khác trong cuộc họp chính sách tháng 12, Fed không hề thay đổi chính sách hay quan điểm mà chỉ thay đổi ngôn ngữ diễn đạt.

Cũng trong cuộc họp này, các quan chức Fed đưa ra dự báo khá khả quan về tăng trưởng GDP, lạm phát và tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ trong năm 2015. Một điều đáng chú ý là, chủ tịch Janet Yellen lại không đề cập đến tác động của những biến động toàn cầu gần đây, từ đà lao dốc của giá dầu cho đến khủng hoảng tiền tệ tại Nga, đối với kinh tế Mỹ.

Biên bản họp tháng 12, công bố vào rạng sáng ngày 8/1 - giờ Việt Nam - dự kiến sẽ giúp giới đầu tư hiểu rõ hơn về quan điểm kiên nhẫn thông quan những đánh giá của Fed về thị trường lao động và áp lực lạm phát.

Ngay hôm sau 9/1, Bộ Lao động Mỹ sẽ công bố báo cáo việc làm tháng 12. Giới đầu tư dự đoán, khối doanh nghiệp (công và tư nhân) đã tuyển dụng thêm 215.000 nhân sự trong tháng 12 với tỷ lệ thất nghiệp duy trì ở 5,8%. Số người được tuyển dụng trong tháng 12 thấp hơn nhiều so với con số 321.000 ghi nhận được trong tháng 11.

Càng về cuối năm, khối doanh nghiệp lại có xu hướng ít bổ sung nhân sự với số đơn xin trợ cấp thất nghiệp bất ngờ tăng 17.000 đơn trong tuần kết thúc vào ngày 27/12. Tuy nhiên xét cả năm 2014, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp trung bình lại xuống thấp nhất 14 năm ở 308.500 đơn.

Với đà cải thiện mạnh mẽ của thị trường lao động và các hoạt động kinh tế, giới đầu tư hy vọng Fed sẽ nhanh chóng nâng lãi suất trong đầu năm 2015.

Trong tuần, thị trường Mỹ sẽ đón nhận một số báo cáo khác như, số đơn đặt mua hàng hóa sản xuất, chỉ số PMI dịch vụ, thâm hụt thương mại. Trong khi đó, thị trường châu Á sẽ tập trung vào Trung Quốc, đặc biệt là số liệu lạm phát.

Ngày 9/1, Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc sẽ công bố số liệu lạm phát tháng 12. Moody's dự báo, tỷ lệ lạm phát tháng 12 của nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới tăng nhẹ lên 1,6% sau khi từng xuống thấp nhất 5 năm ở 1,4% trong tháng 11.

Ngược lại, chỉ số giá sản xuất (PPI) của Trung Quốc rất có thể sẽ giảm 2,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 12, sau khi đã giảm 2,7% trong tháng trước đó. Khi đó, tháng 12 sẽ là tháng giảm thứ 34 liên tiếp của PPI.

Áp lực lạm phát yếu ớt, cùng với một loạt số liệu kinh tế không mấy khả quan, đang dấy lên những lo ngại rằng, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng chậm hơn nữa trong năm 2015.

Cùng ngày, Bộ Thương mại Trung Quốc sẽ công bố số liệu xuất - nhập khẩu tháng 12.

Nguồn DVO/ CNBC