Ngày 24/02, ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ loại các ngân hàng lớn nhất và các công ty lớn nhất của Nga khỏi thị trường tài chính phương Tây.
Thị trường chứng khoán và năng lượng bất ổn sau cuộc tấn công của Nga vào Ukraine
Giá dầu tăng vọt, hợp đồng khí đốt tự nhiên châu Âu tương lai cũng lên theo và thị trường chứng khoán toàn cầu thì giảm sâu khi Nga tiến hành tấn công Ukraine, làm dấy lên lo ngại về cuộc khủng hoảng kinh tế rộng lớn có thể xảy ra sau đó.
Cổ phiếu trên Phố Wall đã tiếp bước thị trường châu Âu và châu Á, giảm vào đầu ngày, nhưng cũng phục hồi khỏi mức thấp vào buổi chiều và chỉ số S&P 500 tăng khoảng nửa phần trăm. (Ngày 24/02 theo múi giờ EST - khoảng 3 giờ sáng ngày 25/02 theo múi giờ GMT +7).
Tác động ban đầu đến thị trường tài chính là ngay lập tức và trên diện rộng, bắt đầu từ châu Á, chỉ số Hang Seng ở Hồng Kông giảm 3,2%. Tại Đức, chỉ số DAX giảm gần 4%, trong khi chứng khoán ở Moscow sụt sâu, với điểm chuẩn chính giảm 33%, còn đồng Rúp giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD.
Khả năng xảy ra chiến tranh diện rộng làm tăng nguy cơ lạm phát đồng thời đặt ra câu hỏi hóc búa dành cho Cục Dự trữ Liên bang và các ngân hàng trung ương khác. Trong tuần tính đến ngày 23/02, S&P 500 đã giảm 5% do căng thẳng ở Đông Âu gia tăng. Nếu căng thẳng tiếp tục leo thang, thị trường chứng khoán sẽ còn xuống sâu nữa.
Sau khi Tổng thống Biden nói rằng Hoa Kỳ và các đồng minh đã sẵn sàng giải phóng nguồn cung từ các kho dự trữ dầu nếu cần, giá dầu lên cao nhất trong ngày và chứng khoán cũng tăng.
Đến chiều ngày 24.02, dầu thô Brent, tiêu chuẩn toàn cầu, tăng 2,3% đạt ngưỡng trên 105 USD/ thùng.
Hợp đồng khí đốt kỳ hạn của Hà Lan, một tiêu chuẩn cho khí đốt tự nhiên của châu Âu, tăng khoảng 33% lên trên 118 euro một megawatt/giờ. Nga cung cấp hơn một phần ba lượng khí đốt của Liên minh châu Âu, với một phần đường ống chạy qua Ukraine. Một năm trước, loại khí này được bán với giá khoảng 15 euro một megawatt/giờ.
Giá dầu và khí đốt tự nhiên cũng như các kim loại như niken, nhôm và palađi tăng mạnh, các mặt hàng nông sản chủ lực như lúa mì và dầu hướng dương có khả năng dư thừa và làm tăng mức lạm phát ở châu Âu cũng như Hoa Kỳ. Capital Economics, một công ty nghiên cứu, cho biết mức lạm phát sẽ tăng tới 1,5 điểm phần trăm trong vài tháng tới. Lạm phát ở Hoa Kỳ đã ở mức 7,5 phần trăm một năm.
Các mục tiêu cuối cùng của Tổng thống Vladimir V. Putin vẫn chưa rõ ràng, và lệnh trừng phạt từ phương Tây thì “gắt” dần trong nỗ lực thuyết phục vị tổng thống rằng cái giá cho việc chiếm đóng toàn diện Ukraine sẽ rất “đắt”.
Ngày 24/02, ông Biden cho biết Hoa Kỳ sẽ loại các ngân hàng lớn nhất và các công ty lớn nhất của Nga khỏi thị trường tài chính phương Tây, hạn chế xuất khẩu công nghệ sang Nga và đóng băng hàng nghìn tỉ USD tài sản của Nga.
Với các đòn tài chính gay gắt chống lại Nga đang được thực hiện, cổ phiếu ngân hàng giảm nhanh hơn so với thị trường nói chung. Cổ phiếu của các ngân hàng châu Âu có sự tham gia phần lớn thuộc về Nga giảm mạnh: Raiffeisen của Áo giảm 23%, UniCredit của Ý giảm 13,5% và Société Générale của Pháp khoảng 12%.
Tại Hoa Kỳ, JPMorgan Chase giảm khoảng 3,5% và Citigroup giảm 4,8%.
Cổ phiếu năng lượng cũng giảm trong ngày 24/02, nhưng vẫn là điểm sáng cho các nhà đầu tư đã sở hữu loại cổ phiếu này trong năm nay. Với mức tăng hơn 19% kể từ ngày 31/12, đây là lĩnh vực duy nhất trong S&P 500 tăng điểm trong năm. Halliburton, Occidental Petroleum, Marathon Oil, Hess và Exxon Mobil là một trong những cổ phiếu nhiên liệu hóa thạch đã tăng hơn 20% vào năm 2022.
Nguồn The New York Times