Thị trường chứng khoán sẽ tăng mạnh trong tháng 11?
Kinh tế Mỹ tăng trưởng mạnh mẽ, tỷ lệ lạm phát và thất nghiệp của Eurozone có dấu hiệu cải thiện trong khi Nhật Bản cũng vừa cam kết sẽ mở rộng quy mô của gói kích thích tiền tệ, đồng thời tăng năm giữ chứng khoán. Tất cả những tin tức này đã đẩy chỉ số S&P 500 và Dow Jones tăng hơn 1% lên cao chưa từng thấy, chỉ số Nikkei của Nhật Bản cũng tăng gần 5% chi trong phiên giao dịch ngày 31/10.
Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là thị trường chứng khoán sẽ tránh được những biến động thất thường do giới đầu tư vẫn đang giao dịch theo tín hiệu từ các ngân hàng trung ương và tình hình hình tăng trưởng của kinh tế toàn cầu.
Trong tuần này, thị trường sẽ chú ý nhiều hơn tới báo cáo việc làm tháng 10 của Mỹ, đặc biệt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) kết thúc chương trình mua trái phiếu hàng tháng. Các chuyên gia dự đoán, lĩnh vực phi nông nghiệp đã tuyển dụng thêm 235.000 người - thấp hơn so với tháng 9 - với tỷ lệ thất nghiệp không đổi ở 5,9%.
Ngày 7/11, Chủ tịch Fed Janet Yellen sẽ có bài phát biểu về chính sách tại Paris. Giới đầu tư có lẽ sẽ không bỏ qua sự kiện này nhằm tìm hiểu hướng đi chính sách và tín hiệu nâng lãi suất của Fed. Phần lớn chuyên gia đều cho rằng, Fed sẽ nâng lãi suất vào cuối năm 2015, khác với dự đoán vào giữa năm 2015 của các quan chức Fed.
Bên cạnh đó, châu Âu cũng sẽ trở thành tâm điểm của mọi con mắt khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) bước vào cuộc họp chính sách tháng 11 với kỳ vọng, các nhà hoạch định chính sách sẽ mở rộng quy mô chương trình mua tài sản.
Một trong những yếu tố gây được sự chú ý của giới đầu tư trong tuần này vẫn là báo cáo tài chính quý III của các doanh nghiệp, như Disney hay Alibaba. Báo cáo tài chính vốn là thước đo tình hình kinh doanh của các doanh nghiệp và cũng là yếu tố để giới đầu tư tăng đầu tư hay rút vốn.